Đỗ vào lớp 10 mới "ngơ ngác" chọn tổ hợp môn
Tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội hầu như năm nào cũng trở thành cuộc chiến căng thẳng.
Năm nay, khoảng 135.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội tốt nghiệp THCS (tăng 5.000 em so với năm học trước). Trong đó, chỉ 60% vào các trường công lập (tương đương khoảng 81.000 em), còn lại 54.000 em không đỗ sẽ phải học trường tư, GDTX hoặc trường nghề. Cuộc đua vì thế càng "khốc liệt".
Năm ngoái, lứa học sinh 2K7, ngay sau cuộc đua khốc liệt để giành một tấm vé vào THPT công lập, chưa kịp nghỉ ngơi, xả hơi, phụ huynh và các em lại tá hỏa với lựa chọn nhóm môn học theo định hướng nghề nghiệp theo chương trình mới 2018 trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi: 2 ngày. Đến lứa học sinh 2k8, tình hình xem ra vẫn không thay đổi.
“Chọn vội vàng, đăng ký vội vàng, thực ra mình cũng không biết rồi có phù hợp với con không. Và nếu không hợp thì việc đổi thế nào. Thực sự cả phụ huynh và học sinh không có sự chuẩn bị, không có thông tin để nghiên cứu trước. Chính xác hơn thì năm học lớp 9, toàn bộ sức lực, tiền bạc và sự quan tâm chỉ dồn cho kỳ thi tuyển sinh vào 10 đầy áp lực”, một phụ huynh có con lứa 2k8 chia sẻ.
28 năm gắn bó với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục, cô giáo Bùi Thị Phương Nam có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, đặc biệt với khối lớp 9. Mặc dù nỗ lực để định hướng nghề nghiệp, thông tin về cách chọn môn học khi vào lớp 10 với học sinh, nhưng ở vị trí giáo viên chủ nhiệm, cũng từng có con thi tuyển sinh vào 10 năm học vừa rồi, cô Nam thừa nhận thực tế, năng lượng của học sinh và phụ huynh cuối cấp THCS hiện dồn quá nhiều cho kỳ thi đầy áp lực.
“Phải chia sẻ thật năm ngoái tôi cũng là phụ huynh có con thi vào lớp 10. Suốt quá trình này, tôi quan sát bạn bè của con và thấy các cháu cũng như bố mẹ luôn luôn chỉ nghĩ đến việc làm sao thi được con đỗ. Năm nay chủ nhiệm lớp 9 và trước thông tin số lượng học sinh thi vào lớp 10 lại tăng hơn so với năm ngoái tạo áp lực rất lớn. Mặc dù các thầy cô cũng đã chia sẻ việc các con nên phải có định hướng, đi tìm điểm mạnh của con để các con phát huy nhưng thực ra cũng chỉ phần nào thôi trước những lo lắng, áp lực thi cử”, cô Phương Nam chia sẻ.
Nguyên nhân của sự vội vàng khi chọn môn theo định hướng nghề nghiệp ở lớp 10 đều bắt nguồn từ việc cả gia đình và nhà trường đều dồn tâm sức cho kỳ thi vào trường THPT mà thiếu quan tâm đến vấn đề định hướng nghề nghiệp cùng những lựa chọn môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Định hướng nghề nghiệp cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường
Theo thầy Trần Quang Hưng, Hiệu trưởng trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục, dù Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 có những thay đổi căn bản và toàn diện so với chương trình hiện hành nhưng thực ra vẫn là sự tiếp nối, kế thừa. Mục tiêu và định hướng giáo dục đều sẽ được phát triển hài hòa và toàn diện, trong đó không chỉ tập trung dạy kiến thức hoặc ôn luyện thi cử mà còn quan tâm đến phát triển năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Thuận lợi của trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục là trường có cả 3 cấp học, có sự liền mạch, tiếp nối thuận lợi cho ban giám hiệu cùng các thầy cô triển khai các nội dung giáo dục toàn một cách bài bản, toàn diện và có sự kế thừa.
Bởi vậy, cùng với việc dạy kiến thức thì "các hoạt động giáo dục trong nhà trường cũng hết sức đa dạng, luôn luôn gắn liền giữa lý thuyết và thực tiễn, gắn với các yếu tố thực hành, các yếu tố trải nghiệm để học sinh hình thành các năng lực của phát huy phát triển năng lực cá nhân", thầy Hưng cho biết.
Để giúp học sinh có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn sát nhất, trong giai đoạn nước rút, cô giáo Phương Nam một mặt chia sẻ những lo lắng của phụ huynh, mặt khác mong các bố mẹ thực sự quan tâm việc tìm hiểu và có lựa chọn phù hợp với năng lực, phẩm chất của con em mình ở bậc học tiếp theo, hạn chế việc lãng phí tiền bạc và mất đi khoảng thời gian hướng nghiệp quý giá.
Ở góc độ quan sát toàn diện, quản lý 3 cấp học với tiến trình nối tiếp, thầy Trần Quang Hưng phân tích giáo dục không phải một giai đoạn mà cần một lộ trình rất dài nhằm tích lũy kiến thức, hình thành nhân cách để trở thành những con người tốt, công dân tốt cho xã hội.
