[E-Magazine]

“Mẹ” Minh

“Mẹ” Minh ảnh 1

LCĐT - Tôi đến thăm một người đặc biệt, được mệnh danh là người mẹ “đông con” nhất ở bản Mông Sảng Pả (nay là thôn Tòng Già), thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng. Ẩn trong vóc dáng hao gầy, khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ ấy là một câu chuyện đẹp như cổ tích giữa đời thường.

“Mẹ” Minh ảnh 2

Chồng mất sớm, các con trưởng thành, lập gia đình ở xa, vậy nhưng ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Thanh Minh, sinh năm 1968, tổ dân phố số 1, thị trấn Nông trường Phong Hải luôn rộn rã tiếng cười. Bao năm qua, người dân nơi đây đã quen với hình ảnh người mẹ hao gầy chăm đàn con thơ dù không phải ruột thịt.

“Mẹ” Minh ảnh 3
Hành trình tới lớp của những đứa trẻ không khi nào vắng bóng “mẹ” Minh.

Ngôi nhà nhỏ ấy là chốn đi về của Cư Văn Tùng, Giàng Seo Vang, Ma Seo Hoàng, Ma Thị Thương, 4 đứa trẻ khác họ, nhưng có cùng “mẹ” Minh trong suốt những ngày thơ ấu. Nếu tính cả các cháu đã được nuôi dưỡng trong những năm học trước thì “mẹ” Minh có tới 14 đứa con, đều là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ở bản Mông Sảng Pả, được chị nhận về nuôi dưỡng trong những ngày tháng học mầm non.

Chỉ có một mình gánh gồng công việc, lặng thầm chăm chút từ bữa ăn, giấc ngủ cho 4 đứa trẻ thơ, nên một ngày của “mẹ” Minh thường bắt đầu từ sáng sớm, trước khi lũ trẻ ngủ dậy và tạm gác lại khi những đứa con bắt đầu say giấc đêm khuya. Tất cả mọi việc từ cơm nước, tắm giặt đến dỗ dành con ngủ, chăm con cả những lúc ốm đau, “mẹ” Minh làm hết mà không một lời than thở. Mỗi tuần, cuộc sống làm “mẹ” của chị bắt đầu từ thứ Hai, khi những đứa trẻ được bố mẹ cho “hạ sơn” xuống trường và tạm dừng ở ngày thứ Sáu, khi chúng được bố mẹ đón về.

“Mẹ” Minh ảnh 4

“Ngày trước khi tôi còn dạy học ở phân hiệu Sảng Pả, sáng nào mấy mẹ con cũng dậy sớm để lũ trẻ kịp ăn uống rồi tới lớp. Những ngày đông, trời mới tờ mờ sáng, 4 - 5 mẹ con rời nhà, đèo nhau trên chiếc xe máy cũ, vượt 7 km đường trơn trượt, lóc xóc để tới lớp mà lòng nơm nớp sợ rơi con trên đường”, chị Minh nhớ lại. Giờ đây khi đã nghỉ hưu, sức khoẻ vơi dần, những đứa trẻ được đi học gần nhà hơn nên “mẹ” Minh ngày đôi lần đón đưa con trên chiếc xe đạp cũ.

Hành trình 6 năm qua đã giúp chị Minh có vô vàn kỷ niệm. Trong đó chị nhớ mãi kỷ niệm ôm bé Cư Thị Chứ đi bệnh viện trong đêm khuya do viêm phổi. Quãng đường 5 km đêm ấy là chặng đường dài nhất chị Minh từng đi bởi vừa lo cho đứa nhỏ đang sốt cao, khó thở, chị vừa nghĩ về những đứa trẻ đang ngủ ở nhà không có ai trông coi.

Những đứa trẻ mới lên 4, lên 5 tuổi, vẫn còn rất nhỏ để hiểu chuyện và tự lập. Vậy nên suốt 6 năm qua, chị Minh đã quen với việc con trẻ khóc khi nhớ nhà, đòi mẹ. “Trẻ thì cứ khóc, mình thì không biết tiếng Mông để dỗ, có khi đứa này khóc, đứa khác lại khóc theo. Vậy là tôi đi hỏi, học những câu tiếng Mông để dỗ dành”.

