Phòng, chống rét cho “đầu cơ nghiệp” trên núi Ma Cha Va

Y Tý, A Lù là hai xã nằm dưới đỉnh núi Ma Cha Va có độ cao trên 2000 m so với mực nước biển, cũng là 2 xã cao nhất của huyện Bát Xát, mùa đông nhiệt độ giảm sâu, rét đậm, rét hại. Ở nơi có khí hậu khắc nghiệt, cấp ủy đảng, chính quyền xã thường xuyên thực hiện các giải pháp tuyên truyền cho Nhân dân chủ động phòng, chống rét cho đàn gia súc, không để trâu, bò bị chết vì đói, rét, dịch bệnh trong mùa đông.

Từ đầu mùa đông năm 2024 đến nay, khu vực vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát đã trải qua ít nhất 3 đợt rét đậm, rét hại, nhiều thời điểm có sương mù, thậm chí có ngày nhiệt độ giảm chỉ còn 1 - 2 độ C, băng giá phủ trắng núi đồi, cây cỏ. Là người dân sinh sống lâu năm ở thôn Ngải Trồ, thôn trung tâm của xã Y Tý, cũng là nơi mùa đông thường xuyên chìm trong sương mù, giá lạnh nên ông Tráng A Khứ hiểu rõ tác hại của thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, vật nuôi.

baolaocai-c_1.jpg
Ông Tráng A Khứ tích trữ rơm khô làm thức ăn cho gia súc.

Rút từng nắm rơm trên gác chuồng trâu xuống cho trâu ăn, ông Khứ bảo: Ở vùng cao y Tý, tuy con trâu là tài sản lớn nhất của gia đình, nhưng trước đây, cứ vào mùa đông, bà con trong thôn vẫn có thói quen thả đàn trâu ra rừng, ra ruộng bậc thang để tự tìm cỏ ăn. Cũng vì thế, vào những năm băng giá, mưa tuyết, trâu bị chết rét, chết đói rất nhiều. Qua sự tuyên truyền của cán bộ xã và thôn, bản, đến nay, bà con đã quan tâm phòng, chống rét cho vật nuôi. Từ hơn 1 tháng trở lại đây, tôi không cho trâu ra rừng nữa mà nhốt trong chuồng kín gió. Trước mùa đông, tôi đã chủ động tích trữ rơm khô nên hiện nay vẫn còn nhiều rơm cho trâu ăn, không lo trâu bị đói trong mùa đông.

baolaocai-c_2.jpg
Ông Khứ yên tâm vì chú trâu được ở trong chuồng ấm và có đủ rơm khô để ăn qua cả mùa đông.

Cách nhà ông Khứ không xa là nhà ông Sùng A Quả. Tuy mấy ngày qua thời tiết sương mù, giá lạnh, nhưng ông Quả vẫn có nguồn cỏ tươi cho gia súc. Ông Quả bảo gia đình có 6 con trâu, trong đó có 3 con trâu non nên để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, ông đã trồng được một số diện tích cây cỏ voi, khi cần có thể chặt cỏ voi về thái nhỏ, trộn với cám cho trâu ăn. Ông còn xây chuồng trâu kiên cố như ngôi nhà mới, để trâu không bị lạnh. Khi đàn trâu được ăn no, được ở chuồng đủ ấm trong những ngày giá lạnh thì sẽ khỏe, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, vào mùa đông, nghé từ 1 - 2 tuổi cần được chăm sóc tốt, nhốt trong chuồng che kín gió, cho ăn thêm tinh bột để đảm bảo sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh. Nếu thời tiết quá lạnh sẽ di chuyển đàn trâu xuống thung lũng Thề Pả - nơi có khí hậu ấm hơn để tránh rét cho trâu.

baolaocai-br_3.jpg
Ông Sùng A Quả băm cỏ voi cho trâu ăn trong những ngày giá lạnh.

Ông Lồ A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Y Tý là xã cao nhất của huyện Bát Xát, nền nhiệt độ trong mùa đông thường xuyên dưới 10 độ C, năm nay đã có thời điểm nhiệt độ xuống rất thấp, xuất hiện băng giá, sương muối. Do khí hậu mùa đông khắc nghiệt nên trâu, bò dễ bị bệnh, bị ốm do viêm phổi, cước chân, chết trong mùa đông. Năm 2024, xã Y Tý có đàn trâu với 1.259 con, trong đó nghé dưới 1 tuổi là 237 con; đàn ngựa 120 con; đàn dê 101 con; đàn lợn 2.750 con. Do công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, Nhân dân đã nâng cao ý thức phòng, chống rét và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc nên đến thời điểm này, xã chỉ có 2 con trâu bị chết rét.

baolaocai-c_5.jpg
Cán bộ xã Y Tý xuống thôn kiểm tra, thăm nắm công tác phòng, chống rét cho trâu, bò trong mùa đông.

Tương tự xã Y Tý, tại xã A Lù, nơi cách xã Y Tý khoảng 7 km, điều kiện về địa hình, khí hậu cũng tương tự vì nằm ngay dưới chân núi Ma Cha Va. Những ngày mùa đông, nơi đây thường xuyên có sương mù bao phủ, nhiệt độ giảm sâu, rét tê tái. Đặc biệt, tại khu vực xã Ngải Thầu cũ, một số thôn có địa hình cao như Ngải Thầu Thượng, Ngải Thầu Hạ, Chin Chu Lìn,… mùa đông rất lạnh, nếu không làm tốt công tác phòng, chống rét cho gia súc thì đàn trâu dễ bị dịch bệnh, chết rét, giảm số lượng trong mùa đông.

Dù thời tiết sương mù, nhưng mấy ngày qua, ông Hà Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Lù và một số cán bộ xã vẫn xuống các thôn, đến từng hộ dân để kiểm tra công tác phòng, chống rét cho trâu, bò. Ông Linh cho biết: Hiện nay, A Lù là một trong những xã có đàn trâu nhiều nhất huyện, với 1.572 con, ngoài ra còn có 115 con bò, 102 con ngựa, 4.266 con lợn, 118 con dê. Trong các loại gia súc đó, trâu chiếm số lượng nhiều nhất, nhưng khả năng chịu lạnh kém, cũng dễ bị chết rét nhất trong mùa đông.

baolaocai-c_7.jpg
baolaocai-c_8.jpg
Những kho rơm khô được người dân xã A Lù tích trữ từ đầu mùa đông để làm thức ăn cho đàn gia súc.

Đối với người dân xã vùng cao, biên giới A Lù, nơi đời sống bà con còn nhiều khó khăn, con trâu thường là tài sản lớn nhất đối với nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, tháng 9 năm nay, xã Y Tý bị thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, nhiều hộ dân bị sập đổ nhà cửa, chuồng trại gia súc. Trong đó, 28 hộ dân có nhà ở bị thiệt hại từ 70% trở lên. Sau mưa lũ, Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai. 28 hộ dân bị thiệt hại nặng nhất được hỗ trợ làm nhà mới, đồng thời được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kết nối với các đơn vị hỗ trợ 28 con trâu để làm vốn phát triển kinh tế gia đình, sớm vượt qua khó khăn.

Xác định phát triển đàn gia súc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của xã, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Qua chỉ đạo của xã, các thôn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân kiên cố hóa chuồng nhốt gia súc, chủ động tích trữ rơm cho gia súc ngay từ sau khi gặt lúa xong. Vì thế, đến nay, hộ dân nào nuôi trâu, bò, ngựa đều có 1 - 2 “cây rơm” khô, được bảo quản cẩn thận bằng cách che bạt, giữ cho rơm khô và sạch để làm thức ăn cho gia súc.

baolaocai-c_10.jpg
Người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại xã A Lù quan tâm chăm sóc trâu được hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với đó, chính quyền các thôn thường xuyên nhắc nhở hộ dân không thả rông gia súc ra rừng, quan tâm che, chắn chuồng trại; khi nhiệt độ giảm sâu cần nhốt trâu, bò trong chuồng kín gió, cho gia súc ăn đảm bảo chế độ dinh dưỡng; chú trọng bổ sung thức ăn tinh bột, cỏ tươi cho trâu non. Vì thế, từ đầu mùa đông đến nay, xã chưa ghi nhận tình trạng trâu, bò chết vì đói, rét. 28 con trâu hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại do thiên tai là giống bản địa và Sa Pa, khả năng thích ứng cao với thời tiết, được chăm sóc tốt, nên phát triển bình thường.

Được biết, từ đầu mùa đông năm 2024 đến nay, trên địa bàn huyện Bát Xát đã có 15 con trâu, 2 con bò bị chết do đói, rét. Đối với xã Y Tý, A Lù - 2 xã cao nhất, khí hậu khắc nghiệt nhất huyện Bát Xát nhưng số lượng trâu, bò chết rét giảm mạnh so với những năm trước. Điều đáng nói, số lượng trâu, bò chết rét của 2 xã trong mùa đông năm nay còn ít hơn một số xã khác vốn được coi là có điều kiện thuận lợi hơn về địa hình, khí hậu.

baolaocai-c_z6222940317099-3f78bb3ed24ff3e926e1b039b04253c7.jpg
Đồng bào vùng cao Y Tý chở cỏ tươi về cho đàn gia súc.

Tôi chia tay vùng đất dưới núi Ma Cha Va khi chiều đã muộn. Trên con đường chìm khuất giữa biển sương mù đặc quánh, những nông dân vùng cao mặc áo mưa chống lại sương mù, giá lạnh vẫn miệt mài chở những bó cỏ tươi từ dưới thung lũng Thề Pả ngược dốc lên núi về nhà. Vậy là tối nay và cả ngày mai, đàn trâu của gia đình họ sẽ có bữa cỏ tươi thêm ấm bụng để vượt qua mùa đông buốt giá. Câu chuyện về những chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc ở 2 xã vùng cao Y Tý, A Lù cho thấy hiệu quả từ sự quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền của cấp ủy đảng, chính quyền xã, sự chủ động, tích cực của Nhân dân, quyết tâm không để hộ dân mất “đầu cơ nghiệp” trong mùa đông giá lạnh.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Bát Xát mở rộng mô hình rau hữu cơ

Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, mô hình trồng rau hữu cơ do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bát Xát triển khai bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Từ mô hình điểm với cây rau bí, huyện đang từng bước mở rộng sang nhiều loại rau màu khác, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Triển vọng phát triển kinh tế từ cây chè dây

Từng là cây mọc tự nhiên trong rừng, nay chè dây đã được người dân xã Nậm Pung (Bát Xát) đưa về trồng tại vườn nhà, bước đầu mang lại thu nhập ổn định. Nhờ sự hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm từ doanh nghiệp, cây chè dây đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho xã vùng cao này.

Chung tay thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn

Chung tay thực hiện tiêu chí môi trường nông thôn

Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã huy động sự tham gia tích cực của người dân, qua đó từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống và giúp các địa phương giữ vững tiêu chí môi trường.

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu

Nằm trong số 74 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu từ lâu đã quen với những định danh như "vùng cao đặc biệt khó khăn". Thế nhưng, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trên những sườn núi, không phải bằng những dự án hoành tráng, mà bắt nguồn từ chính mảnh đất, từ việc đánh thức giá trị của những cây trồng bản địa.

fb yt zl tw