Trước đó, trong bài phát biểu hằng tuần trên đài phát thanh ngày 30/8, ông Obama tuyên bố: "Sau hơn 7 năm triển khai tại Iraq, Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu và tiến một bước quan trọng tới việc kết thúc cuộc chiến một cách có trách nhiệm".
Xem ra đánh giá của người đứng đầu Nhà Trắng có phần khá lạc quan bởi đa số các nhà phân tích lại không nghĩ như vậy. Cái mà mỗi người có thể thấy ngay là con số thống kê chính thức mà Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố cho biết sau hơn 7 năm tham chiến tại Iraq, khoảng 4.400 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng tại chiến trường này, hàng vạn binh lính khác bị thương và chịu các tổn hại về tinh thần từ cuộc chiến.
Chi phí cho hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan thì đã vượt qua con số 1.000 tỷ USD từ lâu mà vẫn chưa dừng lại. Nếu nhìn sâu xa, việc Mỹ bất chấp thái độ phản đối của LHQ khi đơn phương phát động cuộc chiến Iraq đã gặp sự phản ứng mạnh của ngay những nước đồng minh của Mỹ như Đức, Pháp.
Mỹ chính thức rút quân khỏi Iraq (Ảnh: Reuters)
Chưa bao giờ chính trường nước Mỹ, lòng dân Mỹ lại bị chia rẽ đến như vậy. Trái với tâm lý lúc đầu, giờ đây, làm sao để lính Mỹ rời sớm nhất khỏi vùng Vịnh đã trở thành mong mỏi mà Mỹ đặt ra khi phát động cuộc chiến là dựng lên một chính phủ thân Mỹ và một nước Iraq ổn định, dân chủ vẫn chỉ là mơ ước.
Bất chấp sự có mặt của lính Mỹ cùng các phương tiện chiến tranh tối tân, lực lượng nổi dậy vẫn hoạt động mạnh. Các cuộc tấn công vào lực lượng cảnh sát và binh lính Iraq diễn ra trước thời điểm lính Mỹ rút quân đã biến tháng 8 thành tháng đẫm máu nhất trong 2 năm vừa qua, với trung bình 5 người bị giết hại mỗi ngày.
Sự tàn khốc của các vụ đánh bom liều chết nhằm vào những người dân thường thuộc các sắc tộc và phe phái khác nhau là tín hiệu cho thấy giải pháp chính trị cho Iraq thời hậu chiến còn lâu mới tìm được lối thoát. Nếu như không thể ngăn chặn được bạo lực và chính trường Iraq tiếp tục nổi sóng, nước Mỹ chưa thể rút chân hoàn toàn khỏi Iraq. Điều đó đồng nghĩa với việc Iraq tiếp tục còn khiến nước Mỹ “đau đầu”.
(Theo VOV)