Cơn nức nở của trẻ được “mẹ” Minh xoa dịu bằng những tiếng “dà lao” (nín đi), “chi quờ” (đừng khóc nữa), để chúng yên tâm dựa vào vai người mẹ không có công sinh nhưng nặng công nuôi dưỡng mà mơ tiếp những giấc mơ ngọt ngào.

“Mẹ” Minh ảnh 5

Trước đây, chị Minh là cô giáo của Trường Mầm non thị trấn Nông trường Phong Hải và sau này là giáo viên Trường Mầm non số 2 thị trấn Nông trường Phong Hải. Khoảng thời gian từ năm 2014 – 2017, chị dạy học ở phân hiệu Sảng Pả.

Sảng Pả khi ấy có một xóm nhỏ với 9 hộ đồng bào Mông sống biệt lập trên núi cao, trong khi phân hiệu mầm non cách xóm nhỏ 2 tiếng đi bộ trên con đường mòn lởm chởm đá. Bởi vậy mà những đứa trẻ ở trên cao chẳng thể tới lớp do bố mẹ bận việc ruộng nương, không thể đưa đón con đi học mỗi buổi.

“Mẹ” Minh ảnh 6

Trong ký ức của thầy giáo Nguyễn Văn Lai, từng là giáo viên “cắm bản” ở nơi đây thì xóm Sảng Pả trước đây từng có phân hiệu tiểu học. Các anh chị tiểu học học trong lớp, còn những em ở tuổi mầm non ngồi bên hiên ngóng vào xem, hoặc tha thẩn chơi ngoài sân, tự trông nhau trong lúc bố mẹ bận việc.

Năm 2017, điểm trường bị xoá, học sinh tiểu học được đưa về học nội trú ở điểm trường chính, những đứa trẻ mầm non chẳng còn nơi để đến, trong khi việc đưa con xuống phân hiệu mầm non dưới thấp là quá khó với những gia đình người Mông ở Sảng Pả trên. Trăn trở, day dứt khi nhìn những đứa trẻ suốt ngày quẩn quanh trên núi, xa vời với con chữ, chị Minh quyết định ngược núi để vận động các hộ gửi con cho chị chăm sóc, để những đứa trẻ được đến trường vui học.

Xa nhà từ sớm, những đứa trẻ ở bản Mông hiểu chuyện và dần có ý thức tự lập.
Xa nhà từ sớm, những đứa trẻ ở bản Mông hiểu chuyện và dần có ý thức tự lập.

Từ năm 2017 đến nay chị Minh duy trì nuôi 4 đến 5 cháu nhỏ ở rẻo cao Sảng Pả. Tự nguyện gánh vác việc làm mẹ vẫn được chị lặng thầm làm ngay cả khi về hưu (tháng 9/2021) với việc nhận nuôi 4 cháu là Tùng, Vang, Thương, Hoàng.

Ngày chị Minh bàn với gia đình việc nhận nuôi trẻ cũng là lúc chị gánh trên vai nỗi lo của người mẹ đang nuôi 2 con theo học chuyên nghiệp. Với khoản tiền lương ít ỏi, chị Minh vừa lo cho 2 con học hành vừa chăm sóc con nuôi, quá nhiều khó khăn, vất vả đến với người phụ nữ bé nhỏ vào thời điểm ấy.

“Nhiều người bảo tôi hâm, thích lo chuyện bao đồng, già rồi không nghỉ ngơi còn đi làm mẹ. Vậy nhưng mỗi khi nghe lũ trẻ gọi “mẹ”, “cô” lẫn lộn nhưng đầy non nớt, ngọt ngào, được thấy chúng vui vẻ tới trường, tôi liền quên hết”, chị nói.

“Mẹ” Minh ảnh 8

Sự “bao đồng” của chị đã giúp cho những đứa trẻ đồng bào Mông ở Sảng Pả có được niềm vui đến trường. Trong nghẹn ngào, anh Ma Seo Chửng, người có đến 3 đứa con được chị Minh nuôi dạy cho biết: Gia đình tôi không có xe máy để đi lại, nên khi nào tranh thủ mượn được xe tôi mới chở con xuống trường để học. Năm ngoái được cô Minh mua cho chiếc xe cũ, tôi mừng quá! Tôi càng phải quyết tâm cho con đi học.

