
Doanh nghiệp vừa chạy vừa chuyển mình
Báo cáo Chỉ số năng lực thương mại điện tử Việt Nam 2025 - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Vecom cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp có sử dụng website hoặc các ứng dụng thương mại điện tử để phục vụ mục đích xuất khẩu trong năm 2024 có tăng so với năm 2023, từ 14% lên mức 17%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và đầu tư vào chiến lược xuất khẩu trực tuyến.
Trong khi thương mại điện tử đang ngày càng trở thành “trục xương sống” của thương mại quốc tế, thì nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khối doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đang chật vật để thích ứng. Áp lực không chỉ đến từ thị trường mà còn từ chính nội tại doanh nghiệp.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức như khả năng cạnh tranh thấp, hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn cùng với áp lực chuyển đổi mô hình sản xuất.
“Doanh nghiệp không thể mãi làm gia công đơn thuần. Họ cần tận dụng lợi thế về sản phẩm, hàng hóa để tăng năng lực cạnh tranh, chuyển sang những hình thức kinh doanh chủ động và hiệu quả hơn, trong đó thương mại điện tử là một hướng đi bắt buộc,” ông Cẩm nhận định.
Tuy nhiên, chuyển đổi không hề dễ dàng. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) chỉ ra nhiều rào cản đang tồn tại bên trong chính doanh nghiệp Việt.
“Rất nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu chiến lược rõ ràng để bước vào thương mại điện tử. Họ gặp trở ngại về kỹ thuật, ngoại ngữ, nguồn nhân lực cũng như hiểu biết về cách vận hành nền tảng số”, ông Phú nói. Nhiều người đứng đầu doanh nghiệp chưa thực sự nhận thức đầy đủ vai trò của chuyển đổi số, dẫn đến việc thiếu tầm nhìn và quyết tâm trong triển khai.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt đội ngũ nhân viên có kỹ năng về thương mại điện tử cũng khiến quá trình kết nối và chăm sóc khách hàng trên nền tảng số bị gián đoạn. Thay vì tạo được sự hiện diện liên tục 24/7 như kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp lại gặp lúng túng khi vận hành gian hàng trực tuyến, dẫn đến hiệu quả không như mong đợi.
Dù cơ hội từ thương mại điện tử là rõ ràng như rút ngắn khoảng cách địa lý, tiết kiệm thời gian và mở rộng thị trường nhưng đây không phải là con đường dễ dàng, nhất là khi nền tảng nội lực còn yếu và sự chuẩn bị chưa đủ sâu.
Tận dụng lợi thế bứt phá trên nền tảng số
Bên cạnh những thách thức hiện hữu, thương mại điện tử xuyên biên giới đang mở ra cơ hội chưa từng có cho doanh nghiệp Việt vươn ra toàn cầu, đặc biệt với những ngành hàng có thế mạnh truyền thống như gỗ, dệt may hay thủ công mỹ nghệ.
Với hơn 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường châu Âu và châu Mỹ thông qua các nền tảng số, ông Trần Lam Sơn, nhà sáng lập Green Mekong khẳng định tiềm năng lớn của ngành chế biến gỗ Việt.
“Hiện nay, hơn 80% nguyên liệu sản xuất gỗ tại Việt Nam là nội địa. Đây là một lợi thế lớn về chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp đã quen với mô hình B2B quốc tế, giờ là lúc cần tiến thêm một bước sang B2C – bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng toàn cầu”, ông Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là khả năng tiếp cận thị trường. “Không có cách nào nhanh và hiệu quả hơn bằng việc tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới. Đây là con đường ngắn nhất để tăng khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường”, ông nói.

Trong ngành dệt may, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết hiệp hội đang khuyến khích các doanh nghiệp tích cực ứng dụng công nghệ mới trong giao dịch, tìm kiếm đơn hàng và mở rộng thị trường trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Để đồng hành cùng các ngành hàng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã khởi động chương trình hợp tác 3 năm “V-Brands Go Global with Amazon”, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Từ 2025–2027, chương trình sẽ đào tạo và cấp chứng nhận xuất khẩu trực tuyến cho 1.000 doanh nghiệp, đồng thời giúp 30 thương hiệu quốc gia mở rộng hiện diện quốc tế qua Amazon.

Không chỉ doanh nghiệp sản xuất, các công ty logistics vốn quen với mô hình vận chuyển truyền thống cũng đang chủ động tái cấu trúc trong chuỗi cung ứng số.
“Chúng tôi đang từng bước tích hợp sâu vào các nền tảng số, ứng dụng dữ liệu và công nghệ vào vận hành để hỗ trợ hiệu quả hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong môi trường thương mại điện tử”, đại diện một doanh nghiệp logistics chia sẻ.