LCĐT - Chiều 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 64 năm đã trôi qua, quãng thời gian dài gần bằng một đời người. Những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch năm ấy người còn, người mất. Số còn lại cũng đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe và trí nhớ giảm sút nhiều, song niềm tự hào về một thời từng là chiến sỹ Điện Biên thì vẫn mãi đọng lại trong sâu thẳm cõi lòng họ.
Theo lịch hẹn, vào một ngày đầu tháng Năm, chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Ngô Khắc Thông, ở thôn Dốc Đỏ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai. Người cựu chiến binh từng tham gia cả ba cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, dù đã 80 tuổi, mái tóc bạc trắng nhưng cử chỉ vẫn khá nhanh nhẹn. Khi chúng tôi gợi chuyện, trong phút chốc, ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”... như thước phim chầm chậm ùa về trong không gian phòng khách treo kín Bằng khen, Giấy khen các cấp ghi nhận thành tích của ông…
Các cựu chiến binh kể chuyện lịch sử cho thế hệ trẻ. |
Tháng 2/1953, Ngô Khắc Thông khi ấy mới 15 tuổi, đã tình nguyện tạm biệt quê hương Thọ Xuân (tỉnh Thanh Hóa) xung phong vào chiến trường phục vụ kháng chiến. Được biên chế vào đơn vị C293, Đội 34, Đoàn thanh niên xung phong của Trung ương, sáng 14/2/1953, Ngô Khắc Thông và đồng đội bắt đầu hành quân qua Hòa Bình, Sơn La để lên Điện Biên. Suốt từ tháng 6/1953 đến giữa tháng 2/1954, Đội 34 làm nhiệm vụ sửa chữa và mở đường từ khu vực đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo đi Điện Biên, Ngô Khắc Thông được phân công làm liên lạc của Đội 34.
Nhớ lại thời kỳ này, người cựu chiến binh già kể: “Những năm đó, việc báo tin hoàn toàn bằng chạy bộ. Bất cứ lúc nào lãnh đạo giao nhiệm vụ là tôi lên đường, nhiều lần vượt vòng lửa đạn kẻ thù đánh phá dọc đường, chỉ với suy nghĩ duy nhất là chuyển tải thông tin thật nhanh, kịp thời đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Một kỷ niệm đến nay tôi không thể quên, đó là lần đưa tin cho Đội 36 (đơn vị thanh niên xung phong phía sau Đội 34). Trời mới tờ mờ sáng, nhận lệnh của lãnh đạo, tôi lập tức chạy bộ hơn 12 km đến Đội 36 chuyển tin. Khi trở về đơn vị, tôi được biết, nhờ có thông tin kịp thời, Đội 36 nhanh chóng chuyển vị trí đóng quân, nên tránh được trận oanh tạc của máy bay địch, bảo toàn lực lượng”.
Thời gian sau đó, ngoài làm nhiệm vụ thông tin, ông Thông còn cùng đồng đội ở Đội 34 mở đường, tải đạn, lương thực và tải thương, phục vụ bộ đội chiến đấu cho đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Sau đó, Đội 34 ở lại thu dọn chiến trường, đến cuối năm 1954 mới hành quân về Hà Nội. Ông Thông được cử đi học nghiệp vụ tại Liên Xô và Trường Sỹ quan Lục quân, rồi tiếp tục những năm tháng chiến đấu, công tác cho đến năm 1981 về nghỉ với tỷ lệ thương tật 26%, tỷ lệ mất sức lao động 75%.
Rời thôn Dốc Đỏ 2, chúng tôi đến thăm cựu chiến binh Vũ Đình Phôn, ở thôn Km0, xã Bản Vược, huyện Bát Xát. Ông Phôn nhập ngũ năm 1949 khi vừa tròn 19 tuổi. Năm 1952, ông được điều chuyển sang Sư đoàn 312, huấn luyện chiến thuật đánh lô cốt đồng bằng ở Thái Nguyên. Khi đó ông là Tiểu đội trưởng, phụ trách khẩu đại liên do Liên Xô hỗ trợ. Đến cuối năm 1953, đơn vị của ông bắt đầu từ rừng Khe Mo (Thái Nguyên) hành quân vào Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đến đèo Pha Đin, đơn vị ở lại chiến đấu, bắn máy bay tầm thấp để bộ đội và thanh niên xung phong mở đường, đảm bảo giao thông thông suốt cho quân ta hành quân vào chiến trường. “Đơn vị tôi chiến đấu ở đây khoảng 15 ngày. Hằng ngày, máy bay địch liên tục bắn phá đường giao thông và trận địa phòng thủ của ta. Mặc dù chiến đấu ác liệt nhưng chúng tôi luôn vững tâm, quyết làm tròn nhiệm vụ bảo vệ các lực lượng khác mở đường” - ông Phôn chia sẻ. Sau thời gian chiến đấu tại đèo Pha Đin, đến đầu năm 1954, ông Phôn cùng đồng đội trong Sư đoàn 312 tiếp tục hành quân, đóng tại Đồi 75, cách cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp khoảng 10 km, vừa chiến đấu, vừa hỗ trợ đơn vị pháo binh kéo pháo vào trận địa.
Nhớ lại những trận đánh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ 64 năm về trước, ông Phôn kể: Đêm 4/4/1954 là đêm thứ 3 đơn vị tôi đánh Đồn 105 của địch ở phía Bắc sân bay Mường Thanh (hai lần trước không thành công). Trung đội 1 do tôi làm Trung đội trưởng được giao nhiệm vụ đánh trực tiếp “đột phát khẩu”, nhưng khi vừa vượt sông Nậm Rốm để tiếp cận mục tiêu thì địch phát hiện và bắn một loạt đại liên làm bị thương một số đồng chí, tôi cũng bị thương vào mắt và cằm. Băng bó vết thương xong, tôi cùng một đồng đội bò vào sát lô cốt địch, phát hiện lỗ châu mai, tôi lập tức thả lựu đạn vào trong lô cốt. Sau tiếng nổ, đồng đội từ phía sau xung phong, chiến đấu chiếm Đồn 105. Đến gần sáng 5/5, địch phản kích dữ dội để chiếm lại, Tiểu đoàn trưởng hạ lệnh rút quân bảo toàn lực lượng. Trong khi rút lui, địch bắn đại bác theo, tôi bị mảnh đạn bắn vào bả vai trái.
Cựu chiến binh Ngô Khắc Thông với niềm vui đời thường. |
Tiếp dòng ký ức về Chiến dịch Điện Biên năm xưa còn có cựu chiến binh Bùi Văn Chiếm, ở tổ dân phố 41, phường Pom Hán, thành phố Lào Cai. Cơn tai biến cách đây 10 năm làm trí nhớ của người cựu chiến binh ở tuổi 82 giảm sút nhiều. Những dấu mốc thời gian chỉ còn là khoảng mờ mông lung, nhưng niềm tự hào là chiến sỹ Điện Biên thì vẫn nguyên vẹn trong người cựu chiến binh. Sinh ra trên quê hương Kiến Xương, Thái Bình, tháng 2/1953, khi vừa 21 tuổi, người thanh niên tên Bùi Văn Chiếm nhập ngũ và bắt đầu hòa vào cuộc kháng chiến của dân tộc với khát vọng giải phóng quê hương. Khi đến ngã ba Tuần Giáo (Điện Biên), ông Chiếm được điều chuyển sang c3, d2, e776, f316 cùng 2 đồng đội khác phụ trách khẩu trung liên brenlo. Ông kể: Tôi nhớ nhất là 2 trận đánh vào đồi A1. Trận đầu tiên tôi không còn nhớ rõ mốc thời gian, nhưng khi hành quân đến khu vực đóng quân của địch, ngay thời điểm đánh “đột phát khẩu” thì một đồng đội trong tổ trung liên hy sinh, đánh đến lô cốt thì một người nữa ngã xuống. Khẩu trung liên chỉ còn lại mình tôi phụ trách. Đêm đó, chúng tôi chiến đấu quên mình. Chiếm giữ đồi A1 khoảng 3 ngày trong tình trạng đói khát, trước thế phản kích ác liệt của kẻ thù, chúng tôi được lệnh rút lui. Lần thứ 2 đánh đồi A1 chính là sau thời điểm khối bộc phá 1.000 kg thuốc nổ khai hỏa. Lúc đó, chúng tôi ngồi dưới hào “hàm ếch” chờ đợi, súng được bọc vải. Thế rồi, một tiếng nổ rung trời, chúng tôi được lệnh tấn công. Quân ta từ các giao thông hào xung phong, tiến lên như vũ bão, làm chủ đồi A1. Khi chiến thắng, quần áo và cơm nắm mang theo dính đầy bùn đất…
Chiều 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, chấm dứt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 64 năm đã trôi qua, quãng thời gian dài gần bằng một đời người. Những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch năm ấy người còn, người mất. Số còn lại cũng đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, sức khỏe và trí nhớ giảm sút nhiều, song niềm tự hào về một thời từng là chiến sỹ Điện Biên thì vẫn mãi đọng lại trong sâu thẳm cõi lòng họ. Và, mỗi dịp tháng 5 về, ký ức xa xôi, hào hùng lại có dịp sống lại cùng năm tháng.