“Mẹ” Minh ảnh 9

Câu chuyện về "mẹ" Minh và xóm người Mông trên núi cao đã thôi thúc tôi đi theo những đứa trẻ khi được bố vội đón về nhà để hiểu rõ hơn hành trình tìm con chữ. 12 giờ mặt trời đứng bóng, dưới cái nắng chang chang của ngày hè, mấy bố con anh Ma Seo Chửng gắng sức đi qua bãi đất lầy sau trận mưa hôm trước đang giữ chặt bánh xe, rồi tiếp đó là những con dốc cao vút, lởm chởm đất đá.

Dù đã cố hết sức nhưng chiếc xe “già nua” của anh Chửng cũng không thể thắng nổi những con dốc. Sau một hồi hì hụi đẩy, anh Chửng quyết định gửi xe ở nhà người quen dưới chân dốc. Dường như đã quen, những đứa trẻ vui vẻ dắt díu nhau, “đội” nắng trên mái đầu nhỏ xinh, ngược núi để về nhà trên quãng đường vòng vo chừng 2 giờ đi bộ.

“Mẹ” Minh ảnh 10

Gian nan đường về nhà.

Con đường ấy đã ghi bao dấu chân của trẻ em người Mông Sảng Pả xuôi dốc đi tìm chữ. Và cũng trên con đường ấy, “mẹ” Minh đã ròng rã bao tháng ngày lội non vận động các gia đình cho mình được đón con em của họ đi học.

Lặng lẽ đi theo những bước chân nhỏ xinh, tôi miên man nghĩ về câu chuyện của “mẹ” Minh và những đứa trẻ nơi rẻo cao này. Trong hành trình tới lớp đầy nhọc nhằn là biết bao câu chuyện, khát khao được gửi vào trong đó.

“Mẹ” Minh ảnh 11
Không chỉ vượt đoạn đường gập ghềnh, những đứa trẻ còn phải vượt cả nỗi nhớ nhà trên hành trình tới lớp.

Đó là ước muốn con trẻ được học chữ, gieo niềm tin đổi đời cho thế hệ sau của những ông bố, bà mẹ người Mông, như lời anh Giàng Seo Tếnh “cả đời tôi chẳng biết viết tên của mình, khổ lắm! Giờ khó đến mấy, tôi vẫn muốn con được đi học, biết đọc, biết viết”. Nỗi khát khao ấy đã thôi thúc những người làm cha, làm mẹ ở rẻo cao Tòng Già hôm nay giấu đi nỗi nhớ, gửi đứa con thơ cho “mẹ” Minh nuôi dạy.

Đó còn là hành trình lớn trước tuổi của những đứa trẻ, phải xa nhà, xa mẹ cha khi mới chỉ lên 3, lên 4 tuổi, để được học tập, vui chơi như bao bạn nhỏ đồng trang lứa.

“Mẹ” Minh ảnh 12

Những niềm vui con trẻ khi được tới lớp học tập, được “mẹ” Minh chăm sóc.

Và trong câu chuyện ấy, tôi nghĩ về “mẹ” Minh, người phụ nữ “bao đồng”, gánh trên đôi vai mọi vất vả, nhọc nhằn. Từ trái tim đầy yêu thương, chị viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Câu chuyện đong đầy tình người ấy làm vơi đi những gian nan trên hành trình đặc biệt của những đứa trẻ chốn này. Đó không chỉ là hành trình tới lớp để được vui chơi ở tuổi mầm non mà phía trước còn là hành trình đi tìm tương lai sáng tươi của đám trẻ nơi rẻo cao Tòng Già bốn mùa mây phủ.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Quyết tâm “7 dám”

Quyết tâm “7 dám”

Ngay sau khi Trung ương và Tỉnh ủy Lào Cai triển khai chuyên đề học Bác năm 2024 về “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tích cực triển khai trong toàn quân. Báo Lào Cai có cuộc phỏng vấn Đại tá Nguyễn Ngọc Ngân, Phó Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về nội dung này.

