Một thoáng bản Ngoang

LCĐT - Tôi đến bản Ngoang vào một sáng xuân áp Tết Nguyên đán, thời điểm mà không khí xuân tràn ngập những nẻo đường về bản. Đây là bản người Thái đen duy nhất trong tỉnh nằm ở xã vùng cao Thẳm Dương, huyện Văn Bàn.

Có hẹn trước nên khi chúng tôi vừa lên đến đầu bản, ông Hà Văn Dương, Bí thư Chi bộ bản Ngoang đã ra đón. Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về phong tục đón Tết cũng như văn hóa của người Thái đen, ông Dương kể: Người Thái đen (tức Táy Đăm theo tiếng Thái đen) có mặt ở Thẳm Dương chắc cũng phải vài trăm năm.

Theo các cụ đời trước kể lại thì vào khoảng giữa thế kỷ XVII, người Thái đen ở Thuận Châu (Sơn La) do một tù trưởng lãnh đạo nổi dậy bị quân triều đình nhà hậu Lê truy đuổi đã vượt rừng di cư đến xã Thẳm Dương lập bản. Sở dĩ chọn vùng đất này vì nằm bên dòng suối Chăn hiền hòa, lại có những khu đất bằng phẳng để canh tác lúa nước, ngoài ra còn có đường về xuôi cũng dễ mà đi Lai Châu cũng thuận.

Về tên của bản, ông Dương bảo, thực ra tên gốc của bản là “Tu Ngoang”, nghĩa là con ve sầu. Ở đây vốn có rất nhiều ve sầu, chúng kêu râm ran suốt mùa hè, các cụ thấy lạ nên đặt luôn tên là bản Ngoang.

Bản Ngoang thanh bình.
Bản Ngoang thanh bình.

Lại có truyền thuyết: Khi người Thái đen đặt chân đến vùng đất Thẳm Dương để sinh cơ lập nghiệp, có hai vợ chồng trẻ cùng nhau lên rừng chặt cây về dựng nhà. Buổi chiều, người chồng bảo vợ xuống bản sớm để kịp về chuẩn bị cơm tối, còn mình đi săn thú rừng. Người vợ về nhà nấu cơm nhưng chờ mãi không thấy chồng về nên đốt đuốc vào rừng tìm, nhưng không thấy. Vì thương nhớ chồng, người vợ cứ đi hết ngày này qua ngày khác và gọi mãi tên chồng nhưng vẫn “biệt vô âm tín”. Thương cảm người vợ trẻ, thần núi biến chị thành con ve để bay đi khắp núi rừng gọi chồng. Thế rồi người trong bản cũng không thấy chị vợ về mà chỉ nghe thấy tiếng gọi chồng của một phụ nữ vang vọng khắp núi rừng. Từ đó, vào mỗi mùa hè, ở khu rừng đầu bản, tiếng ve kêu “tu ngoang” không dứt suốt nhiều ngày. Cũng vì thế mà người Thái đen đặt tên bản mình là bản Ngoang theo tiếng kêu của con ve sầu rừng…

Để hiểu hơn về phong tục đón Tết và văn hóa của người Thái đen ở bản Ngoang, chúng tôi tìm đến nhà cụ Hà Văn Thường, một cao niên trong bản. Theo cụ Thường, ngôi nhà sàn là một phần quan trọng trong cuộc sống của người Thái đen ở bản Ngoang. Trai gái sau khi cưới hỏi thường chỉ ở nhà với bố mẹ một vài tháng, sau đó sẽ được giúp đỡ làm nhà ở riêng. Nhà của người Thái đen thường được dựng ở nơi cao ráo, thoáng mát, lưng tựa vào núi và mặt quay ra ao, hồ hoặc dòng suối Chăn. Người Thái đen thường làm nhà sàn gỗ 3 hoặc 5 gian tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Các gian giữa được dùng làm phòng ngủ và ngăn cách nhau bởi các tấm vải thổ cẩm. Điều đặc biệt trong kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen ở bản Ngoang là nhà nào cũng có “Hạn Khuống”. “Hạn Khuống” được dựng ở đầu nhà, nối với gian bếp, là một cái sàn khung bằng gỗ hình vuông hoặc hình chữ nhật cao khoảng 1,2 đến 1,5 m, mặt sàn rộng khoảng 15 m2 được lát bằng phên nứa già, xung quanh dựng chấn song và có một cầu thang khoảng 5 - 7 bậc để lên xuống. “Hạn Khuống” là nơi phụ nữ làm chỗ ngồi thêu thùa, chế biến thuốc, còn buổi tối là nơi tâm sự của các đôi trai gái đang tuổi cập kê.

Đối với văn hóa tâm linh, người Thái đen ở bản Ngoang luôn biết ơn, tôn kính tổ tiên. Dù trải qua những biến động, thăng trầm sau chặng di cư vất vả đến vùng đất mới nhưng tục lệ thờ cúng ông bà, tổ tiên vẫn luôn được gìn giữ và lưu truyền nguyên vẹn. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên rất giản dị, người Thái đen ở đây không làm bàn thờ như người Kinh mà làm bàn thờ bằng một tấm gỗ tốt hình chữ nhật đặt ở vị trí trang trọng trong nhà. Bàn thờ không đặt cao mà để dưới sàn nhà, trên bàn thờ chỉ đặt một ống cắm hương và một đĩa để đựng trầu, cau. Mỗi năm, người Thái đen ở bản Ngoang có các lễ quan trọng thắp hương cúng là: Đón năm mới, thanh minh, mùng 5 tháng 5, rằm tháng 7 và cơm mới. Ngoài ra, mỗi dịp lễ, Tết hay nhà có hiếu, hỷ, việc lớn, chủ nhà lại làm mâm cơm đặt lên bàn thờ mời ông bà, tổ tiên để cầu mong những điều tốt đẹp đến trong cuộc sống... Người Thái đen ở bản Ngoang không theo một tôn giáo nào ngoài tín ngưỡng thờ tổ tiên.

Theo truyền thống, vào ngày đầu năm mới, người Thái đen ở đây có tục lấy nước cầu may. Việc lấy nước do người đàn ông trong gia đình thực hiện và phải lấy trước khi gà gáy canh một - giây phút đầu tiên của năm mới. Người chủ gia đình sẽ mang một ống bương mới lên khe nước ở đầu nguồn, thắp nén hương khấn thần núi, thần rừng rồi xin nước mang về đặt cạnh bàn thờ. Sau nghi lễ lấy nước cầu may, chủ nhà mới sắp xếp lễ cúng đầu năm mới.
Anh La Văn Nình, Trưởng bản Ngoang cho biết: Bản có 78 hộ và 100% là người Thái đen. Những năm qua, đời sống người dân đã đổi thay rõ rệt, hầu hết các hộ có cuộc sống no ấm. Điều vui nhất là bây giờ trẻ em được cắp sách đến trường, được học từ mẫu giáo đến THPT. Bản đã có 3 người đi học đại học, trong đó 2 người đang làm công nhân vận hành một nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn xã, 1 người đang làm việc tại Hà Nội, đó là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ bản Ngoang noi theo.

Bên trong ngôi nhà truyền thống của người Thái đen bản Ngoang.
Bên trong ngôi nhà truyền thống của người Thái đen bản Ngoang.

Tiếp lời vào câu chuyện của chúng tôi, cụ Hà Thị É, nguyên Đội trưởng đội văn nghệ bản nói: Đời sống của người dân trong bản đã khác xưa rất nhiều, hằng ngày được tiếp xúc với các phương tiện thông tin hiện đại như truyền hình, báo chí, người Thái đen ở bản Ngoang vẫn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình. Phụ nữ vẫn dệt thổ cẩm, thêu thùa, trai gái ai cũng biết hát dân ca Thái và múa những điệu múa truyền thống (múa khăn, múa sạp). Người Thái ở bản Ngoang còn giỏi chơi nhạc cụ dân tộc như tính tẩu, nhị, chiêng, trống…

Vừa nói, cụ É vừa chỉ tay ra ngoài bảo bây giờ mời các nhà báo ra “Hạn Khuống” nghe hát giao duyên. Thấy khách ra, chị La Thị Kim, thành viên đội văn nghệ bản hơi e thẹn nhưng vẫn cất cao giọng hát bài dân ca của người Thái đen: “Thương lắm anh ơi/Đường vào pản em cheo leo/Lối vào pản em lắm dốc/Ai muốn đi phải thương thật lòng…”. Nghe lời hát mà cả chủ và khách ai cũng như đang hòa vào câu chuyện tình của một đôi trai gái.

Chỉ tay về phía những cô gái đang hát, cụ É bảo hôm nay các cô trong đội văn nghệ mặc đúng trang phục của phụ nữ dân tộc Thái đen đấy, áo ngắn màu chàm đen, cổ áo tròn và đứng, ôm sát cổ người mặc. Trên vạt áo là hai hàng cúc bạc hình con bướm, một bên là hàng bướm đực, một bên là hàng bướm cái. Số lượng cúc cũng tùy thuộc vào người mặc, với con gái chưa chồng sẽ được đính số cúc lẻ, sau khi lấy chồng sẽ đính số cúc chẵn. Váy của các cô gái Thái đen được may bằng vải nhung màu đen tuyền có thêu những hoa văn màu rực rỡ. Đầu phụ nữ Thái đen đội khăn gọi là “piêu” có thêu hoa văn trang trí đẹp mắt.

Tạm chia tay đội văn nghệ, chúng tôi theo chân Trưởng bản La Văn Nình đi ngắm cảnh bản Ngoang. Tiết trời xuân mát mẻ, trong lành, phong cảnh bản làng đẹp rực rỡ bởi sự điểm tô của những cây đào rừng đang khoe sắc đỏ bên sườn đồi. Màu sắc bản làng sống động hòa vào tiếng hát dân ca Thái ngọt ngào của một cô gái nào đó trên nhà sàn vọng xuống khiến chúng tôi rung động…

Chia tay bản Ngoang, chúng tôi tin rằng trong mùa xuân mới, cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no, tươi sáng hơn...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Dự báo thời tiết 10 ngày: Nhiều khu vực có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to

Dự báo thời tiết 10 ngày: Nhiều khu vực có mưa dông, cục bộ có nơi mưa to đến rất to

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 21-30/5, nhiều hình thái thời tiết xảy ra như nắng nóng, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất... ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động ứng phó và sắp xếp kế hoạch sản xuất phù hợp.

Cùng nhau bước qua năm học đặc biệt

Cùng nhau bước qua năm học đặc biệt

Đầu tháng 9/2024, sau khai giảng năm học mới, cũng là lúc hoàn lưu bão số 3 gây mưa lớn khiến dãy núi phía sau Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Lúc, xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) xuất hiện vết nứt dài. Các phòng học, phòng ở bán trú của trường “đối mặt” với nguy cơ bị đất đá sạt lở, vùi lấp bất cứ lúc nào.

Công bố khung quy đổi giữa các phương thức xét tuyển đại học

Công bố khung quy đổi giữa các phương thức xét tuyển đại học

Tại văn bản hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng vừa được ban hành ngày 19/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi tương đương điểm trúng tuyển, ngưỡng đầu vào giữa các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển khi cơ sở đào tạo sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp cho một ngành, nhóm ngành đào tạo.

Thời tiết hôm nay (20/5): Mưa dông bao trùm nhiều khu vực

Thời tiết hôm nay (20/5): Mưa dông bao trùm nhiều khu vực

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, thời tiết hôm nay (20/5), mưa dông bao trùm nhiều khu vực trong cả nước, cục bộ có nơi mưa to. Đề phòng trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, ngoài ra còn có nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm cần theo dõi chặt chẽ để chủ động ứng phó.

Từ ngày 22 - 25/5, khả năng sẽ xảy ra đợt mưa lớn diện rộng

Từ ngày 22 - 25/5, khả năng sẽ xảy ra đợt mưa lớn diện rộng

Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) vừa ban hành Văn bản số 308/KTTV-QLDB gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an; Công Thương, Xây dựng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thông tin dự báo tình hình khí tượng thủy văn trong thời gian tới.

Đội viên tiêu biểu của thiếu nhi thành phố

Đội viên tiêu biểu của thiếu nhi thành phố

Giữa muôn vàn bông hoa tươi thắm trong vườn hoa nghìn việc tốt, có những đội viên không chỉ học giỏi, chăm ngoan mà còn nhiệt huyết trong từng hoạt động phong trào. Em Đinh Ngọc Minh Châu, lớp 9E, Trường THCS Lê Quý Đôn là một bông hoa trong vườn hoa đó.

fb yt zl tw