Đến nay, Đà Nẵng đã hình thành 9 nhóm sản phẩm du lịch thu hút khách gồm: du lịch lễ hội/sự kiện; du lịch văn hóa - lịch sử, vui chơi giải trí; du lịch biển gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; du lịch về đêm; du lịch đường thủy; du lịch sinh thái, cộng đồng, nông nghiệp; du lịch MICE; du lịch Golf; du lịch Cưới.
Hội tụ đầy đủ điều kiện và năng lực cạnh tranh
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng chia sẻ, để có thể trở thành trung tâm du lịch và tổ chức sự kiện quốc tế, Đà Nẵng cần nhận diện các giá trị cốt lõi và khả năng tạo sự khác biệt so với các điểm đến khác.
Điều đầu tiên là Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm từ Bộ Chính trị, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương về định hướng phát triển và đầu tư nguồn lực cho thành phố. Minh chứng rõ nét là Nghị quyết 43 đã và đang tạo động lực để Đà Nẵng phát triển 3 trụ cột lớn: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và cảng biển.
Bên cạnh đó, cộng đồng kinh doanh du lịch trên địa bàn Đà Nẵng luôn gắn trách nhiệm phát triển điểm đến với sự phát triển doanh nghiệp. Đà Nẵng là một trong những địa phương đi đầu trong việc phối hợp phát triển điểm đến giữa cơ quan quản lý nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp thông qua Hiệp hội Du lịch, Quỹ xúc tiến phát triển du lịch thành phố, cũng như có hoạt động liên kết rất tốt với các địa phương khác nhằm gia tăng sức cạnh tranh.
"Sự kết hợp tài nguyên du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ tạo ra các sản phẩm điểm đến của Đà Nẵng là hết sức khác biệt, tạo nên giá trị cốt lõi hiếm có", ông Dũng nói.
Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà Hills - điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước khi tới Đà Nẵng.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng phân tích: Ít có điểm đến nào vừa sở hữu các giá trị tài nguyên thiên nhiên phong phú (biển, bờ biển, rừng, núi, sông hồ…); các di sản văn hóa xung quanh đặc sắc (Hội An, Mỹ Sơn, Di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình…); vừa có hệ thống hạ tầng hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông; hệ thống dịch vụ đầy đủ, đẳng cấp, đặc biệt là hệ sinh thái sản phẩm nổi bật về loại hình du lịch MICE, góp phần đưa Đà Nẵng 2 lần được công nhận là Điểm đến lễ hội sự kiện hàng đầu châu Á.
Ngoài ra, Đà Nẵng có thêm nhiều lợi thế khác như: con người thân thiện, môi trường sống lý tưởng, nền ẩm thực đa dạng, chi phí hợp lý… và đặc biệt là lợi thế về thương hiệu "Thành phố đáng sống" được phát huy để thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách.
Lý giải về việc Đà Nẵng là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế yêu thích, ông Nguyễn Đức Hoàng - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Fiditour cho rằng, để thu hút du khách, các địa phương phải bảo đảm công tác trị an - điểm đến an toàn.
"Về mặt này, trong số các tỉnh, thành phố làm du lịch ở Việt Nam, Đà Nẵng làm tốt nhất. Hơn nữa, Đà Nẵng có lợi thế về hành trình di sản, hành trình kết nối. Từ Đà Nẵng có thể dễ dàng di chuyển đến Hội An, Mỹ Sơn, Huế… nên du khách thường chọn Đà Nẵng là điểm lưu trú", ông Hoàng cho hay.
Lễ hội pháo hoa quốc tế là sự kiện thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước tới thành phố Đà Nẵng.
Phát triển và hoàn thiện 5 nhóm sản phẩm trụ cột
Ông Cao Trí Dũng nêu các giải pháp về sản phẩm du lịch, thị trường và truyền thông - quảng bá. Trong đó, đối với các giải pháp về sản phẩm du lịch, cần tiếp tục phát triển và hoàn thiện 5 nhóm sản phẩm trụ cột, bao gồm nhóm sản phẩm du lịch biển cao cấp; nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; nhóm sản phẩm du lịch MICE; nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía Tây Đà Nẵng.
Trong đó, du lịch MICE cần được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế.
"Ngoài hệ thống sản phẩm hội họp và sự kiện sẵn có, Đà Nẵng cần đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước; chủ động tổ chức các cuộc thi thể thao, các buổi trình diễn âm nhạc của các ngôi sao nhằm thu hút du khách và quảng bá thương hiệu điểm đến ra thế giới. Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp và siêu sang nhằm thu hút nhu cầu tổ chức các sự kiện cá nhân tại Đà Nẵng", ông Dũng nói.
Đề xuất các giải pháp về thị trường, ông Dũng cho biết, các thị trường trọng điểm cho du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến vẫn là các nước khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Giao thông thuận tiện, sự gần gũi về văn hóa và khả năng đáp ứng đa dạng các nhu cầu về tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm… giúp Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nước này.