Cô giáo tiểu học tích cực đổi mới, sáng tạo

Cô giáo tiểu học tích cực đổi mới, sáng tạo

Không chỉ yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Phạm Thị Hiệp, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Lào Cai còn luôn đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Từ đó khơi gợi cảm hứng, niềm yêu thích học tập cũng như sự chủ động khám phá tri thức nơi học trò.

Tuổi trẻ Lào Cai lan tỏa tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Tuổi trẻ Lào Cai lan tỏa tinh thần tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng

Ở thời chiến hay thời bình, xung kích, tình nguyện đã trở thành phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác, là điểm tựa vững chắc, đoàn kết, tập hợp thanh niên. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã sôi nổi triển khai phong trào thanh niên tình nguyện hướng đến vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng Nhân dân. 

Ông “vua sâm đất” ở làng Hà Nhì

Ông “vua sâm đất” ở làng Hà Nhì

Trong các thôn, bản của xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), Lao Chải là thôn xa nhất, cách trung tâm xã 20 cây số. Lao Chải cũng là thôn có đa số người Hà Nhì sinh sống. Đến đây, hỏi già làng Lý Giá Xe thì ai cũng biết, năm nay bước sang tuổi 62 nhưng già làng vẫn là tấm gương sáng về tinh thần hăng say lao động, tích cực phát triển kinh tế gia đình.

Lan tỏa tinh thần thi đua lao động, sáng tạo

Lan tỏa tinh thần thi đua lao động, sáng tạo

Với chủ đề “Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hành động - phát triển”, phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và bảo đảm quốc phòng - an ninh đã được triển khai ở khắp các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình tiên tiến. Tại Hội nghị triển khai công tác thi đua - khen thưởng năm 2024, các đại biểu đã tham luận, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả tạo nên thành công.

“Cháy” hết mình với phong trào đoàn

“Cháy” hết mình với phong trào đoàn

Nhiệt tình, trách nhiệm và luôn “cháy” hết mình với phong trào. Đó là những lời nhận xét mà đoàn viên, thanh niên dành cho chị Vũ Thị Minh Thùy, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Thượng (huyện Văn Bàn). Với vai trò là “thủ lĩnh” thanh niên, thời gian qua, chị Minh Thùy đã thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho phong trào đoàn ở địa phương.

Thầy thuốc ưu tú nặng lòng với bệnh nhân ung thư

Thầy thuốc ưu tú nặng lòng với bệnh nhân ung thư

Vững chuyên môn, luôn hoàn thành tốt công việc được giao, giản dị trong cuộc sống, gần gũi với đồng nghiệp, hết lòng, tận tụy với người bệnh. Đặc biệt, luôn day dứt, trăn trở, nỗ lực, trách nhiệm với những bệnh nhân ung thư. Đó là những lời ca ngợi về Thầy thuốc ưu tú - bác sỹ CKII, Thạc sỹ Tô Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai.

Tiết kiệm theo gương Bác

Tiết kiệm theo gương Bác

Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) đã triển khai hiệu quả mô hình “Tổ tiết kiệm theo gương Bác”, thu hút cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia, qua đó giúp đỡ nhiều hội viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chỉ huy trưởng quân sự tích cực học và làm theo Bác

Chỉ huy trưởng quân sự tích cực học và làm theo Bác

Với 7 năm công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự xã Quang Kim (huyện Bát Xát) thì có tới 6 năm làm Chỉ huy trưởng, anh Vương Xuân Nhất luôn làm theo lời dạy của Bác Hồ, đó là gắn bó và giúp Nhân dân từ những việc nhỏ nhất. Những việc làm của anh đã tạo được lòng tin của người dân và được Đảng ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.

Cựu chiến binh Bát Xát học và làm theo Bác

Cựu chiến binh Bát Xát học và làm theo Bác

Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, những năm qua, các cấp hội cựu chiến binh huyện Bát Xát đã thực hiện tốt Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

fb yt zl tw