Những “đầu tàu” kinh tế ở Pa Cheo

LCĐT - Những năm gần đây, một số hộ đồng bào Mông ở xã Pa Cheo (Bát Xát) đã thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trở thành những “đầu tàu” kinh tế dẫn dắt các hộ khác thoát nghèo.

Những “đầu tàu” kinh tế

Dòng suối trong vắt chảy ra từ những cánh rừng cổ thụ dưới chân dãy núi đá khổng lồ rồi vắt ngang qua đầu thôn Bản Giàng, vùng đất xa nhất xã Pa Cheo, cách trung tâm xã 12 km. 3 năm qua, ngay đoạn đường đầu thôn, một phần dòng chảy của suối được dẫn vào những ống nước to như bắp chân người lớn rồi chảy vào một hệ thống ao tròn xếp hình bậc thang. Nguồn nước trong vắt và mát lạnh ấy trở thành môi trường thích hợp để anh Sùng A Sài nuôi 2 giống cá đặc sản là cá hồi và cá tầm.

Anh Sùng A Sài tâm sự: Năm 2009, khi sang khu vực Bản Khoang, Tả Giàng Phình thuộc thị xã Sa Pa, tôi thấy bà con người Mông, người Dao bên đấy nuôi cá nước lạnh cho thu nhập cao. Về Pa Cheo, tôi đi khảo sát và tìm được điểm ở đầu thôn Bản Giàng rất thuận lợi để đào ao nuôi cá vì dòng suối sạch, nước lạnh chảy quanh năm. 2 năm đầu bán cá, mỗi năm tôi thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cá hồi thấp nên chỉ lãi được khoảng 70 triệu đồng. Thật vui khi năm nay giá cá hồi tăng, nếu đàn cá phát triển tốt và bán được giá trên 300.000 đồng/kg như hiện nay thì vụ cá này tôi sẽ thắng lớn.

Cùng với đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm, anh Sùng A Sài còn phát triển mô hình nuôi lợn đen bản địa và trồng su su. Anh xây dãy chuồng lợn kiên cố và đang nuôi 32 con lợn đen bản địa, mỗi con khoảng 40 kg, chỉ 2 tháng nữa đàn lợn có thể xuất bán. Tận dụng thôn Tả Pa Cheo có diện tích đất rộng, anh làm hệ thống giàn su su, mỗi vụ bán quả su su được khoảng 5 triệu đồng. Tổng thu nhập từ mô hình kinh tế tổng hợp của anh Sùng A Sài cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.

Anh Ma Khoa ở thôn Kin Sáng Hồ cũng là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Sáng nào anh cũng cùng vợ con tất bật lùa đàn ngựa hơn 20 con đi chăn thả ở những vạt đồi nhiều cỏ. Gia đình anh đang sở hữu đàn ngựa nhiều nhất xã Pa Cheo và cũng nằm trong tốp đầu những hộ nuôi ngựa trên các xã vùng cao của huyện Bát Xát.

Anh Ma Khoa cho biết: Gia đình tôi đã nhiều năm nuôi ngựa, đến năm 2020, đàn ngựa của gia đình có 6 con. Năm 2021, nhờ nguồn vốn cho vay ưu đãi của huyện, tôi đầu tư 400 triệu đồng mua thêm 12 con ngựa và xây chuồng trại. Sau 1 năm, đàn ngựa sinh sản thêm 3 con. Mô hình chưa đem lại thu nhập nhưng đến cuối năm, nếu bán 3 con ngựa 1 tuổi, ít nhất cũng thu được khoảng 70 - 80 triệu đồng.

Anh Sùng A Sài nuôi cá nước lạnh để nâng cao thu nhập.
Anh Sùng A Sài nuôi cá nước lạnh để nâng cao thu nhập.

Giải “bài toán” giảm nghèo

Đến xã Pa Cheo, hỏi thăm tình hình đời sống và phát triển kinh tế của bà con, tôi được biết đây vẫn là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Bát Xát, với trên 77% hộ nghèo (theo tiêu chí mới). Ở một xã có 100% đồng bào dân tộc Mông cùng tỷ lệ hộ nghèo cao như vậy, câu chuyện về những trăn trở xung quanh chuyện giảm nghèo, về mô hình phát triển kinh tế của những gia đình như anh Sùng A Sài, anh Ma Khoa luôn là vấn đề đáng quan tâm.

Ông Đỗ Đức Chiến, Bí thư Đảng ủy xã Pa Cheo thông tin: So với những xã khác của huyện, Pa Cheo không phải địa bàn quá xa, lại nằm trên tuyến đường kết nối sang xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, giao thông khá thuận tiện. Pa Cheo nằm ở độ cao trung bình từ 900 - 1.500 m so với mực nước biển, nhiệt độ dao động từ 16 - 25 độ C, khí hậu ôn đới mát mẻ, đất đai rộng rãi, rất phù hợp cho việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Về dân cư, Pa Cheo có hơn 3.100 nhân khẩu, trong đó hơn 2.000 người đang ở độ tuổi lao động. Đó là những thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội mà không phải xã nào cũng có.

- Nhưng bao năm qua Pa Cheo vẫn thuộc xã nghèo nhất huyện Bát Xát - tôi nói.