Tuy nhiên, khách du lịch châu Á đã khá quen thuộc với Đà Nẵng. Vì vậy, cần phát triển các sản phẩm mới lạ, chuyên sâu và chính sách kích cầu liên tục để giữ chân nguồn khách này.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần tiếp tục đầu tư cho các thị trường tiềm năng như Tây Âu, Ấn Độ, Mỹ, Australia, Mỹ, Nga… Đây là các thị trường rất yêu thích tài nguyên du lịch của Đà Nẵng và cần được tập trung quảng bá nhiều hơn.
Việc phát triển thị trường bao gồm tham gia Roadshow tại các thị trường mục tiêu trong và ngoài nước; tổ chức các chuyến khảo sát thực tế dành cho các công ty lữ hành (FAM trip) cũng như cơ quan truyền thông (Press trip) trong và ngoài nước; tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, sự kiện trong nước và quốc tế.
"Cần nghiên cứu đặc tính của mỗi thị trường và phân khúc khách du lịch để thiết kế, lựa chọn sản phẩm và cách tiếp cận phù hợp. Các chính sách kích cầu, đặc biệt cho các sản phẩm dịch vụ MICE cần được thiết kế phù hợp với tính chất từng thị trường và thời điểm trong năm để mang lại hiệu quả tối ưu", ông Dũng nêu.
Các điểm đến ở Đà Nẵng luôn làm mới sản phẩm du lịch để thu hút khách.
Đối với các giải pháp về truyền thông, quảng bá, cần chú trọng hơn công tác "chăm sóc khách hàng" để mỗi du khách trở thành một kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến. Khảo sát ý kiến du khách định kỳ hằng năm nhằm đánh giá mức độ hài lòng đối với chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch; căn cứ vào đó để đưa ra dự báo về tình hình thị trường, xu hướng thị hiếu của khách, làm cơ sở triển khai các giải pháp phát triển thị trường và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với các xu hướng mới của du khách.
Đà Nẵng cũng cần thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu thông tin về điểm đến để vừa quảng bá thông tin rộng rãi, vừa nâng cao tương tác với du khách. Ngoài ra, cần kết hợp với các đại lý lữ hành truyền thống và trực tuyến lớn trong nước cũng như quốc tế thực hiện các chiến dịch marketing xúc tiến quảng bá sản phẩm dịch vụ tại điểm đến; mời những người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng tầm quốc tế đến Đà Nẵng trải nghiệm, giới thiệu điểm đến trên trang mạng xã hội cá nhân.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Hoàng, tại các hội chợ du lịch ở Việt Nam, các cơ quan xúc tiến du lịch của các nước bạn luôn là những gian hàng lớn nhất để giới thiệu, quảng bá du lịch, thu hút du khách đến các quốc gia này. Song, việc xúc tiến của Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, chưa có tính đồng bộ cao. Muốn thu hút khách, phải tập trung xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm, làm việc với cả các đơn vị lữ hành của nước bạn.
Còn ông Nguyễn Minh Xoang - Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành quốc tế Hải Vân Cát cho rằng, việc thường xuyên được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn, tìm kiếm… là cơ hội của du lịch Đà Nẵng. Ngành du lịch, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội để có các chuyến đi xúc tiến, quảng bá, giới thiệu nhiều hơn nữa về điểm đến Đà Nẵng. Đồng thời, nên hướng đến một số thị trường trọng điểm nhất định và tập trung giới thiệu liên tục cho du khách thấy tiềm năng, thế mạnh, những sản phẩm mà Đà Nẵng đang có, là điểm du khách nên lựa chọn cho chuyến đi...
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng nhấn mạnh: Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng hướng đến trở thành Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, trong thời gian tới, du lịch Đà Nẵng tiếp tục phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được, đồng thời tập trung triển khai theo các định hướng, giải pháp chính đã vạch ra.
Ứng dụng công nghệ vào công tác truyền thông, quảng bá
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, ngành du lịch thành phố cần tiếp tục phát huy việc ứng dụng công nghệ vào công tác truyền thông, quảng bá để mang lại hiệu quả cao, bao gồm việc số hóa các tài nguyên du lịch, số hóa các bài thuyết minh đa ngôn ngữ sử dụng tại điểm tham quan hoặc tích hợp vào ứng dụng du lịch thông minh; phát triển website và ứng dụng du lịch thông minh dành riêng cho điểm đến, phát triển các công cụ tự động khuyến nghị dịch vụ tại địa phương; phát triển nội dung phù hợp xu thế và thị hiếu khách du lịch trên các kênh truyền thông mạng xã hội…
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Giám đốc kinh doanh Công ty CP Fiditour đề xuất Đà Nẵng có thể làm cẩm nang giới thiệu những điểm đến kèm giới thiệu ẩm thực, không chỉ cẩm nang in ấn mà còn hình thành trang web, có mã QR để du khách dễ đăng nhập, tìm kiếm thông tin. Mỗi quốc gia sử dụng một app riêng.