Anh Hảng Seo Sình, người dân tham gia mô hình cho biết: Gia đình tôi có hơn 3 ha cây ăn quả như lê, mận. Việc áp dụng mô hình này có tác dụng cải tạo đất rất tốt. Cây phát triển, ít sâu bệnh, người chăm sóc cũng giữ được sức khỏe khi không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chúng tôi tận dụng phân xanh và chất thải động vật đã qua xử lý để bón cho cây. Cách làm này vừa giúp cây khỏe mạnh, phát triển tốt, vừa đảm bảo môi trường sinh thái.
Theo ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, địa phương có diện tích cây ăn quả tương đối lớn, nhưng sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ và dựa vào kinh nghiệm nông nghiệp truyền thống nên năng suất và chất lượng thấp. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là giải pháp hiệu quả để khắc phục những hạn chế đang gặp phải, tận dụng được lợi thế sẵn có để nâng cao giá trị sản xuất. Đây là năm thứ 2 thực hiện mô hình tại địa phương, vụ thu hoạch lê, mận vừa kết thúc. Tại vườn áp dụng mô hình, năng suất đạt cao hơn so với vườn sản xuất thông thường.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, Si Ma Cai hiện có hơn 1.000 ha cây ăn quả ôn đới, chủ yếu là lê Tai nung, lê xanh, mận Tả Van và một số giống mận địa phương. Cùng với việc mở rộng diện tích, chủ trương của huyện là quy hoạch vùng trồng quy mô liền vùng, liền khoảnh, nâng cao năng suất, chất lượng và gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.500 ha cây ăn quả ôn đới.
Bên cạnh đó, mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng được triển khai với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất. Với đặc thù huyện vùng cao có khí hậu mát mẻ, trong lành, cây trồng hầu như phát triển “thuận tự nhiên”, chưa chịu nhiều ảnh hưởng bởi các hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón vô cơ. Bởi vậy, nếu so với các vùng sản xuất hàng hóa đã có, vùng trồng cây ăn quả ôn đới tại Si Ma Cai có nhiều thuận lợi khi chuyển sang sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Các địa phương vùng cao nói chung và Si Ma Cai nói riêng thuận lợi hơn khi sản xuất theo tiêu chuẩn này, bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ gần như là sản xuất truyền thống mà trước đây nông dân đã thực hiện.
Tuy nhiên, để được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, khuyến cáo người dân sản xuất theo các quy trình bài bản, chuyên nghiệp, tuân thủ nghiêm ngặt một số tiêu chuẩn của các đơn vị đánh giá. “Khi làm được điều này, giá trị kinh tế từ cây ăn quả ôn đới sẽ cao hơn so với sản xuất thông thường. Hàng hóa đạt tiêu chuẩn hữu cơ luôn được nhiều người tiêu dùng chọn lựa dù giá cao. Vì lý do sức khỏe, nhiều người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận mức giá cao hơn khi sản phẩm được chứng nhận, khẳng định được uy tín” - bà Bình nói.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất theo đúng các quy trình hướng dẫn, thời gian tới, huyện Si Ma Cai tiếp tục phối hợp với các ngành chuyên môn hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù của địa phương, khuyến khích, hỗ trợ mở rộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với cây ăn quả ôn đới.