LCĐT - Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang chịu ảnh hưởng bởi thời tiết hanh khô, gió tây nam nóng kéo dài. Đây cũng là thời điểm người dân vùng cao đốt nương chuẩn bị cho mùa vụ mới khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.
Gần đây nhất, vào tháng 5/2021 xảy ra cháy rừng tại huyện Bát Xát thuộc địa bàn thôn Kim Tiến, xã Quang Kim và tổ 11, thị trấn Bát Xát. Do bất cẩn khi đốt nương của 1 hộ, đám cháy lan rộng sang diện tích rừng sản xuất bên cạnh. Nhờ cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền xã huy động lực lượng tham gia chữa cháy nên khống chế được đám cháy, không để lan ra diện rộng. Tuy nhiên, đám cháy làm thiệt hại 2,2 ha rừng sản xuất.
Tăng cường tuần tra rừng. |
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2021, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ cháy rừng, thiệt hại hơn 4 ha.
Vào thời điểm khô hanh, nắng nóng kéo dài cộng với gió tây nam, nếu người dân bất cẩn khi đốt nương sẽ là mối đe dọa lớn gây cháy rừng. Xác định nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới cháy rừng là việc thiếu kiến thức sử dụng lửa an toàn và ý thức của người dân. Vì vậy, ngay từ đầu mùa khô năm 2021 - 2022, theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hạt kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền cơ sở, đoàn thể xã cử cán bộ xuống các thôn, bản tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng, ký cam kết bảo vệ rừng, nhất là những nơi nguy cơ cháy rừng cao, người dân sinh sống ở khu vực bìa rừng, các thôn có hộ sinh sống rải rác trong rừng.
Huyện Bảo Yên có diện tích rừng phòng hộ và rừng trồng sản xuất lớn, riêng rừng phòng hộ đã có hơn 13.000 ha, rừng trồng hơn 50.000 ha. Theo bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng, toàn huyện có hơn 4.900 ha rừng có nguy cơ cháy cao, nằm trên địa bàn 14 xã, thị trấn. Ngoài ra, nhiều khu vực rừng, núi thường xảy ra khô hạn gay gắt vào mùa khô, nguy cơ cháy rất cao. Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Yên cho biết: Vào mùa khô hằng năm, để hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát những điểm thường xảy ra cháy và có nguy cơ cháy cao để cảnh báo, tuyên truyền cho người dân biết và phòng tránh. Ngoài ra, vào thời gian người dân tập trung làm nương, đốt dọn thực bì chuẩn bị cho vụ sản xuất mới, cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã xuống tận nơi hướng dẫn người dân cách đốt nương đúng quy trình kỹ thuật.
Cán bộ kiểm lâm huyện Bảo Yên hướng dẫn người dân sử dụng lửa an toàn khi đốt nương. |
Nội dung quan trọng được tuyên truyền là các văn bản pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, hướng dẫn bà con sản xuất nương theo quy hoạch và thực hiện các biện pháp an toàn khi đốt nương, như quy trình phát dọn, đốt thảm thực vật trên nương cố định, làm đường băng cản lửa, thời gian thực hiện, giảm vật liệu cháy tại các điểm, khu rừng có nguy cơ cháy... Kết hợp lồng ghép phổ biến tinh thần, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào các dân tộc về công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng.
Từ quý III/2021, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2021 - 2022. Đồng thời, rà soát các vùng trọng điểm, khoanh vùng các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao để lên phương án, kế hoạch bố trí lực lượng thường trực tại chòi canh lửa, chốt kiểm tra, kiểm soát người vào rừng. Trong trường hợp xảy ra cháy rừng, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy.
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện toàn tỉnh có 167 tổ/đội xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, với hơn 3.600 người và 1.476 tổ/đội quần chúng bảo vệ rừng với hơn 15.000 người tham gia. Từ đầu mùa khô, lực lượng được củng cố, kiện toàn, tập huấn, diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; duy trì lực lượng thường trực 24/24 giờ tại các điểm được báo động nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm.
Ông Nguyễn Xuân Sâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện phương châm phòng cháy hơn chữa cháy, với phương án phát hiện từ xa và tổ chức chữa cháy kịp thời, triệt để, đảm bảo an toàn, các địa phương trong tỉnh quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại trong trường hợp xảy ra cháy rừng.