Bát Xát là gọi theo ngôn ngữ địa phương của dân tộc Giáy “Pạc Srạt” có nghĩa là “trăm ngọn thác”. Điều này có lẽ bắt nguồn từ đặc điểm địa lý của vùng núi non điệp trùng, dải đất địa đầu biên giới hùng vĩ Tây Bắc Lào Cai. “Nơi đầu sông, đầu suối, nơi đầu mây, đầu gió, nơi trời quê biên cương…” có nhà thơ đã thốt lên như vậy! Có nơi nào đẹp hơn, khi một vùng mây núi thơ mộng mà hào hùng, dữ dội mà hiền hòa, ẩn chứa bao truyền thuyết và bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo, trải qua bao thăng trầm, ngày nay địa phương đang có sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ, với động lực từ chính những con người gắn bó với miền đất này, cần cù, sáng tạo.

Cửa thác, cửa sông, cửa suối…là khái niệm của đồng bào các dân tộc chỉ nơi địa linh, nơi có thể tụ cư gần đó để tận hưởng sự mát lành, sự cởi mở, thuận đường giao thương, thuận làm ăn canh tác. Từ lâu đời, người Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì và các dân tộc anh em khác đã chọn vùng đất này để sinh cơ lập nghiệp, hình thành nên những bản làng sống gần gũi với thiên nhiên, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cuộc sống sinh sôi, kinh tế - xã hội phát triển theo sự lãnh đạo của Đảng và nỗ lực của nhân dân, tạo cơ hội mới cho nhiều lĩnh vực phát triển từ nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch đến công nghiệp.
Nói đến công nghiệp Bát Xát, hầu như ai cũng biết nơi đây có tổ hợp khai thác, tuyển quặng đồng lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đồng Sin Quyền là tổ hợp mang lại giá trị sản xuất công nghiệp hàng đầu của tỉnh. Đối với huyện Bát Xát, đồng Sin Quyền đã trực tiếp tạo ra sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, để địa phương hướng sang phát triển mạnh về công nghiệp. Không chỉ đồng Sin Quyền, Bát Xát còn rất nhiều khoáng sản quý đã và đang được khám phá, nghiên cứu. Những kho báu của thiên nhiên “gửi lại” cho con người vẫn tràn đầy tiềm năng.
Bát Xát còn là vùng đất của bạt ngàn rừng nguyên sinh. Dải rừng Dền Sáng - Y Tý có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Dưới tán rừng, là những cây thảo quả đặc sản của vùng đất này. Người dân tộc thiểu số giữ rừng, cũng chính là giữ thứ cây làm ra đồng tiền, làm ra giá trị kinh tế, nguồn thu nhập chính để làm giàu. Mỗi tấn thảo quả có giá trị hàng trăm triệu đồng, đó cũng là những kho báu mà thiên nhiên trao tặng, cùng với chính sách bảo vệ rừng, canh tác thảo quả hợp lý - khoa học mà con người thực hiện, rừng già Bát Xát sẽ còn tiếp tục cho nhiều giá trị đến muôn đời sau.
Người Hà Nhì với cách thức làm nhà trình tường đất, những lễ hội đầu năm, giữa năm rộn ràng, nhiều lễ nghi cúng trời đất, tổ tiên và các vị thần linh theo quan niệm từ xưa truyền lại, rồi những trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc. Người Hà Nhì cũng là một dân tộc kiên trung bám trụ nơi địa đầu, tạo nên bức tường thành thế trận biên phòng trên dải biên cương. Năm nay, Y Tý có nhiều điểm mới, đó là ngoài nông sản truyền thống, bà con đã đưa vào gieo trồng hàng chục ha cây vụ đông, tạo thêm thu nhập cho người dân.
Cũng dưới tán rừng nguyên sinh Bát Xát, là suối tình Dền Sáng gắn với cụm dân cư người Dao đỏ. Truyền thuyết người Dao ở đây nói về tổ chim đại bàng trên ngọn núi cao, nơi đầu nguồn của suối tình Dền Sáng, đây là tiềm năng lớn để phát triển một điểm du lịch trên tuyến du lịch vòng cung phía Tây huyện Bát Xát. Khu vực này, còn có xã Sàng Ma Sáo với những bản làng người Mông trắng có trang phục, phong tục tập quán hầu như còn nguyên vẹn mang đậm bản sắc dân tộc. Mường Hum là cụm trung tâm 8 xã trong khu vực, là nơi hợp lưu 2 dòng suối lớn, chợ phiên dập dìu đủ sắc màu thổ cẩm. Trai thanh gái lịch tụ họp về đây mỗi phiên chợ chủ nhật. Mỗi cô gái trên núi xuống đều như một bông hoa biết đi. Ngày nay, phiên chợ nào cũng có thể bắt gặp những đoàn khách du lịch nước ngoài với nhiều quốc tịch, họ đến từ Đức, Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ… Mường Hum từ lâu đã có tên trong tour du lịch nội địa dành cho người nước ngoài.
Cũng từ vùng núi non phía Tây của huyện Bát Xát còn nhiều hoang sơ về cảnh quan thiên nhiên, nhưng đã có những mũi nhọn phát triển về kinh tế - xã hội. Có thể thấy một số đặc sản từ vùng đất này đã vươn ra thị trường ngoài tỉnh, như rượu San Lùng, Nậm Pung. Rượu San Lùng được bắt nguồn từ truyền thuyết cúng trời. San Lùng, nghĩa là Tam Long, 3 con rồng thần ở vùng đất Bản Xèo. Trên ngọn núi này có một làng người Dao đỏ cư trú từ lâu đời, họ nấu rượu ủ bằng thóc nếp, để cúng rồng thiêng và cúng trời, đất. Thứ rượu này được chưng cất theo bí quyết cổ truyền, từng giọt rượu thơm ngây ngất, vị ngọt dịu nhưng nồng nàn. Nơi có rượu San Lùng nổi tiếng cũng là nơi gần với những cánh ruộng giữa thung lũng mà lúa gạo ở đây đã trở thành thương hiệu được nhận diện trong cả nước. Đó là gạo Séng cù Mường Vi, đặc sản đã được xây dựng thương hiệu nhiều năm nay, bán chạy đến nỗi muốn mua thì phải đăng ký trước khi vào vụ. Hệ thống hang động Mường Vi cũng là di sản thiên nhiên đã được tỉnh xếp hạng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Trở lại phía Đông của vùng đất trăm ngọn thác, ngã ba Lũng Pô nơi sông Hồng tiếp cận vào đất Việt là điểm mốc thiêng liêng, bởi vậy trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, ngày xưa là triều đình phong kiến luôn quan tâm sát sao. Người xưa đã dựng ở đây một tiền đồn, với lũy tre trồng từ thế kỷ nào, nay vẫn xào xạc bài dân ca yêu đất nước.