- Tôi kể vài câu chuyện nhỏ này thì nhà báo sẽ hiểu. Vừa qua, một số đơn vị hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng cho 1 hộ nghèo để làm nhà ở, xóa nhà tạm. Tuy nhiên, hộ này nói phải được hỗ trợ đủ tiền làm toàn bộ ngôi nhà thì mới làm. Về phát triển kinh tế, xã Pa Cheo hiện có 50 ha lê trước đây được Nhà nước hỗ trợ trồng rải rác ở các thôn. Lê Tai nung trồng ở Pa Cheo nhiều quả, quả ngọt hơn nơi khác nhưng bà con bỏ bê không chăm sóc nên cây thiếu chất, quả nhỏ. Khi hỏi, bà con bảo mấy vụ trước không bán được nên không chăm sóc nữa. Cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động cải tạo vườn lê và năm tới sẽ kết nối thu mua giúp nhưng bà con cũng ít quan tâm...

Nghe Bí thư Đảng ủy xã kể chuyện, tôi hiểu rằng nguyên nhân của cái nghèo nằm ngay ở chính suy nghĩ và hành động của người dân. Khi bà con vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại và không có ý chí thoát nghèo, không có khát vọng làm giàu thì “bài toán” giảm nghèo vẫn nan giải. Thực tế cho thấy có nhiều giải pháp giúp bà con thoát nghèo, nhưng trước hết cần tuyên truyền để người dân thay đổi tư duy, thoát ra khỏi sự trì trệ để nỗ lực vươn lên.

Cần sự quyết tâm và đồng thuận

Trở lại câu chuyện về những “đầu tàu” kinh tế ở Pa Cheo cho thấy, khi ngày càng có thêm nhiều mô hình kinh tế, cách làm mới thì càng tạo ra một động lực mạnh hơn kéo “đoàn tàu giảm nghèo” đi nhanh.

Ông Đỗ Đức Chiến cho biết thêm: Đúng là để tạo ra động lực thoát nghèo ở Pa Cheo thì câu chuyện về những “đầu tàu” kinh tế như anh Sùng A Sài, anh Ma Khoa sẽ có sức lan tỏa mạnh để bà con học hỏi, làm theo. Minh chứng là hiện nay ở một số thôn xa xôi trên địa bàn xã như Tả Pa Cheo, Séo Pa Cheo đã có những hộ đang thay đổi hướng phát triển kinh tế. Tiêu biểu như các hộ: Châu A Sềnh, Châu A Tính… mạnh dạn đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm, trồng lê Tai nung. Ngoài ra, có 3 hộ phát triển mô hình nuôi lợn đen bản địa, mỗi hộ từ 25 - 30 con, 12 hộ trồng su su theo hướng hàng hóa.

- Vậy, để tạo ra “lực đẩy” mạnh hơn cho bà con thoát nghèo, cấp ủy đảng, chính quyền xã có những giải pháp gì? - Tôi hỏi.

- Trong thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền xã sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp định hướng, hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trọng tâm từ nay đến năm 2025 là thực hiện kế hoạch trồng mới 30 ha lê Tai nung, 20 ha mận Bắc Hà, mận Tả Van, tiếp tục vận động bà con chăm sóc, cải tạo 50 ha lê đã trồng. Cùng với đó, xã phát triển đàn ngựa từ 200 con lên 500 con, phát triển các mô hình nuôi lợn đen bản địa. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu để bà con làm theo. Kế hoạch đã đề ra, trong thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn, nhưng chỉ cần cấp ủy đảng, chính quyền và bà con cùng quyết tâm, đồng thuận thì chắc chắn sẽ thay đổi diện mạo cho vùng đất này - ông Chiến khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Đa dạng dịch vụ để hợp tác xã phát triển

Đa dạng dịch vụ để hợp tác xã phát triển

Đáp ứng nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng là yêu cầu không chỉ của các doanh nghiệp mà các hợp tác xã ngày nay cũng đang dần phải chuyển đổi hoạt động theo hướng đa dạng hoá từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và các hoạt động dịch vụ để thu hút nguồn lực phát triển. Vì vậy, việc mở rộng lĩnh vực hoạt động là xu thế của các hợp tác xã hiện nay.

Hỗ trợ 6.500 con gà giống cho hội viên nông dân xã Kim Sơn

Hỗ trợ 6.500 con gà giống cho hội viên nông dân xã Kim Sơn

Ngày 27/8, Văn phòng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Lào Cai tổ chức bàn giao con giống, vật tư cho các hộ tham gia dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học giai đoạn 2024 - 2026 tại xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên.

Diện mạo mới của vùng đất ven đô

Diện mạo mới của vùng đất ven đô

Trở lại xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) sau hơn 5 năm, sự đổi thay rõ nhất mà tôi cảm nhận được là diện mạo nông thôn mới nơi đây có nhiều khởi sắc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc được nâng cao; một đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp hiện hữu.

Lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Lập Hội đồng thẩm định điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 878/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Nông dân số

Nông dân số

Với sự năng động, sáng tạo, anh Trần Ngọc Huế (dân tộc Tày, thôn Đồng Lục, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng) đã thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao.

Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) tham quan và khảo sát vùng chè tại huyện Mường Khương

Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu (Trung Quốc) tham quan và khảo sát vùng chè tại huyện Mường Khương

Sáng 22/8, Đoàn đại biểu huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) do đồng chí Trương Ân Kỳ - Phó Bí thư Huyện ủy Hà Khẩu làm trưởng đoàn đã đến tham quan, khảo sát nhà máy chế biến chè, vùng sản xuất chè tại xã Lùng Vai và xã Bản Sen, huyện Mường Khương.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 86

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 86

Ngày 14/1/2022, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 86 về việc điều chỉnh Đề án tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Đề án 86). Theo quyết định này, đến hết năm 2024, Lào Cai phải hoàn thành các công việc đề ra. Phóng viên Báo Lào Cai đã trao đổi với ông Phạm Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lào Cai về vấn đề này.

fbytzltw