Báo cáo "Giám sát Tài khóa" mới nhất của IMF cho thấy, nợ công toàn cầu sẽ chiếm 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào cuối năm 2024 và có thể tiến tới 100% vào năm 2030.
Con số này sẽ vượt mức đỉnh 99% trong đại dịch Covid-19 và tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch làm bùng nổ chi tiêu công của các chính phủ.
Báo cáo cũng cảnh báo rằng mức nợ tương lai có thể cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại, đặc biệt là tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi các áp lực chi tiêu đang gia tăng.
Theo IMF, nợ công toàn cầu sẽ chiếm 93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào cuối năm 2024 và có thể tiến tới 100% vào năm 2030.
IMF nhận định, chính sách tài khóa ngày càng trở nên bất định, trong khi áp lực chi tiêu để giải quyết các vấn đề chuyển đổi xanh, già hóa dân số, an ninh và các thách thức phát triển lâu dài đang gia tăng.
Báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng các dự báo nợ thường đánh giá thấp kết quả thực tế, với tỷ lệ nợ trên GDP thực tế thường cao hơn trung bình 10% so với dự báo ban đầu sau 5 năm.
Nợ công cũng có thể gia tăng đáng kể do tăng trưởng yếu, điều kiện tài chính thắt chặt, và sự bất ổn trong chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế lớn.
Báo cáo còn đưa ra một kịch bản bất lợi hơn cho thấy nợ công toàn cầu có thể đạt 115% GDP trong 3 năm tới, cao hơn 20 điểm phần trăm so với dự báo hiện tại.
IMF tiếp tục kêu gọi các biện pháp thắt chặt tài khóa mạnh mẽ hơn, cho rằng môi trường hiện tại với tăng trưởng ổn định và tỷ lệ thất nghiệp thấp là cơ hội thích hợp để thực hiện điều này.
Tuy nhiên, IMF cũng nhận định, các nỗ lực hiện tại, trung bình 1% GDP trong 6 năm từ 2023 đến 2029, là không đủ để giảm hoặc ổn định nợ.
Để đạt được mục tiêu, theo IMF, một mức thắt chặt tài khóa tích lũy 3,8% GDP là cần thiết. Tuy nhiên, tại một số quốc gia nơi tỷ lệ nợ trên GDP được dự báo sẽ không ổn định, các biện pháp thắt chặt tài khóa mạnh hơn đáng kể sẽ là điều cần thiết.
IMF cảnh báo rằng nếu các quốc gia như Mỹ, Brazil, Anh, Pháp, Italia và Nam Phi tiếp tục để nợ công gia tăng, họ có thể đối mặt với những hậu quả nặng nề.
Theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), thâm hụt ngân sách của nước này trong năm tài khóa 2024 sẽ vào khoảng 1,8 nghìn tỷ USD, tương đương hơn 6,5% GDP.
Bà Era Dabla-Norris, Phó Giám đốc Tài khóa của IMF cho biết, việc trì hoãn điều chỉnh sẽ chỉ khiến việc điều chỉnh sau này phải mạnh hơn, và trì hoãn cũng có thể nguy hiểm, vì kinh nghiệm cho thấy rằng tỷ lệ nợ cao và thiếu các kế hoạch tài khóa đáng tin cậy có thể kích hoạt phản ứng tiêu cực từ thị trường, đồng thời cản trở các quốc gia trong việc ứng phó với các cú sốc trong tương lai.
Cũng theo bà Dabla-Norris, việc cắt giảm đầu tư công hoặc chi tiêu xã hội thường có tác động tiêu cực lớn hơn đối với tăng trưởng so với việc cắt giảm các khoản trợ cấp không mục tiêu như trợ cấp nhiên liệu.
Do đó, bà khuyến nghị một số quốc gia có thể mở rộng cơ sở thuế và cải thiện hiệu quả thu thuế, trong khi các quốc gia khác có thể tăng tính lũy tiến của hệ thống thuế bằng cách đánh thuế hiệu quả hơn vào thu nhập và lãi vốn.