Tháng 4/2022 chị Nông Thị Hải Yến cùng một số thành viên thành lập Hợp tác xã sản xuất thảo dược Sa Pa tại thôn 4, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa. Điều đặc biệt, nguyên liệu làm ra các sản phẩm của hợp tác xã đều là các loại thảo mộc sẵn tại địa phương như: Ngải cứu, chùa dù, gừng, hoa hồng…
Với lợi thế dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn, các loại cây này phù hợp với trình độ canh tác của phụ nữ ở các xã vùng cao của thị xã Sa Pa. Sau khi thu hoạch, chị em tiến hành sơ chế, băm, phơi khô rồi bán cho hợp tác xã.
Chị Nông Thị Hải Yến- Giám đốc hợp tác xã cho biết, thông qua hoạt động kinh doanh, sản xuất của đơn vị, chúng tôi mong muốn tạo ra nguồn thu nhập thêm cho phụ nữ của xã Tả Phìn và các xã lân cận từ việc trồng và bán các loại cây nguyên liệu cho hợp tác xã. Vì vậy, thời gian qua, hợp tác xã đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã và các xã tuyên truyền, vận động hội viên tích cực trồng các loại cây trên.
Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết, việc tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo thêm việc làm cho hội viên phụ nữ đã được tổ chức hội quan tâm thời gian qua. Tạo thêm thu nhập giúp hội viên phụ nữ khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện hiệu quả nội dung đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng thuộc Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã cụ thể hóa bằng việc phối hợp với hợp tác xã sản xuất thảo dược Sa Pa tuyên truyền, vận động hội viên trồng ngải cứu, gừng, hoa hồng. Đồng thời, thu mua luôn sản phẩm, chính là yếu tố tạo sự ổn định, tin tưởng cho hội viên phụ nữ yên tâm trồng các loại cây này.
Hợp tác xã sản xuất thảo dược Sa Pa có 7 thành viên, hiện đang sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gồm: Thuốc tắm, thuốc ngâm chân; cao xoa bóp, cao gội đầu… Các sản phẩm có sự hỗ trợ nghiên cứu của nhân viên Viện Dược liệu Thành phố Hồ Chí Minh (hỗ trợ nghiên cứu từ các bài thuốc truyền thống của người Dao ở địa phương, sau đó chiết xuất và cô đọng lại).
Chị Nông Thị Hải Yến cho biết thêm, bình quân mỗi tháng, hợp tác xã thu mua hơn 1 tấn nguyên liệu cho chị em hội viên phụ nữ. Hợp tác xã mới thành lập, vẫn đang trong quá trình xây dựng và khẳng định thương hiệu trên thị trường nên số lượng sản phẩm bán ra thị trường còn hạn chế.
Tuy nhiên, thời gian tới, khi hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị phát triển, mở rộng, chắc chắn nguồn nguyên liệu nhập vào sẽ tăng cao, giúp hội viên phụ nữ ở các xã vùng cao của thị xã có thêm thu nhập, nâng cao đời sống.