Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo phản hồi ý kiến cả nước dùng 1 bộ sách giáo khoa

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định học sinh dùng sách giáo khoa khác nhau không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt.

Trong kiến nghị gửi đến trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 15, cử tri tỉnh Hưng Yên phản ánh: Sau khi các tỉnh được sáp nhập sẽ có một bộ phận lớn học sinh các cấp di chuyển chỗ ở, xin chuyển trường đến nơi ở mới theo bố mẹ. Tuy nhiên, nếu không chuyển trường vào đầu năm học mà chuyển vào các thời điểm khác nhau trong năm sẽ gây khó khăn vì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông thì mỗi cơ sở sẽ được chọn một bộ SGK để giảng dạy trong năm học đó. Như vậy, sẽ gây khó khăn, bất cập cho việc chuyển trường học của học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định học sinh dùng sách giáo khoa khác nhau không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định học sinh dùng sách giáo khoa khác nhau không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt

Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ GD-ĐT có bộ SGK chung áp dụng cho học sinh trên cả nước cho phù hợp với điều kiện thực tế - xã hội hiện nay.

Về nội dung này, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Nghị quyết 88 của Quốc hội đã nêu rõ chương trình giáo dục phổ thông quy định những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học; những lĩnh vực và nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc.

Luật Giáo dục năm 2019 cũng quy định: "Chương trình giáo dục phổ thông phải bảo đảm các quy định yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh cần đạt được sau mỗi cấp học, nội dung giáo dục bắt buộc đối với tất cả học sinh trong cả nước. SGK cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; có một số SGK cho mỗi môn học".

Bộ trưởng cho biết từ năm học 2020 - 2021, Bộ GD-ĐT đã triển khai thực hiện chương trình, SGK mới theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và các nhà trường đã tổ chức thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả.

Bộ đã ban hành Thông tư 25/2020 và Thông tư 27/2023 quy định việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông để các tỉnh, thành phố hoặc trường phổ thông lựa chọn SGK sử dụng trong nhà trường.

Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 đã quy định chi tiết nội dung, yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục.

Bộ trưởng cho biết SGK khác nhau chỉ khác ở ngữ liệu, cách thức thể hiện và phương pháp dạy học đối với từng nội dung nhưng phải đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Do đó, khi học sinh dùng SGK khác nhau cũng không bị ảnh hưởng về nội dung kiến thức và yêu cầu cần đạt.

SGK được biên soạn để sử dụng lâu dài, nhiều lần (hạn chế học sinh viết, vẽ, làm bài tập trực tiếp vào SGK).

Như vậy, việc dạy và học tại các cơ sở giáo dục phổ thông khác nhau đều được thực hiện theo yêu cầu cần đạt của môn học và thống nhất trên phạm vi toàn quốc. SGK là học liệu để tổ chức dạy và học, nguồn học liệu phong phú, đa dạng sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình giảng dạy và học tập.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi. Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng và chất lượng tổ chức thực hiện tại các địa phương, nhà trường, lắng nghe ý kiến phản biện, góp ý của cử tri để tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.

nld.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025): Sứ mệnh trong kỷ nguyên mới

Kỷ niệm 96 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2025): Sứ mệnh trong kỷ nguyên mới

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, trách nhiệm và sứ mệnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam không chỉ dừng ở việc làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Công đoàn Việt Nam còn đang trở thành trung tâm kết nối và phát triển, là “ngôi nhà chung” nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của các công đoàn viên.

Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 và Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 1 Cam Đường giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 và Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 1 Cam Đường giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai

Ngày 27/7, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 4 (Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Bắc, Bộ Công An) và Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực 1 Cam Đường (Bộ CHQS tỉnh) tổ chức ra quân hỗ trợ khắc phục hậu quả mưa lũ tại phường Cam Đường, địa bàn vừa chịu thiệt hại nặng do lũ lớn xảy ra trên suối Ngòi Đường vào rạng sáng nay.

fb yt zl tw