Vào dịp tết Nguyên đán, sản lượng tiêu thụ sản phẩm OCOP tăng gấp 3 - 5 lần. Để có đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường, các đơn vị, chủ thể có sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đang tích cực sản xuất, chủ động nguồn hàng.
Đạt chuẩn OCOP 3 sao với sản phẩm lạp xường (hay còn được gọi là lạp sườn) từ nhiều năm nay, cơ sở sản xuất Dung Sử, thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) đã “ghi điểm” với khách hàng bởi chất lượng, mẫu mã sản phẩm đa dạng và giá thành hợp lý.
Những ngày cuối năm, cứ tầm 4 giờ, cơ sở lạp xường Dung Sử đã bắt đầu sản xuất. Bà Phùng Kim Dung (chủ cơ sở) và hàng chục công nhân theo dây chuyền phân định sẵn chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế, ướp gia vị, dồn thịt vào ruột lợn, chia khúc, sấy... Hơn 20 năm làm lạp xường, xưởng thịt hun khói của gia đình luôn đỏ lửa.
Theo bà Dung, để lạp xường đạt chất lượng, thơm ngon, khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất, thịt lợn đòi hỏi phải thật tươi. Vì thế, hằng ngày, bà tự đến các cơ sở cung cấp thịt để kiểm tra về chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Quan trọng không kém là khâu ướp gia vị, canh lửa khi sấy, do vậy, bà thường xuyên có mặt tại khu vực sản xuất để bao quát, giám sát tất cả các khâu để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Mấy năm gần đây, cơ sở của bà Dung đã đầu tư thêm thiết bị, máy móc hỗ trợ các khâu sản xuất, giúp sản phẩm bảo quản được lâu hơn, có thể để trong thời gian dài hơn nên cơ sở cũng sản xuất các tháng trong năm chứ không chỉ tập trung vào dịp cuối năm như trước. Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 200 kg lạp xường, thịt hun khói; riêng dịp tết (từ tháng 11 đến tháng Giêng âm lịch năm sau), cung ứng từ 500 - 700 kg sản phẩm/tháng.
Lạp xường Mường Khương là món ăn được ưa chuộng vào mùa đông, đây cũng là món quà nhiều người chọn để biếu, tặng người thân trong dịp lễ, tết. Vì vậy, dịp tết là thời điểm mặt hàng này được tiêu thụ nhiều nhất, tăng 30 - 40% sản lượng so với ngày thường. Ngoài cơ sở Dung Sử, huyện Mường Khương hiện có gần 20 hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Từ đầu tháng 11 âm lịch, các cơ sở đều tập trung sản xuất, cho ra những sản phẩm chất lượng phục vụ kịp thời nhu cầu thị trường dịp tết.
Với mong muốn đưa sản phẩm chuối ngự, chuối tiêu hồng của nông dân Lào Cai ra thị trường ngoài tỉnh, chị Đỗ Thị Hà Vân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Fancy Farm ở xã Thống Nhất (thành phố Lào Cai) đã có ý tưởng sản xuất chuối sấy dẻo. Năm 2022, Hợp tác xã cho ra đời sản phẩm chuối ngự và chuối tiêu hồng sấy dẻo, ngày càng được khách hàng ủng hộ. Thời điểm này, không khí sản xuất tại đây cũng trở nên nhộn nhịp hơn để kịp trả đơn hàng dịp tết cho các nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.
Chị Đỗ Thị Hà Vân, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Từ tháng 12 dương lịch cho tới tết âm lịch, cơ sở của chúng tôi luôn tất bật chế biến chuối để kịp thời cung ứng cho các đại lý, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Thời điểm này, bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 500 kg chuối sấy dẻo, tăng 4 - 5 lần so với những ngày thường.
Để có nguồn nguyên liệu đảm bảo sản xuất, hợp tác xã đã chủ động tìm vùng nguyên liệu từ các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương… Chuối khi vận chuyển về xưởng sẽ được sơ chế, để chín tự nhiên. Khi chuối đạt độ chín sẽ được bóc vỏ, cho vào lò sấy, không thêm chất phụ gia. Nhờ đó, chuối đảm bảo hương vị tự nhiên nên được khách hàng ưa chuộng, lựa chọn là sản phẩm ăn, biếu, tặng, nhất là trong dịp tết.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 269 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (trong đó 259 sản phẩm đạt 3 sao, 8 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm 5 sao), với 128 chủ thể.
Các sản phẩm OCOP thực phẩm (như miến, nấm hương, măng khô, gạo, rượu, chuối sấy dẻo, dầu lạc, chè khô, cam, bưởi, chuối tươi và các sản phẩm được chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…) của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản lượng tiêu thụ tăng cao trong dịp tết.
Với “tấm vé thông hành” là sản phẩm OCOP, chất lượng được khẳng định đã giúp các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh tăng mức tiêu thụ và mở rộng thị trường.