LCĐT - Thức ăn cho gà được chế biến từ 10 thành phần, trong đó nhiều thành phần là thảo dược. Kết quả, trứng gà có chất lượng tốt, thơm ngon, có lợi cho sức khỏe. Mô hình chăn nuôi này tưởng rằng khó thực hiện bởi cầu kỳ và quá khắt khe nhưng sau 2 năm triển khai đã cho thấy không gì là không thể.
Chị Nguyễn Thị Út chia sẻ với chúng tôi lý do triển khai mô hình nuôi gà đẻ trứng thảo mộc xuất phát từ tình yêu của người mẹ có hai con nhỏ bị ốm nhưng kháng với kháng sinh. Sau khi dành thời gian tìm hiểu, chị thấy một trong những nguyên nhân là do trẻ nhỏ ăn nhiều loại thực phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi không đảm bảo, dư lượng kháng sinh lớn. Con chị lại rất thích ăn trứng nên chị loay hoay tìm nguồn cung trứng sạch nhưng việc này không đơn giản. Chị Út học chuyên ngành chăn nuôi, lại đang giảng dạy tại Khoa Nông - Lâm của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai nên chị đã có thời gian nghiên cứu sâu về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, chị luôn ấp ủ một mô hình thành công để trở thành động lực khuyến khích các sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Út chế biến thức ăn cho gà. |
Tháng 10/2020, chị Nguyễn Thị Út quyết định thành lập mô hình nuôi gà. Nguồn thức ăn chăn nuôi là gần 10 loại gồm ngô, cám gạo, đậu tương, quế, tỏi, nghệ, atiso... được phối trộn bằng máy, tạo ra một loại thức ăn dạng viên. Địa điểm chăn nuôi là tại xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng. Tùy điều kiện thời tiết và tình hình sức khỏe của gà mà các thành phần dược liệu sẽ được phối trộn sao cho hợp lý. Ví dụ, thời tiết mưa, lạnh thì tăng thành phần dược liệu có lợi cho đường hô hấp, còn khi gà có vấn đề về sức khỏe thì được điều trị bằng dược liệu đậm đặc. Lúc đầu, mô hình của chị Út chỉ nuôi 100 con gà, mỗi ngày đẻ khoảng 60 quả trứng.
Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai mô hình nuôi gà đẻ trứng thảo mộc, chị Út đã gặp trở ngại trong tiếp cận thị trường. Vì là sản phẩm mới lạ trong khi thị trường tràn lan các loại trứng, làm thế nào để các gia đình tin tưởng và sử dụng sản phẩm trứng thảo mộc là điều không dễ dàng. Chị Út nhớ lại những ngày đầu đưa trứng gà thảo mộc ra thị trường cùng các sinh viên chuyên ngành chăn nuôi Khoa Nông - Lâm với những cảm xúc đặc biệt: “Chúng tôi khi đó chăm chỉ quay video đăng và chia sẻ trên tất cả các nền tảng mạng xã hội. Ngoài ra còn tự tiếp thị tại các chợ trên địa bàn thành phố Lào Cai, thậm chí còn đem theo bếp gas sẵn sàng rán, luộc trứng mời người tiêu dùng trải nghiệm. Thật bất ngờ, 90% khách hàng sử dụng lần đầu tiên đều quay trở lại tiêu thụ trứng gà thảo mộc nhiều lần”.
Trang trại đang có hàng nghìn con gà, mỗi ngày cung cấp khoảng 2.5000 quả trứng ra thị trường. |
Từ 100 con gà đầu tiên, đến nay, chị Nguyễn Thị Út đã nhân giống lên 4.000 con. Mỗi ngày trại gà của chị cung cấp 2.500 quả trứng ra thị trường với giá bán lẻ bình quân 5.000 đồng/quả. Trứng gà thảo mộc có mặt các thị trường như Lào Cai, Hà Nội, Lai Châu. Đầu ra ổn định nên có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Chất lượng trứng được người tiêu dùng đánh giá thơm ngon, lòng đỏ tươi tự nhiên, béo ngậy. Về cơ bản, gà ăn thức ăn từ các loại thảo mộc nên ít bị bệnh, không phải dùng đến thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc dành cho gia cầm.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng mô hình không phải lúc nào cũng thuận lợi. Khó khăn lớn nhất là duy trì tem mác truy xuất nguồn gốc trên mỗi quả trứng. Tâm lý của các khách sỉ là không muốn để tem mác bởi sợ khách hàng của mình sẽ trực tiếp liên hệ với cơ sở chăn nuôi. Khó khăn khác là hiện cơ sở chăn nuôi vẫn chủ yếu chế biến thức ăn thảo mộc bằng phương pháp thủ công do thiếu vốn, chưa thể đầu tư máy móc bài bản, chưa chủ động được nguồn cung dược liệu tại chỗ...
Sản phẩm trứng gà thảo mộc được người tiêu dùng ưa chuộng. |
Với mục tiêu chủ động nguồn cung dược liệu tại chỗ, tháng 10/2022, chị Út thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Tiên Phong với 7 thành viên. Các xã viên trồng các loại dược liệu bán cho hợp tác xã và ngược lại, hợp tác xã cung cấp phân gà để các hộ trồng trọt. Hiện tại, hợp tác xã đã bắt đầu chủ động được ngô hạt, nghệ, đậu tương.
Nuôi gà đẻ trứng thảo mộc về quy trình chăm sóc cũng giống như chăn nuôi gia cầm bình thường, thậm chí ít rủi ro từ bệnh tật do nguồn thức ăn có thành phần là các loại kháng sinh tự nhiên. Nhưng điều khiến chị Nguyễn Thị Út trăn trở nhất hiện nay là nguồn vốn hạn hẹp, do vậy trong thời gian này chị giới thiệu mô hình và tham gia các cuộc thi khởi nghiệp của thanh niên để kêu gọi góp vốn. Thành công của mô hình phần nào khẳng định sự năng động, sáng tạo của thanh niên Lào Cai trong quá trình khởi nghiệp.