Sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tại huyện Thái Thụy do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. |
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất 1.200 MW, tổng mức đầu tư 41.799 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2011, tuy nhiên dự án gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí cả các vấn đề về pháp luật, mặc dù đã được giải ngân hơn 35 nghìn tỷ đồng nhưng nhiều năm qua không có tiến triển.
Với tầm quan trọng của dự án, thời gian qua, dự án được các cấp lãnh đạo Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ các thời kỳ quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt với tinh thần khắc phục khó khăn để khôi phục dự án. Đặc biệt, từ tháng 7/2021 đến nay, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao, đồng thời thường xuyên động viên, chia sẻ trách nhiệm, giải quyết các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu phục hồi Dự án, sớm đưa vào vận hành, tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình và khu vực Bắc Bộ.
Những chỉ đạo quyết liệt và sự động viên, chia sẻ của Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan đã tạo động lực và áp lực cho Tập đoàn, Ban Quản lý dự án, Tổng thầu có niềm tin, nỗ lực phấn đấu vượt qua các khó khăn, thách thức, từng bước khôi phục dự án. Đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn khách quan (dịch bệnh, biến động giá cả, pháp lý,...), Dự án đã có chuyển biến tích cực, từng bước được kiểm soát, dần “hồi sinh” và hoàn thành các mốc tiến độ quan trọng, cụ thể là tiến độ tổng thể đạt 93%; dự án đã cán nhiều mốc quan trọng như: Hoàn thành nghiệm thu cơ khí MC; chạy thử hầu hết các hạng mục, vận hành thành công lò hơi phụ trợ; ngày 23/2/2022 dự án đã hoàn thành mốc đốt dầu lần đầu Tổ máy 1.
Dự kiến trong những ngày tới, nhà máy sẽ hòa lưới điện bằng dầu Tổ máy 1. Đây là dấu mốc rất quan trọng để khẳng định chất lượng thiết bị, công tác lắp đặt và khả năng tổ chức lại các dự án khó khăn của PVN. Dấu mốc này sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự thành công của các mốc tiếp theo trong năm nay (mốc đốt than lần đầu 16/6/2022; phát điện thương mại Tổ máy 1 vào 30/11/2022, Tổ máy 2 vào 31/12/2022).
Mặc dù đã hoàn thành đến 93% tiến độ và đạt nhiều mốc quan trọng, tuy nhiên phía trước còn rất nhiều khó khăn, các mốc tiến độ tiếp theo của Dự án sẽ là thách thức rất lớn đối với Chủ đầu tư và Tổng thầu, đặc biệt trong bối cảnh: Dịch bệnh Covid-19; giá cả vật tư, nhân công và dịch vụ tăng cao đặc biệt giá thép tăng đột biến thời gian gần đây trong khi Chủ đầu tư vẫn phải bảo đảm chi phí không vượt giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh từ năm 2017; thiết bị đã được lắp đặt và không sử dụng trong thời gian dài, mặc dù đã được các bên nỗ lực bảo quản nhưng trước khi chạy thử cần phải kiểm tra, bảo dưỡng, đặc biệt trong trường hợp phải thay thế...
Để vượt qua những khó khăn đó Tập đoàn, Tổng thầu PetroCons và các nhà thầu cũng đã dự báo, xây dựng các phương án, giải pháp bảo đảm hoàn thành dự án theo kế hoạch đã đề ra, tập trung vào kiểm soát chặt chẽ tiến độ chi tiết đến cấp 4, 5, tiến độ nhìn trước 2 tuần; kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và an toàn môi trường; kiểm tra đánh giá và bảo dưỡng máy móc thiết bị; chuẩn bị và điều phối kịp thời nguồn nhân lực, chuyên gia; nguồn vật tư dự phòng thay thế; nguồn lực tài chính, công tác đào tạo và chuẩn bị sản xuất…
Phát biểu ý kiến, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương những cố gắng của PVN, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Quản lý dự án, nhà thầu đạt được trong thời gian qua.
Thủ tướng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm thời gian qua đối với dự án, đó là nắm chắc tình hình thực tế, đánh giá đúng thực trạng công việc, từ đó đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ, quy trình, biện pháp tổ chức. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bài bản. Trên cơ sở tình yêu Tổ quốc, đất nước, chúng ta quyết tâm tiết kiệm, cơ cấu lại nguồn vốn đang có, sử dụng tối đa những gì đã có để khắc phục những hạn chế, bất cập, khó khăn đang gặp phải; tiết kiệm nguồn ngân sách nhà nước một cách khoa học.
Thủ tướng đánh giá rất cao sự cố gắng vì đất nước, nhân dân của các đơn vị liên quan; nhấn mạnh chúng ta phải thay đổi nhân sự, từ đó chúng ta đánh giá đúng, thay đổi phù hợp tình hình, dẫn đến công việc tiến triển tốt. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đã huy động sự vào cuộc của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động hăng say lao động ngày đêm, hiệu quả, thiết thực, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, nhân dân; sự phối hợp của các bộ, ngành rất tốt, quyết tâm, tỉnh Thái Bình cũng vào cuộc. Thủ tướng giao nhiệm vụ cho lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) phải cung cấp đủ than cho nhà máy hoạt động.
Thủ tướng đề nghị, từ kinh nghiệm của dự án này, PVN tiếp tục thực hiện Dự án Nhiệt điện Long Phú 1. Về công việc sắp tới, Thủ tướng nhấn mạnh còn rất nhiều việc phải làm, do đó phải phát huy tối đa thành quả đạt được. Tiếp tục rà soát lại công việc điều chỉnh lại các tổ chức công việc để bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, an toàn, nhanh nhất có thể vì yêu cầu cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh sau đại dịch là rất lớn, ít nhất 10%/năm; phải nhanh chóng hòa lưới điện quốc gia các tổ máy của nhà máy này. Phải bảo đảm môi trường, giữ không khí trong lành, giảm ô nhiễm khu vực chung quanh. Chăm lo đời sống an sinh xã hội cho nhân dân tái định cư, tạo công ăn việc làm cho người dân ở Thái Bình. Tiếp tục đoàn kết, thống nhất, giữ gìn nhà máy xanh, sạch, đẹp. Chúng ta cũng cần tính tới thay đổi cơ cấu, chuyển sang nguồn năng lượng sạch phù hợp sự phát triển chung...