SIM rác vẫn tràn lan
Hơn 1 tháng qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã phát triển một công cụ giúp người sử dụng tra cứu xem mình đang sở hữu bao nhiêu SIM. Cụ thể, người dùng nhắn tin để kiểm tra thông tin thuê bao qua đầu số 1414 với cú pháp TTTB kèm theo số căn cước công dân của mình. Nhờ đó, nhiều người đã phát hiện mình có SIM lạ không sở hữu. Điều này đã giúp Bộ TTTT có biện pháp mạnh tay để xử lý SIM rác.
Chỉ tính 1 tháng qua, đã có khoảng 1.200 số thuê bao phản ánh tới các doanh nghiệp viễn thông, thắc mắc về số SIM lạ mà mình đang sở hữu. Trên cơ sở đó, các nhà mạng đã loại bỏ các số thuê bao trong danh sách mà khách hàng phản ánh, thực hiện các thủ tục khóa 1 chiều, 2 chiều với các thuê bao không đúng tên, giấy tờ. Theo Cục Viễn thông, đã có khoảng 200 số thuê bao bị khóa. Điều này cho thấy, các nhà mạng đã vào cuộc tích cực trong quá trình chuẩn hóa thông tin thuê bao.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cuộc gọi điện thoại, nhắn tin mời chào làm thẻ tín dụng, trúng thưởng tại các điểm bán hàng điện máy hay cuộc gọi lừa đảo giả danh cán bộ các sở, ban ngành… vẫn chưa giảm mạnh; thậm chí nhiều đối tượng sử dụng SIM rác để cho vay nặng lãi, đòi nợ… khiến nhiều người cảm thấy “bất lực” trước các cuộc gọi làm phiền.
Trước vấn đề này, Bộ TTTT đã yêu cầu từ ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Trường hợp phát hiện các vi phạm (như SIM tồn kênh có thông tin thuê bao), Bộ sẽ tổ chức thanh tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm (bao gồm việc xem xét, dừng phát triển mới), đồng thời sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.
Ngoài ra, Nghị định 91/2020/NĐ-CP đã quy định rõ các cuộc gọi quảng cáo phải sử dụng tên định danh. Vì vậy, các công ty chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm… cần đăng ký, sử dụng dịch vụ cuộc gọi định danh (Voice Brandname) để thực hiện cuộc gọi quảng cáo khi có nhu cầu, thay vì thuê các đối tượng sử dụng các dịch vụ quảng cáo qua điện thoại không đúng quy định.
Chưa kể, từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các giao dịch chuyển tiền ngân hàng (khác chủ tài khoản) hoặc nộp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng; hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền, thanh toán trong ngày vượt quá 20 triệu đồng phải được xác thực bằng sinh trắc học để góp phần hạn chế tối đa tình trạng lừa đảo trên không gian mạng…
Kiến nghị tra cứu thuê bao di động để ngăn chặn lừa đảo
Mặc dù Bộ TTTT có nhiều biện pháp đồng bộ về quản lý SIM rác trong thời gian tới, trong đó có nhắn tin phản hồi về các số điện thoại gọi lừa đảo, quấy rối. Tuy nhiên, Sở TTTT TP Hồ Chí Minh cho biết, phải mất từ 15 - 20 ngày mới nhận được phản hồi về thông tin trường hợp lừa đảo qua SIM. Do đó, Sở TTTT TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TTTT quản lý, giải quyết tình trạng các đối tượng sử dụng điện thoại không chính chủ, SIM rác nhằm trốn tránh trách nhiệm khi bị cơ quan điều tra phát hiện, xử lý.
Theo văn bản kiến nghị của Sở TTTT TP Hồ Chí Minh, các vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, qua thuê bao điện thoại đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng với các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.
Trong khi đó, khi tiếp nhận các nội dung phản ánh, tố cáo, khiếu nại từ cá nhân hoặc tổ chức liên quan đến việc sử dụng SIM thuê bao hoặc các tài khoản mạng xã hội nước ngoài để lừa đảo, quấy rối, các hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan điều tra chưa thể chủ động cập nhật xác minh thông tin của các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nêu trên.
Thay vào đó, các cơ quan này phải gửi văn bản về các cơ quan của Bộ TTTT, các doanh nghiệp viễn thông để đề nghị cung cấp thông tin hoặc phối hợp xử lý theo quy định. Do đó, trung bình từ 15 - 20 ngày các cơ quan trên mới nhận được phản hồi. Việc này gây ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là nhiều trường hợp vi phạm của các tài khoản mạng xã hội nước ngoài xử lý chưa kịp thời hoặc không gỡ bỏ các thông tin vi phạm.
Từ tình hình thực tiễn trên, Sở TTTT mong muốn Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an xem xét ban hành quy trình phối hợp quy định cách thức, thời gian thực hiện việc xác minh, cung cấp thông tin thuê bao giữa các doanh nghiệp viễn thông với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan cảnh sát điều tra tại Trung ương và địa phương; chỉ đạo các nhà mạng viễn thông khẩn trương kết nối, chia sẻ dữ liệu người dùng thuê bao di động với dữ liệu công dân.
Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Cục Viễn thông chia sẻ, cung cấp tài khoản cho phép Sở tra cứu thông tin thuê bao di động của người dùng tại Thành phố phục vụ cho công tác quản lý, đấu tranh, xử lý vi phạm; đồng thời, kiến nghị Bộ TTTT chỉ đạo Trung tâm Internet Việt Nam cấp tài khoản và cho phép Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh tra cứu thông tin dữ liệu về chủ thể đăng ký, sử dụng và quản lý các tên miền ".vn" và tên miền quốc tế có thông báo hoạt động với Bộ TTTT để phục vụ cho công tác quản lý, đấu tranh, xử lý vi phạm.
Song song đó, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố mong muốn được chia sẻ, cung cấp danh sách thông tin đầu mối liên hệ và có văn bản ủy quyền cho Sở được làm việc trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ, nền tảng xuyên biên giới về xử lý các nội dung thuộc TP Hồ Chí Minh.