Tại khu vực nông thôn, trước đây, vấn đề về rác thải nông nghiệp, phụ phẩm, chất thải chăn nuôi có những tác động xấu đến môi trường từng khiến nhiều người bức xúc, như rác thải từ các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp không được tận dụng, xả bừa bãi ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước, không khí và cảnh quan. Tại các thôn vùng cao, rác thải chất thành đống lớn ngay gần tuyến đường chính hoặc khu dân cư; phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống với chất thải, nước thải xả trực tiếp ra môi trường…
Tuy nhiên, những năm gần đây, vấn đề thu gom, xử lý rác thải đã được các địa phương quan tâm, tuyên truyền người dân thực hiện, nhất là khu vực nông thôn. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện đạt 76%; rác thải được phân loại, thu gom, xử lý tại các bãi rác của địa phương hoặc các lò tập kết, đốt rác tại khu dân cư. Đối với rác thải nông nghiệp, rác thải hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp được tận dụng, tái tạo thành phân bón hữu cơ. Chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, tỷ lệ bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt 80%.
Là địa phương phát triển chăn nuôi gia súc lớn của tỉnh, vấn đề về môi trường nông thôn tại huyện Si Ma Cai phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm qua, tình trạng thả rông gia súc tại địa phương này đã được hạn chế rõ rệt. Người dân đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi nhốt, chất thải được thu gom, xử lý để tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Nhờ đó, chất lượng môi trường nông thôn trên địa bàn Si Ma Cai được cải thiện.
Trước đây, hết mùa làm ruộng, làm nương, bà con lại thả trâu trên rừng. Giờ đây, chúng tôi làm chuồng cho trâu ở, chất thải được thu gom, ủ, phơi khô để bón cho ngô, lúa. Việc tận dụng các loại phân chuồng giúp gia đình tôi tiết kiệm được tiền mua phân hóa học, môi trường cũng đỡ ô nhiễm.
Tại huyện Mường Khương - địa phương có nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh lớn của tỉnh - những năm qua, các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, bàn giao cho các đơn vị có chuyên môn xử lý.
Đơn cử như xã Bản Lầu, một trong những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa của huyện với các sản phẩm chủ lực là chè và dứa. Theo ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch UBND xã, bên cạnh vấn đề tổ chức sản xuất, các vấn đề về quy trình chăm sóc, bảo vệ cây trồng được xã quan tâm. Chính quyền xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn, tuyên truyền và có những quy định cụ thể trong việc sử dụng và thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức 1 đợt thu gom, vận chuyển, bàn giao cho Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp nhận, xử lý 270 kg rác thải độc hại.
Theo thống kê của các địa phương, thực hiện Cuộc vận động xây dựng cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn”, từ đầu năm đến nay, nhiều địa phương đã nhân rộng các mô hình “Đường hoa nông thôn mới” trồng mới 25 tuyến/20,7 km; 2 tuyến “Đường điện thắp sáng” bằng năng lượng mặt trời; 1 “Tuyến phố sáng - xanh - sạch - đẹp”; 1 tuyến đường giàn hoa giấy. Hiện nay, toàn tỉnh có 279 tuyến đường hoa/218,45 km tại 115 xã/9 huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài ra, các hoạt động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, thường xuyên tổ chức vệ sinh nhà cửa, đường làng ngõ xóm cũng được các địa phương duy trì. Trong 6 tháng đầu năm 2023, các địa phương đã vận động vệ sinh 248 km đường; 43,8 km cống rãnh; thu gom hơn 1.000 m3 rác thải; bố trí thêm 180 thùng rác, vận động 445 hộ nâng cấp, chỉnh trang nhà cửa đạt 3 cứng…
Để công tác vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, thời gian qua, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, thực hiện hương ước - quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Các hoạt động trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo môi trường trong lành và cảnh quan xanh - sạch - đẹp hoặc các phong trào chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, khuôn viên gia đình, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải, xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn, xây dựng các công trình nước sạch… được phát động, triển khai tại nhiều địa phương.
Với sự vào cuộc của các ngành, các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ từ người dân, các vấn đề về môi trường tại nông thôn đang được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng môi trường, chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn.