Philippines chuẩn bị đối phó với siêu bão Mawar

Philippines đang chuẩn bị đối phó với siêu bão Mawar có nguy cơ gây mưa và gió lớn trên diện rộng vào cuối tuần này.

Cơ quan Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) ngày 26/5 cảnh báo bão Mawar đang tiếp tục mạnh lên khi hướng về Philippines, dự báo sẽ mang theo lượng mưa lớn, gây lũ quét và sạt lở đất ở nhiều khu vực, bao gồm cả vùng đô thị Manila. PAGASA cho biết cơn bão hiện đang hoạt động ở phía Đông đảo Luzon, thổi theo hướng Tây Bắc với tốc độ 25 km/h, sức gió 215 km/h và gió giật lên tới 265 km/h.

Cơ quan trên dự báo bão Mawar sẽ đổ bộ vào Philippines vào tối 26/5 hoặc sáng sớm 27/5, trở thành cơn bão thứ hai tấn công quốc gia Đông Nam Á này trong năm nay.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, quân đội và cảnh sát đang trong tình trạng báo động và sẵn sàng ứng phó với thảm họa. Trong khi đó, Hội Chữ thập đỏ Philippines cũng đang tích cực chuẩn bị ứng phó với bão Mawar, sẵn sàng triển khai các nguồn lực như nhân viên cứu trợ, tình nguyện viên, xe chở thực phẩm, hàng cứu trợ và máy xúc.

Cùng ngày, Cơ quan quản lý cảng Philippines đã đình chỉ hoạt động của các tàu, thuyền ở một số tỉnh. Nhà chức trách khuyến cáo cư dân ven biển nâng cao cảnh giác và lập tức sơ tán đến nơi an toàn trước khi cơn bão đổ bộ.

Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Philippines thường xuyên hứng chịu thiên tai như bão, động đất và núi lửa. Trung bình mỗi năm nước này đón 20 cơn bão, gây lũ lụt và lở đất. Năm 2013, siêu bão Haiyan đổ bộ vào Philippines khiến hơn 7.000 người thiệt mạng.

Theo Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

fb yt zl tw