Sau ba tháng sinh trưởng và phát triển, ngô cho nông dân thu hoạch như để trả ơn những giọt mồ hôi trên đồng ruộng. Hồi còn nhỏ, đám trẻ chúng tôi háo hức chờ đến ngày mùa để được thưởng thức những món ăn quê hương do mẹ làm. Khi thu ngô về, mẹ chọn lấy những bắp ngô bánh tẻ vẫn còn chút sữa ở đầu hạt, bóc bớt lớp áo ngoài, chỉ để một lượt vỏ rồi cho vào nồi luộc. Chiều quê, trong tiết trời se lạnh, được thưởng thức những bắp ngô luộc nóng hổi, hay những bơ ngô rang giòn với mùi thơm ngào ngạt đã để lại trong lòng đám trẻ quê những kỷ niệm khó quên. Bởi ngoài vị ngọt của ngô, còn có vị mặn của mồ hôi và vị nồng của đồng đất quê hương.

Mùa ngô (ảnh minh hoạ).
Ngày thu hoạch ngô, bà cặm cụi nhặt những nắm râu ngô còn bám trên bắp để làm đồ uống. Mùa nào cũng thế, bà không quên giữ lại vị thuốc quý chỉ có ở đồng quê. Mùa ngô, mấy đứa trẻ chúng tôi ríu rít chạy khắp ruộng tìm những bắp ngô bao tử để chế thành món ăn mới. Bắp non được bóc vỏ, lộ nguyên bằng đầu ngón tay cái bao tử ngô vàng ươm hoặc trắng nõn nà, ăn sống cũng thấy ngon. Đến bữa, đĩa ngô xào vừa ngọt, vừa giòn lại bổ dưỡng được bày ra trên mâm cơm khiến anh em tôi cứ đòi mẹ bữa sau làm tiếp.
Mùa ngô về, mẹ lấy ngô nếp trắng tròn trộn với gạo nếp để đồ xôi. Ở quê có nhiều loại xôi, nhưng không hiểu sao, chẳng năm nào mẹ quên món ăn dân dã này. Đĩa xôi dẻo thơm ở hạt gạo, ngọt bùi ở ngô làm cho ai ai cũng thấy ngon miệng. Những trưa hè oi ả, chị tôi còn trổ tài của mình bằng món chè ngô. Vị thanh mát của bột đao cộng với vị ngọt, giòn của hạt bắp đã truyền vào lòng người vị mát, vị thảo thơm nơi thôn dã.
Mùa ngô, mùa vàng nơi thôn quê, có những mùa ngọt bùi như thế!