Bộ Năng lượng Mỹ ngày 13/12 thông báo các nhà khoa học Mỹ ở bang California đã lần đầu tiên đạt được mức năng lượng ròng trong các phản ứng tổng hợp hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, bà Jennifer Granholm, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore ở bang California đã lần đầu tiên tạo ra nhiều năng lượng hơn là tiêu thụ năng lượng trong phản ứng nhiệt hạch, vốn được gọi là tăng năng lượng ròng.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm công bố đột phá khoa học về phản ứng hợp hạch.
Bà Granholm cho biết, đây là lần đầu tiên điều này được tạo ra trong một phòng thí nghiệm trên thế giới. Nói một cách đơn giản, đây là một thành tựu khoa học ấn tượng nhất của thế kỷ 21 và các nhà nghiên cứu ở Livermore và trên thế giới đã đợi chờ điều này trong vòng hơn 60 năm.
Phản ứng nhiệt hạch có nguyên lý là ép các nguyên tử hydro vào nhau với lực mạnh đến mức chúng kết hợp thành heli, giải phóng lượng năng lượng và nhiệt khổng lồ. Không giống như các phản ứng hạt nhân khác, nó không tạo ra chất thải phóng xạ. Tăng năng lượng ròng là mục tiêu khó đạt được vì phản ứng nhiệt hạch xảy ra ở nhiệt độ và áp suất cao đến mức cực kỳ khó kiểm soát.
Năng lượng nhiệt hạch được hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể tạo ra năng lượng gần như vô hạn, không phát thải carbon, thay thế nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng truyền thống khác. Việc các nhà khoa học Mỹ đạt được mức năng lượng ròng trong phản ứng tổng hợp hạt nhân là một bước tiến quan trọng mặc dù sẽ còn phải mất hàng chục năm nữa mới có thể tạo ra năng lượng cung cấp cho các hộ gia đình và doanh nghiệp từ phản ứng nhiệt hạch.