4 ngày nay, anh Phạm Hồng Chính, nhân viên cầu đường Mậu Đông đã được tăng cường tới địa phận xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái để cùng hàng trăm công nhân ngành đường sắt sửa chữa ray. Trong số hơn 40 điểm bị ngập, sập trên toàn tuyến, đoạn Km162 chạy qua Nga Quán là “điểm nghẽn” cuối cùng của toàn tuyến đường sắt huyết mạch nối liền Hà Nội với Lào Cai.
MỆNH LỆNH THÔNG TÀU TỪ... TRÁI TIM
Chỉ tay vào ngấn bùn còn đỏ quạch, loang lổ trên bức tường nhà dân xa xa, anh Chính cho biết: Đêm 8/9, nước từ sông Hồng bất ngờ dâng cao, tràn vào Nga Quán gây úng lụt diện rộng. Ngay khu vực đường sắt do Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào quản lý cũng chìm nghỉm trong lũ.
Cao điểm, độ sâu điểm ngập lên tới 2m. Bùn theo đó cũng cuồn cuộn đổ về. Thời điểm nước rút đã để lại một lớp bùn đặc cao tới 60cm, che lấp toàn bộ mặt ray. Chiều dài của mạch bùn lên tới hơn 1km, biến Km162 trở thành “điểm không thể” vượt qua của mọi con tàu. Toàn tuyến Yên Viên - Lào Cai buộc phải dừng hoạt động.
Mưa lũ đã khiến cho khu vực xã Nga Quán, huyện Trấn Yên (Yên Bái) ngập nặng. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua địa bàn xã cũng bị vùi lấp bởi một khối lượng lớn bùn đất. Ảnh chụp sáng 15/9.
Trưa 15/9, chiếc xe 7 chỗ của chúng tôi chòng chành chạy men theo tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang để tiến sâu vào xã Nga Quán, song song theo tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Mặc dù nắng đã lên cao, nhưng con đường độc đạo vẫn dềnh nước và ùn tắc nghiêm trọng. Hàng chục xe lớn nhỏ nối đuôi nhau nhích từng mét một. Hầu hết trong số này là các phương tiện đem hàng cứu trợ lên cho đồng bào các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.
Nhìn đoàn xe dài ứ lại, ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) thoáng cau mày, trên mặt hiện lên vẻ sốt ruột. Giao thông đường bộ hiện không thể đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của người dân. Bài toán hàng đầu đặt ra lúc này là bằng mọi giá phải thông tuyến huyết mạch Yên Viên - Lào Cai.
Tuyến tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang ùn tắc nghiêm trọng khiến cho các chuyến xe chở hàng cứu trợ bị ùn ứ, kéo dài. Ảnh chụp trưa 15/9 tại xã Nga Quán, Trấn Yên.
“Đây là cơ sở để hàng trăm, hàng nghìn tấn hàng từ các tỉnh miền nam có thể trực tiếp đưa đến tay đồng bào. Nếu không, toàn bộ hàng sẽ chỉ tới được v ga Giáp Bát, trước khi được bốc dỡ, vận chuyển đường bộ trên các cung đã tắc nghẽn kín như thế này”, ông Mạnh nói, mặt đã đỏ gay vì nắng. Thậm chí, người đứng đầu VNR còn quả quyết: Đây là mệnh lệnh từ trái tim; được đặt trên cả nhiệm vụ thông tuyến phục vụ hoạt động vận tải thông thường.
Từ ngày 11/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ của người dân các tỉnh ra phía bắc thông qua đầu mối là các cơ quan, tổ chức, đơn vị: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (các cấp), Ủy ban nhân dân (các cấp), Hội Chữ thập đỏ (các cấp), các cơ quan, ban ngành, hiệp hội (được cơ quan Nhà nước cấp phép thành lập, công nhận điều lệ).
Chỉ trước đó vài giờ, từ ga Sóng Thần (Bình Dương), ngành đường sắt đã tiếp tục tiếp nhận, bốc xếp gần 200 tấn hàng lên tàu để hướng về Tây Bắc. Thậm chí, tính đến ngày 14/9, gần 700 tấn hàng hóa khác cũng đã theo tàu từ phía nam ra. Những thông tin dồn dập báo về khiến những người có mặt tại điểm nghẽn Nga Quán càng thêm nóng ruột.
“Thông đường sớm giờ nào, tàu từ Giáp Bát sẽ càng có cơ hội chạy thẳng theo các ga dọc tuyến lên cứu trợ bà con. Thời gian sẽ được rút ngắn hơn rất nhiều”, ông Mạnh nhấn mạnh.
Hiểu được ý nghĩa này, suốt những ngày qua, hàng trăm cán bộ, công nhân viên dọc tuyến đã căng mình, dồn hết sức mình để thông đường cho “hàng chạy”. Ông Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào cho biết, giai đoạn cao điểm, đoạn đường sắt chạy do công ty quản lý “bế tắc toàn bộ”. Toàn bộ đường bộ ngập hết. Xuất hiện nhiều điểm sạt, ngập nước kéo dài. Không ít khu vực thậm chí bị sạt taluy.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam (VNR) cho biết, thông được tuyến đường sắt từ Hà Nội tới Lào Cai sẽ mở ra con đường đưa hàng hóa hỗ trợ tới bà con các tỉnh Yên Bái, Lào Cai nhanh chóng nhất.
Ngay thời điểm này, Công ty đã huy động toàn bộ lực lượng tiến hành giải tỏa mặt bằng theo tinh thần 4 tại chỗ, nước rút tới đâu sẽ khắc phục tới đó.
“Có những đoạn ngập sâu hoặc sạt lở, anh em phải trèo đồi mới vào được. Điểm này khắc phục xong sẽ tiếp tục ‘tăng quân’ cho các khu vực còn lại. Ngay cả anh chị em các tổ gác chắn đường ngang cũng được huy động để hót dọn hiện trường”, ông Thái kể.
GÁC VIỆC NHÀ, "GIẢI CỨU" ĐƯỜNG RAY
Chiều 8/9, trước thời điểm lũ dâng chừng vài tiếng, Lê Ngọc Đại, người thôn Xuân Lan, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái rời nhà tới Công ty Đường sắt Yên Lào trực ca đêm. Lúc này, phía sau căn nhà giáp sông Hồng của anh, nước vẫn còn cách mặt sàn chừng 2m. Đại không nghĩ sẽ có lụt. Anh chỉ dặn vợ con ở nhà bình an, rồi phóng xe máy hướng về phía Trấn Yên. Đêm đó, trời hoàn toàn không có mưa.
“Đề phòng ảnh hưởng hậu bão số 3, tôi nhận nhiệm vụ bịt kín 4 bể nhiên liệu của công ty để bảo đảm an toàn. Đến khoảng gần 2 giờ sáng, những tin tức về nước dâng bắt đầu được anh em nói với nhau. Nóng ruột chạy về cách nhà khoảng 1km thì thấy đã ngập trắng. May mắn, khi gọi cho vợ, tôi được biết cả nhà đã kịp sơ tán. Bỏ xe lại, tôi vội vã bơi về với gia đình”, Đại nhớ lại.
Trước khi đi "cứu" 4 bể nhiên liệu, Lê Ngọc Đại không nghĩ căn nhà ven sông Hồng của mình sẽ chìm nghỉm trong nước chỉ vài giờ sau đó.
Vài ngày sau, khi nước vơi dần, vợ chồng Đại dắt díu nhau về căn nhà xưa để dọn dẹp lại. Lúc này, phía trái sau, bức tường đã có thêm một vệt nứt lớn chạy dài. 2 cặp loa, 2 điều hòa, 1 tủ lạnh… và rất nhiều tài sản khác đã không thể sử dụng. Lũ dâng tận nóc nhà, để lại những vệt bùn đen đúa, loang lổ trên những bức tường nghiêng ngả.
“Em ở lại tranh thủ thu dọn. Anh vẫn phải ra công ty cứu tàu, cứu đường. Trưa nghỉ anh sẽ về phụ em. Thấy nhà có dấu hiệu nguy hiểm em phải chạy ngay ra ngoài” - Chị Nguyễn Thị Hiền bảo với chúng tôi: Đó là lời dặn dò của Đại vài ngày qua.
“Lũ tới, bà con mất mát rất nhiều. Tàu phải được thông nhanh cho mọi người bớt khổ”, lóp ngóp lội bùn, chị Hiền nói.
Vài ngày sau, khi nước vơi dần, vợ chồng Đại dắt díu nhau về căn nhà xưa để dọn dẹp lại. Lúc này, phía trái sau, bức tường đã có thêm một vệt nứt lớn chạy dài. 2 cặp loa, 2 điều hòa, 1 tủ lạnh… và rất nhiều tài sản khác đã không thể sử dụng.
