LCĐT – Đó là yêu cầu của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng trong phát biểu bế mạc Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vào sáng 22/7.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt nội dung Nghị quyết số 21. |
Tiếp tục chương trình hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, sáng 22/7, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã truyền đạt các nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương quan trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu huyện Si Ma Cai. |
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu, nhiệm kỳ 2016 - 2020, có 664 tổ chức cơ sở đảng bị thi hành kỷ luật, chiếm khoảng 0,2%. Nếu so với tổng số 50.000 tổ chức cơ sở đảng thì 0,2% là tỷ lệ nhỏ, nhưng không thể xem thường. Nơi nào có tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật, thì ở đó lòng tin của nhân dân bị giảm sút.
Về đội ngũ đảng viên cũng còn những vấn đề đặt ra, bởi từ năm 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên bị xử lý kỷ luật (chiếm 0,5% tổng số đảng viên).
Việc triển khai Nghị quyết số 21 nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Nghị quyết đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng phát biểu bế mạc hội nghị. |
Sau 1,5 ngày diễn ra, hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII nhằm tiếp tục cụ thể hóa nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã xác định với tinh thần phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng yêu cầu, ngay sau hội nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục tập trung tổ chức tuyên truyền, nghiên cứu, học tập, quán triệt cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ nội dung 4 nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII; nhất là những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, những vấn đề mới, cốt lõi trong các nghị quyết. Đồng thời, nêu cao quyết tâm, năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để nhanh chóng đưa nghị quyết đi vào cuộc sống; xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, có sự phân công, phân nhiệm và lộ trình thực hiện rõ ràng, sát thực tiễn và hiệu quả các nghị quyết.
* Tỉnh ủy Lào Cai quán triệt Nghị quyết số 20
Ngay sau khi kết thúc chương trình quán triệt của Trung ương, Tỉnh ủy Lào Cai tiếp tục triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TU, ngày 17/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đến 178 điểm cầu trong toàn tỉnh.
Theo mục tiêu của nghị quyết, chuyển đổi số hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, phát triển đô thị thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính trong cả hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, phục vụ người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hoạt động đối ngoại, góp phần xây dựng tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, bền vững.
Đồng chí Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông truyền đạt nội dung Nghị quyết 20. |
Định hướng đến năm 2030, nội dung chính quyền số phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ giải quyết trực tuyến; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc cấp huyện, cấp xã xử lý trên môi trường mạng; 70% hoạt động kiểm tra thực hiện trên môi trường số; 100% cơ quan trong hệ thống chính trị có kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; phát triển đô thị thông minh đồng bộ, thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững.
Nội dung kinh tế số, xã hội số phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh đứng trong tốp khá của cả nước; 100% doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng nền tảng số; phổ cập Internet cáp quang, mạng di động 5G; trên 80% người dân có kỹ năng số cơ bản.
Nghị quyết cũng xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản trong chuyển đổi nhận thức; xây dựng thể chế, chính sách, bảo đảm nguồn lực; phát triển hạ tầng số, nền tảng số.
Sau khi Nghị quyết số 20 ban hành, ngày 5/7/2022, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Chương trình hành động số 11/CTr-UBND và cụ thể hóa thành các kế hoạch thực hiện nghị quyết từng năm và cả giai đoạn để triển khai đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh.