Bất chợt gặp em Si Ma Cai
Nắng say váy áo tóc đổ dài
Con đường vắt vẻo say sườn núi
Hoa trắng bồng bềnh liêng biêng bay…
Không say mới là lạ! Tôi đồ rằng dù tâm hồn ai có khô cằn, gan góc đến mấy thì trước cảnh sắc thiên nhiên, trời đất con người nơi đây cũng khiến phải mềm lòng. Cả một khung trời trập trùng núi non mở ra, đá tai mèo sắc nhọn, muôn hình muôn vẻ. Mây bồng bềnh ấp núi, gió xuân se se hơi lạnh đủ làm e ấp nụ đào chúm chím, đủ làm bung nở những cánh hoa lê, hoa mận lả tả bay rắc ánh bạc lấp lánh. Những cánh hoa trắng trong, trinh nguyên như tấm lòng đá núi. Đi trong rừng hoa bay cứ ngỡ như đi dưới cơn mưa hoa lấp lánh, cảm giác hư, thực đến lạ lùng. Nắng vàng xuyên qua màn sương như rẻ quạt lấp lửng trêu lòng du khách. Thấp thoáng bóng những thiếu nữ Mông, Dao dập dìu váy áo như cánh bướm bên đồi hoa lê trắng muốt. E ấp, thẹn thùng, da thắm, má hồng cứ mơn mởn như thế! Nụ cười hồn nhiên, tinh khôi như hoa mơ, hoa mận như thế, bảo sao mà không say cho được. Tôi có cảm giác như đi lạc vào chốn thần tiên trên triền đá cổ Si Ma Cai.
Đó là cảm xúc đầu tiên khi tôi chạm cổng trời Quan Thần Sán trong chuyến du xuân đầu năm. Trong không gian ngàn ngạt hương xuân, cảm xúc cứ lâng lâng, để rồi tự thốt lên những câu thơ mê đắm như vậy.
Bên vườn xuân. |
Quan Thần Sán là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, được mệnh danh là “nóc nhà” Si Ma Cai. Theo tiếng Mông, địa danh Quan Thần Sán nghĩa là cánh đồng trên núi do thần nhà trời cai quản. Người ta ví Quan Thần Sán như nàng công chúa còn ngủ quên. Nằm trên độ cao trung bình 1.600 thước so với mực nước biển, nhiều ngày bản làng nơi đây mơ màng trôi bồng bềnh trong mây. Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, con người chân chất, thật thà, cần cù chịu khó, vậy mà sao Quan Thần Sán vẫn ít người biết đến, khách du lịch hầu như vắng bóng? Thi thoảng có vài khách Tây ba lô phi con Min “khù khờ” đầy bụi đỏ ghé qua. Cái nghèo sao dai dẳng không buông? Trong câu chuyện đầu năm bên ấm trà nóng hổi, tôi nhẹ nhàng đem những băn khoăn hỏi ông Cư Seo Lý, hiện là Quyền Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán. Ông Lý bộc bạch: Ít khách? Câu này phải hỏi nhà báo chứ! Còn nghèo thì cũng nhiều lý lắm! Khí hậu khắc nghiệt, bốn bề núi non như thế, đất đai canh tác ít, cả xã gom góp khắp nơi cũng chỉ được 90 ha lúa nước, lại phân tán nhiều nơi, việc canh tác khó khăn, áp dụng khoa học - kỹ thuật hạn chế nên năng suất thấp!
Cũng đúng thôi, ở đây một phần đất đến tám, chín phần là đá núi tai mèo. Nhiều chỗ bà con phải gồng lưng gùi đất lên núi bỏ vào từng hốc đá để nuôi cây ngô, cây đậu. Vụ ngô năm 2018 được cho là được mùa, cả xã cũng mở mang, trồng được 176 ha, thu về 693 tấn. Vậy mừng to rồi, cán bộ vui, bà con ai cũng hể hả. Ngô vàng chóe trên nương, ngô xếp hàng treo khắp sàn, khắp bếp, ai nấy hồ hởi tích lũy được cái ăn cho ngày giáp hạt năm sau.