Góp mặt trong “đội cứu ray”, anh Đỗ Văn Tài vốn là công nhân đường sắt cung Ngòi Hóp tại xã Báo Đáp; cách “điểm nghẽn” Nga Quán tới gần 20km. 2 ngày trước, khi cung Ngòi Hóp cơ bản được xử lý xong, Tài cùng 19 đồng nghiệp được “hỏa tốc tăng cường” về Km162. Hằng ngày, các anh có mặt trên ray từ 5-6 giờ sáng, ra sức xúc từng xẻng bùn đổ đi.
“Lúc này, chẳng có máy cơ giới nào có thể vào được khi đường bộ cũng tắc. Chúng em chỉ cố gắng động viên nhau phải thông tàu nhanh nhất có thể”, nam công nhân 31 tuổi thở hổn hển đáp.
Anh Đỗ Văn Tài trả lời phóng viên Báo Nhân Dân sáng 15/9.
- Vậy còn nhà anh có bị ngập không? – Chúng tôi hỏi.
- Nhà em chìm luôn anh ạ. Nước lên tận nóc mà. May mắn là gia đình cũng thông cảm. Vả lại, làng em, cứ nhà cao giúp cho nhà thấp. Cơm bánh cũng chia lại cho nhau nên em cũng yên tâm. Vợ em dặn: Cứ tập trung làm. Tàu vào được sớm lúc nào, bà con toàn tuyến bớt khổ lúc ấy - Nói đoạn, Tài lại lúi húi làm, bàn tay đã tê rần vì mỏi mệt.
Đúng 10 giờ sáng, sau cùng, những thanh tà vẹt đầu tiên cũng lộ ra khỏi lớp đất dày nhão nhoét. Cánh thợ, người mướt mải mồ hôi, đồng loạt ồ lên mừng rỡ. Hai bên ray, bùn chất thành một dãy dài, cao cả mét.
Chị Lê Thị Hiền, công nhân cung đường ngang Yên Bái 1 (Công ty Đường sắt Yên Lào) vui mừng nói: “Sau 3-4 ngày, chúng tôi mới được thấy lại đường ray nguyên vẹn. Toàn đoạn dài 2km chạy qua xã Nga Quán đã được ‘giải phóng’ rồi”.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin về ý nghĩa của việc thông tuyến Yên Viên - Lào Cai.
Kiểm tra lần cuối hiện trạng ray, ông Đặng Sỹ Mạnh xem nhanh đồng hồ rồi thông báo: “Đúng 10 giờ 40 phút ngày hôm nay, 15/9, tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai đã chính thức thông. Trước mắt, tàu có thể chạy với tốc độ 5km/giờ. Đề nghị anh em báo các chốt đường ngang cảnh báo cho nhân dân được rõ, bảo đảm an toàn lưu thông”.
Nghe “hiệu lệnh”, tất cả những người có mặt trên ray đều thở phào. Sau gần 1 tuần, huyết mạch nối liền Hà Nội với Yên Bái, Lào Cai đã không còn chướng ngại.
Chuyến tàu đầu tiên chạy trên tuyến từ Lào Cai về Hà Nội sau khi tuyến được thông.
17 giờ chiều, chúng tôi có mặt tại ga Trái Hút (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) để chờ đoàn tàu hàng đầu tiên chạy về. Từ phía nhà ga, anh em cán bộ công nhân viên đều ùa ra phía sân trước, mắt ngóng nhìn về phía Km209 xa xa. Bỗng một hồi còi rúc dài rền vang trong gió. Chỉ phút chốc, đoàn tàu sắt ầm ầm chạy lại. Trên khoang, anh lái tàu trẻ măng nở nụ cười, vẫy tay chào người phía dưới.
Đêm nay, những chuyến tàu nghĩa tình, miễn phí vận chuyển hàng cứu trợ của đường sắt sẽ chầm chậm lăn bánh về Lào Cai…
Cũng trong ngày 15/9, đoàn công tác của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam do ông Đặng Sỹ Mạnh dẫn đầu đã tới kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ trên tuyến Yên Viên - Lào Cai. Thay mặt Tổng Công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR đã động viên các cán bộ, công nhân viên của ngành đường sắt đã nỗ lực hết mình trong những ngày qua. Dịp này, lãnh đạo VNR cũng đã thăm, tặng quà cho người lao động bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trên địa bàn 2 tỉnh Yên Bái, Lào Cai.