Sáng nay, 18-6, Quốc hội họp phiên toàn thể, cho ý kiến về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) đưa ra nhiều kiến nghị rất cụ thể về mô hình, hoạt động của các nhà xuất bản. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy đề nghị bổ sung tiêu chuẩn chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên; Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản do đây là những người có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về nội dung, hình thức của các xuất bản phẩm. Việc cấp thẻ cho biên tập viên NXB được đại biểu coi là một việc làm không cần thiết, vì biên tập viên không đi tác nghiệp trên nhiều địa bàn, làm việc với nhiều cơ quan… như nhà báo.
Lưu ý đến tình trạng vi phạm khá phổ biến trong hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, đại biểu Diệu Thúy nhận định, nhiều nhà xuất bản đã và đang tiếp tay cho các đối tác lách luật, ra xuất bản phẩm hàng tháng với tính chất như tạp chí nhưng lại không phải xin phép và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý báo chí (chỉ cần một tờ giấy phép mỗi tháng của NXB). Cần có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi lách luật này cũng như các dạng vi phạm khác của đối tác liên kết xuất bản.
Quy định không quảng cáo trên bìa sách cũng được bà Diệu Thúy coi là cần điều chỉnh, đề nghị cho phép quảng cáo cả trên bìa sách truyền thống và sách điện tử, theo những quy chuẩn rõ ràng.
Bên cạnh đó, những tiêu chí trong dự luật cũng cần làm rõ. Đại biểu DiệuThúy cho biết, cuốn sách “Ở giữa lưng chừng nhìn xuống đám đông” từng bị thu hồi ở TPHCM vì “vi phạm thuần phong mỹ tục”, nhưng đối tượng phải thi hành không tâm phục khẩu phục vì cho rằng tiêu chí này khá mơ hồ.
Các đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang); Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa – Vũng Tàu) quan tâm đến hàng ngàn cơ sở “in khác” đang hoạt động trên cả nước.
Với công nghệ hiện nay thì các cơ sở này đều có thể in được cả xuất bản phẩm, bằng giả, chứng chỉ giả, thậm chí tài liệu tuyên truyền phản động. Luật Xuất bản không quản lý thì quản lý bằng Luật nào? Tôi thấy không yên tâm, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TPHCM) tán thành quan điểm này và đề nghị xây dựng luật riêng cho hoạt động in không phải xuất bản phẩm.
Nhấn mạnh đến tính chất “công nghệ” của các dạng xuất bản phẩm hiện nay, đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nhận định, phương pháp kiểm duyệt truyền thống sẽ khó đáp ứng được yêu cầu. Theo bà, cần “số hóa” khâu kiểm duyệt các xuất bản phẩm, từ đó, cơ quan chức năng có thể dễ dàng, nhanh chóng theo dõi, kiểm tra nội dung xuất bản phẩm dưới mọi hình thức.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM) góp ý: Xuất bản phẩm điện tử hiện nay quá phổ biến. Một chiếc iPad có thể sao chép cả nghìn cuốn sách, thậm chí là truyện tranh. Theo ông, dự Luật chỉ dành ba điều đề cập đến xuất bản phẩm điện tử là quá đơn giản, cần phải có chương riêng để chế định về vấn đề này.
Thống nhất cho rằng việc xuất bản, sử dụng sách điện tử là xu hướng mạnh mẽ và tất yếu mà Luật cần chế định, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cung cấp thêm thông tin: Theo số liệu của Thư viện quốc gia, trung bình một ngày có 6.500 lượt truy cập sách điện tử, trong khi chỉ có 2.500 đọc sách truyền thống.
Từ nhận định luật phải tháo gỡ được những vướng mắc đang nảy sinh trong thực tiễn, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, để đối phó hiệu quả hơn đối với tệ nạn xuất bản lậu đang “áp đảo”, thậm chí “giết chết” các sản phẩm chính thức, dự luật cần bổ sung hành vi xuất bản lậu, ăn cắp bản quyền vào mục “các hành vi bị cấm” và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa với các đối tượng có hành vi này.
Theo Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và biểu quyết thông qua tại kỳ họp tới - kỳ họp cuối năm 2012.
Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn? Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết bên hành lang kỳ họp Quốc hội sáng nay, 18-6. Đây là sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện việc giám sát trách nhiệm vụ thực hiện các lời hứa trước Quốc hội của các thành viên Chính phủ trong quá trình trả lời chất vấn. |