Việc canh tác ở xứ thần tiên này vẫn phụ thuộc chính vào thiên nhiên. Khó khăn bao đời nay cứ bủa vậy cuộc sống bà con nơi đây. Song, “Quan Thần Sán không cam chịu, cái gì cũng có cách giải quyết, tìm ra hướng đi đúng, chỉ cần người dân đồng lòng, quyết tâm”, tôi nhớ lại câu nói của anh Vũ Văn Sơn, khi ấy là Chủ tịch UBND xã mà tôi có dịp gặp cách đây mấy tháng. Anh là một trong những thành viên thuộc dự án đưa trí thức trẻ về cơ sở của Chính phủ. Lần này đến đây mới biết anh được cấp trên điều động sang công tác ở xã khác. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của chính quyền các cấp, người dân nơi đây đang nỗ lực phát triển kinh tế. Trong những năm qua, nhiều mô hình sản xuất hình thành bước đầu có hiệu quả, đặc biệt là mô hình phát triển cây ăn quả ôn đới; mô hình sản xuất cây dược liệu, như đương quy, bạch truật, tam thất, phòng phong... Bà con trong xã còn đang trồng thí điểm cây dược liệu bán chi liên. Theo như dược sỹ Nguyễn Văn Hùng, cán bộ Viện Dược liệu Trung ương thì đây là dược liệu quý, có tính kháng thể cao, giúp cơ thể đào thải độc tố ra ngoài, hỗ trợ làm tiêu khối u thời kỳ đầu của căn bệnh ung thư, tốt nhất là chữa bệnh viêm gan, xơ gan cổ trướng. Dự án phát triển cây dược liệu thí điểm có tổng diện tích 4 ha do Viện Dược liệu Trung ương hỗ trợ một phần kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Để thực hiện dự án này, xã đã vận động những cán bộ chủ chốt và những hộ có điều kiện tham gia, triển khai tại các thôn Lao Chải, Sín Chải, Hồ Lao Chải…
Không thể bỏ lỡ dịp, tôi quyết định tham quan các khu vườn dược liệu thí điểm đó. Khi thấy tôi đặt vấn đề, Trưởng thôn Lao Chải - Thào Seo Sinh vội quay ngoắt chiếc xe Win dựng bên sân trụ sở UBND xã nói: Anh lên xe em đưa đi!
Chiếc xe nổ máy giòn tan cua một vòng qua Hồ Lao Chải, Lao Chải, Sừ Phà Phìn… Con “ngựa sắt” của Trưởng thôn cứ phi vèo vèo làm tôi rợn tóc gáy. Vừa đi vừa thăm thú mỗi nơi một ít, cuối cùng chúng tôi dừng chân tại khu vườn của Bí thư Đoàn xã Tráng Seo Xà. Toàn bộ diện tích trồng dược liệu thí điểm của Xà đều lên xanh tốt, theo anh thì tỷ lệ dược liệu của gia đình phát triển đạt trên 65%, khi thu hoạch mới tính được lợi nhuận. Nếu mô hình này thành công thì tin rằng Quan Thần Sán sẽ mở ra một hướng đi mới, giúp cuộc sống của đồng bào nơi đây khởi sắc.
Giữa sắc hoa đào, hoa mận nồng ấm, Tráng Seo Xà mời tôi về nhà bằng được để uống ly rượu làm lý. Khó mà từ chối lòng hiếu khách của anh. Rượu thì chum ủ trong hang đá, thịt lợn gác bếp, xào với rau cải nương, bò khô xé nhỏ xào lá xuyên khung... Ôi sao bữa rượu ngon đến lạ lùng - tôi xuýt xoa. Xà nói: Mình uống với nhau ở cái tình, cái nghĩa thì mầm đá cũng ngon mà! Khách đến nhà, người Mông chỉ có tấm lòng với chén rượu thay lời thôi!
Lãnh đạo xã Quan Thần Sán cùng bà con địa phương kiểm tra sinh trưởng của cây đương quy. |
Người vùng cao vốn quý trọng tình cảm, một cái ngoắc tay nắm chặt đã lên nghĩa anh em. Được biết Xà tốt nghiệp Đại học Công đoàn Hà Nội, anh trở về quê hương với ý chí làm giàu cho gia đình trên chính mảnh đất này. Với những kiến thức đã học, anh thuyết phục bố mẹ sử dụng gần 1 ha đất dốc bạc màu thường trồng ngô để chuyển sang trồng 200 cây lê Tai nung. Nhờ sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Chương trình 135, Tráng Seo Xà đã cải tạo đất và bón phân, tưới tiêu hợp lý nên vườn lê xanh tốt, phát triển nhanh. Có sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông, anh vít cành, tạo tán cây đúng kỹ thuật. Vụ lê bói đầu tiên, mọi người trầm trồ khen ngợi vì trái to, vỏ mỏng, vị ngọt, hương thơm đã hấp dẫn được khách hàng. Trừ để ăn, cho, tặng, vụ lê đầu tiên năm 2014, anh thu về 20 triệu đồng.
Thắng lợi ban đầu đã tạo nguồn động viên cho thanh niên trẻ Tráng Seo Xà thêm nghị lực. Mấy sau năm, sản lượng lê tăng cao, thấy cần thị trường tiêu thụ ổn định, chàng thanh niên người Mông đã “một mình một ngựa” chở lê vượt cổng trời xuống Hà Nội tiếp thị. Cuối cùng sản phẩm của anh đã có mặt trên kệ hàng của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển - Hà Nội với đúng giá trị thật của nó. Hợp đồng đã ký, sản phẩm ngày một tăng cả về chất lượng và số lượng. Xà nói: Tôi sẽ duy trì và mở rộng diện tích, đồng thời giúp nhiều thanh niên khác làm theo để đáp ứng nhu cầu thị trường. Sản lượng hiện nay vẫn còn khiêm tốn, chưa được trăm triệu đồng một năm...
Cụng ly rượu đầu năm mà trong tôi thấy xốn xang, chúc Tráng Seo Xà thực hiện thành công ước mơ của mình, gieo thêm nhiều mầm xanh trên đá núi cổng trời. Vẩn vơ hình dung cái cảnh Xà gùi lê lang thang trên phố Thủ đô tiếp thị hàng càng cảm phục nghị lực của người thanh niên trẻ trên con đường khởi nghiệp. Khi tôi đang viết bài này thì biết tin Tráng Seo Xà vừa nhận được giải cuộc thi thanh niên khởi nghiệp với số điểm cao nhất do Tỉnh đoàn Lào Cai tổ chức. Niềm vui nhân lên, chúc mừng Xà thành công hơn nữa trên con đường khởi nghiệp và là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ Lào Cai.
Tạm biệt Tráng Seo Xà, chúng tôi tiếp tục hành trình du xuân. Phải công nhận rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn miền núi. Lên Quan Thần Sán giờ đây, chiếc xe bốn bánh của chúng tôi băng băng vượt dốc. Nhớ cách đây mấy năm, nói lên Quan Thần Sán thì ai cũng ngán ngẩm. Con đường lổn nhổn đá hộc, len lỏi giữa rừng đá. Nhiều đoạn đường chỉ vừa bụng con trâu chửa, hai vách đá bị mài nhẵn bởi mỗi khi đi qua cọ sườn. Cái khó nhất của vùng sơn cước này là đường. Xác định có đường là có tất cả, xã quyết tâm phát triển giao thông nông thôn. Chủ trương này hợp với lòng dân, cả vùng cao ra quân mở đường. Chỉ vài năm, cánh cửa đá lên cổng trời đã được khai thông. Đến nay, tất cả tuyến đường về các thôn, bản đủ chỗ cho xe bốn bánh lăn. Lại nhớ câu nói của Thào Seo Sinh, Trưởng thôn Lao Chải: Có đường lớn, nhiều hộ mua được con “ngựa sắt” để đi chợ, thuận tiện lắm! Việc mở đường giao thông được nhân dân đồng tình ủng hộ. Chỉ tính trong 9 tháng năm 2018, xã mới hoàn thành thêm 6 tuyến đường nội đồng với chiều dài 10,8 km và tuyến đường bê tông từ Sín Chải đi Ngải Phóng Chồ có chiều dài 2,86 km. Với một xã có tỷ lệ hộ nghèo còn gần 50% mà vươn lên làm được như vậy thì quả là quyết tâm lớn.
Chúng tôi chia tay Quan Thần Sán giữa sắc hoa mận, hoa lê nở bung trắng khắp nương đồi. Dọc đường, nhìn những thiếu nữ váy áo xốn xang đi dưới cơn mưa hoa mận, hoa lê lấp lóa ánh bạc, lòng thấy thênh thênh lạ thường.