Nhu cầu vàng tại Việt Nam vẫn tăng mạnh đẩy giá vàng tăng cao kỷ lục

Theo Báo cáo mới nhất về Xu hướng nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới trong quý 1/2024, Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so cùng kỳ năm 2023.

2.jpg
Các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng.

Ghi nhận tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và tăng 600.000 đồng/lượng ở chiều bán trong ngày 6/5, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng 7/5 tiếp tục tăng 1 triệu đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 85,3-87,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Mức giá này đã vượt xa kỷ lục 86,5 triệu đồng vừa lập được chiều hôm trước.

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên ngày 6/5 tại Mỹ tăng 22,2 USD lên 2.324 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng 7/5, giá vàng đảo chiều giảm nhẹ 1,6 USD xuống quanh mốc 2.323 USD/ounce.

Các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng

Báo cáo về Xu hướng nhu cầu Vàng của Hội đồng Vàng Thế giới trong quý 1/2024 cho thấy tổng nhu cầu vàng toàn cầu (bao gồm lượng mua vào của thị trường phi tập trung OTC) tăng 3% so cùng kỳ năm 2023 lên 1.238 tấn, đánh dấu quý 1 tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Không tính thị trường OTC, nhu cầu vàng giảm 5% xuống còn 1.102 tấn trong quý 1 so cùng kỳ năm 2023. Việt Nam ghi nhận nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu tăng 12%, với tổng nhu cầu tiêu dùng tăng 6% so cùng kỳ năm 2023.

Sự đầu tư vàng mạnh mẽ từ thị trường OTC , sức mua liên tục của ngân hàng trung ương và sự gia tăng mua vàng từ các khách hàng Châu Á đã đẩy giá vàng trung bình hàng quý lên mức cao kỷ lục là 2.070 USD/ounce—cao hơn 10% so cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 5% so cùng kỳ quý trước.

Các ngân hàng trung ương tích cực mua thêm vàng, bổ sung thêm 290 tấn vàng vào kho dự trữ trong quý 1. Hoạt động mua vào liên tục và với khối lượng lớn của khối ngân hàng chính thống nhấn mạnh tầm quan trọng của vàng trong danh mục tài sản dự trữ quốc tế trong bối cảnh thị trường nhiều biến động và rủi ro gia tăng.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới cho biết: “Đồng nội tệ mất giá là chủ đề phổ biến ở các thị trường ASEAN khi chúng tôi theo dõi các khía cạnh trong Xu hướng Nhu cầu Vàng. Điều này thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như một kênh lưu trữ an toàn/bảo toàn tài sản, cũng như thu hút các nhà đầu tư nhờ có được lợi nhuận cao nhất theo giá vàng địa phương”.

Dòng vốn tiếp tục chảy ra khỏi các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF), dẫn đầu là ở Bắc Mỹ và châu Âu với lượng vàng mà các quỹ ETF nắm giữ trên toàn cầu giảm 114 tấn, nhưng được bù đắp một phần bởi dòng vốn chảy vào các sản phẩm niêm yết ở châu Á. Trung Quốc tạo ra phần lớn sự gia tăng đó nhờ sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư đối với vàng khi đồng nội tệ suy yếu và thị trường chứng khoán trong nước hoạt động kém.

Ngoài ra, nhu cầu về vàng trong lĩnh vực công nghệ đã phục hồi 10% so cùng kỳ năm ngoái nhờ sự bùng nổ của AI trong lĩnh vực điện tử.

Về nguồn cung, sản lượng khai thác vàng tăng 4% so cùng kỳ năm 2023 lên 893 tấn - mức kỷ lục trong quý 1. Vàng tái chế cũng đạt mức cao nhất kể từ quý 3/2020, tăng 12% so cùng kỳ lên 351 tấn, do một số nhà đầu tư nhận thấy mức giá cao là cơ hội tốt để thu lợi nhuận.

Nhu cầu đầu tư vàng miếng của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Cũng theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu đầu tư vàng miếng và vàng xu của Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong quý 1 kể từ năm 2015. Các nhà đầu tư trong nước bị thu hút bởi diễn biến tăng vọt của giá vàng trong quý 1, đặc biệt khi đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng cao - được dự báo sẽ thúc đẩy lạm phát - và đồng nội tệ mất giá so với đồng USD. Mức chênh lệch giá đối với vàng miếng đã đạt mức kỷ lục là 650 USD/ounce.

“Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế về nguồn cung, đồng thời Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường vào cuối tháng 4”, nội dung Báo cáo nêu rõ.

Giá vàng miếng SJC ngày 7/5 "bốc đầu" lên đỉnh 87,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng SJC ngày 7/5 "bốc đầu" lên đỉnh 87,5 triệu đồng/lượng.

Nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu vẫn ổn định bất chấp mức giá cao kỷ lục, chỉ giảm 2% so cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu vàng trang sức ở Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đều có mức giảm tương tự nhau trong quý 1, giảm 10-12% do đợt tăng giá vàng vào cuối quý 1 đã làm hạn chế nhu cầu mua trong tháng 3.

“Nhu cầu vàng trang sức tại Việt Nam trong quý 1 ghi nhận mức sụt giảm lần thứ 5 liên tiếp, giảm hơn 10% xuống còn 4 tấn, được ghi nhận là quý 1 có nhu cầu thấp nhất kể từ năm 2015. Bất chấp nhu cầu bùng nổ trong tháng 2 vào dịp Tết Nguyên Đán và Ngày Thần Tài, nhu cầu vàng trang sức vẫn bị chi phối mạnh do giá vàng tăng cao”, ông Shaokai Fan cho biết thêm.

Trong khi đó, theo bà Louise Street, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới: “Giá vàng đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại kể từ tháng 3, bất chấp những trở ngại phổ biến là giá đồng USD cao và lãi suất đang cho thấy là “càng ngày càng tăng”.

Một số yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng vọt gần đây bao gồm sự gia tăng rủi ro về địa chính trị và sự bất ổn kinh tế vĩ mô đang diễn ra thúc đẩy nhu cầu tìm đến vàng như tài sản lưu trữ an toàn. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng liên tục và ồ ạt từ các ngân hàng trung ương, sự đầu tư mạnh mẽ của thị trường OTC và lượng vàng mua ròng trên thị trường phái sinh đều góp phần đẩy giá vàng tăng cao.

“Thật thú vị khi chúng ta đang chứng kiến xu hướng thay đổi hành vi của các nhà đầu tư ở phương Đông và phương Tây. Thông thường, các nhà đầu tư ở thị trường phương Đông nhanh nhạy hơn về giá, chờ đợi giá vàng giảm để mua, trong khi các nhà đầu tư phương Tây trước đây bị thu hút bởi giá vàng tăng, có xu hướng mua khi giá lên cao. Trong quý 1, chúng tôi nhận thấy những vai trò đó bị đảo ngược khi nhu cầu đầu tư tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ tăng lên đáng kể khi giá vàng tăng vọt”, bà Louise Street nhận định.

Đồng thời, bà Louise Street cho biết: “Năm 2024 sẽ mang đến lợi nhuận từ đầu tư vàng cao hơn so với kỳ vọng của chúng tôi ở thời điểm đầu năm dựa trên hiệu suất đầu tư gần đây của vàng. Nếu giá vàng đi ngang trong những tháng tới, một số người mua nhạy bén về giá sẽ tái tham gia thị trường và các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến vàng như một tài sản lưu trữ an toàn trong khi chờ đợi các thông tin rõ ràng hơn về việc cắt giảm lãi suất và các kết quả bầu cử”.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Người dân Thượng Hà chủ động bàn giao mặt bằng để thi công Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Người dân Thượng Hà chủ động bàn giao mặt bằng để thi công Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên

Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, các hộ dân bị ảnh hưởng của Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên tại xã Thượng Hà (Bảo Yên) đang tập trung nhân lực, chủ động khai thác cây trồng để bàn giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công đảm bảo tiến độ đề ra.

Lược sử về tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam

Lược sử về tuyến giao thương Cửa Cấm - sông Hồng - Vân Nam

Cách đây hơn 150 năm từ khi Đuyprê (dupre) Tổng Chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tìm ra tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa từ Cửa Cấm (Hải Phòng) vào Hà Nội và ngược sông Hồng lên Lào Cai sang Vân Nam (Trung Quốc). Từ đó đến nay, dòng sông Hồng có vai trò quan trọng trong kết nối hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia

Khẩn trương rà soát, báo cáo dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 31/3/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài trên Hệ thống đầu tư công quốc gia.

[Ảnh] "Người nhện" đem quả ngọt xuống núi

[Ảnh] "Người nhện" đem quả ngọt xuống núi

Vùng trồng dứa Mường Khương đang vào vụ thu hoạch quả. Dứa ở đây thường được trồng ở núi cao nên việc thu hoạch, vận chuyển cực kỳ gian khổ và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Vào mùa thu hoạch dứa, thường những nam thanh niên sẽ đảm nhận công việc này. Trên lưng gùi hơn 100kg quả dứa, tay chống gậy bám chặt sườn núi dốc dựng đứng, họ không khác gì "người nhện" oằn lưng đem quả thơm xuống núi.

fb yt zl tw