“Tôi rất mong các em học sinh cùng phụ huynh chúng ta bình tĩnh đặt ra mục tiêu cụ thể từng giai đoạn, tìm hiểu thêm chương trình mới giúp các em có được lựa chọn phù hợp phẩm chất năng lực của mình để có mục tiêu dài hạn hơn, xa hơn”, thầy Hưng phân tích.
Lựa chọn nghề nghiệp - một mình ngành giáo dục không thể giải quyết
Vai trò phân tích, định hướng lựa chọn phù hợp năng lực, sở thích của từng học sinh có thể xem như phần việc quan trọng của thầy cô giáo ở bậc học phổ thông bên cạnh truyền đạt kiến thức. Và khi làm tốt, cùng việc giảm áp lực thi cử, tổ chức phân luồng tốt thì học sinh cuối cấp cùng phụ huynh sẽ bớt đi những bối rối, hoang mang để vững tin cho chặng đường tiếp theo sẽ phù hợp, sẽ giảm đi những thử sai khó có cơ hội làm lại.
PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng, nguyên Phó Cục trưởng Cục nhà giáo, nguyên Giám đốc chương trình ETEP phát triển các trường sư phạm, giảng viên cao cấp Đại học Sư phạm khẳng định giáo viên được đào tạo nắm vững quy định cũng như đủ khả năng thực hiện lồng ghép hoạt động tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh trong hoạt động dạy học và giáo dục.
Giáo viên cũng luôn được hỗ trợ toàn diện để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình theo yêu cầu của vị trí việc làm; không chỉ là giảng dạy mà còn là giáo dục HS - trong đó có việc hỗ trợ, định hướng sự phát triển Đức, Trí, Thể , Mĩ, Hướng nghiệp.
Trước thực tế phụ huynh, học sinh từ 2K7, lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 bậc THPT gặp nhiều bỡ ngỡ, băn khoăn và hầu như chưa được trang bị thông tin cho việc lựa chọn nhóm môn học, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng cho rằng việc cùng lúc triển khai 2 chương trình 2006 và 2018 được sự quan tâm và chỉ đạo rất sát sao của Bộ GD-ĐT.
Tuy nhiên theo bà Hồng cũng cần phải thừa nhận một thực tế, bên cạnh chất lượng giáo dục phổ thông Việt Nam được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao (thông qua kết quả khảo sát PISA và thi Olympic quốc tế các môn học), thì so với bối cảnh nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam và theo số liệu so sánh thì số giờ học kiến thức các môn học, nhất là các môn cốt lõi như Toán, Tiếng Anh, Ngữ văn… và số tiền đầu tư cho việc học của học sinh Việt Nam nhiều hơn so với GDP đầu người.
Trong khi đó người Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức tới việc dành thời gian cho con luyện tập thể thao, kĩ năng sống, hay phát triển hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật. Đây được xem như xu thế chung của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Phương Đông với nền giáo dục “ứng thí”, trọng thi cử, thành tích.
“Bộ GD&ĐT đã có nhiều nghiên cứu và chỉ đạo để giảm các kì thi không cần thiết, tăng cường nội dung thực hành trải nghiệm hay tạo môi trường giáo dục thân thiện, hướng dẫn cha mẹ học sinh không nên dành quá nhiều thời gian, tiền của cho việc con cái học tập chỉ để đáp ứng các kỳ thi và bỏ lỡ những cơ hội rèn luyện sức khỏe, trải nghiệm cuộc sống”, bà Hồng khẳng định.
Để giáo dục mang tính hướng nghiệp tốt, bà Hồng cho rằng có sự vào cuộc không chỉ của giáo viên hay ngành giáo dục mà phải xuất phát từ cha mẹ và có sự đồng hành của chính các em học sinh.
Dù ngành giáo dục có quy chế “dạy thêm, học thêm” chuẩn chỉ, có mong muốn “dạy học phát triển năng lực” hay tăng cường “trải nghiệm” để học sinh có cơ hội “khám phá, kiến tạo, phát triển toàn diện” trong một “trường học hạnh phúc” cũng rất khó để thực hiện nếu như cha mẹ vẫn định hướng cho con tham gia các kỳ thi để lấy thành tích cao hay học để có danh tiếng trong các kỳ thi năng khiếu, kỳ thi quốc tế, hay học để thi vào các lớp chọn, trường chuyên, ngành hot…
Có cầu thì có cung, có nguyện vọng học để thi thì cũng có thầy cô dành thời gian sưu tầm các đề thi, và dùng nó như một ngữ liệu cho việc giảng dạy, nhất là với những môn như: Toán, Văn, tiếng Anh…, bà Hồng nhận định.
Thời gian này, học sinh trên cả nước đang ở giai đoạn bước vào thời điểm cuối năm học, phải đối mặt liên tục với kỳ thi cuối kỳ, cuối cấp, chuyển cấp, nhất là các kỳ thi tuyển sinh vào 10, tốt nghiệp THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Tâm trạng lo lắng của học sinh, cha mẹ, hay giáo viên là có thật. Vấn đề là làm thế nào để các con không bị áp lực, và tự tin vượt qua các kỳ thi.
Từ kinh nghiệm học tập của bản thân và các con, PGS.TS Nguyễn Thúy Hồng luôn theo quan điểm “Học hay thi thì cũng cần phải vui”. Cụ thể học sinh cần có sức khỏe để học, cần thích học và xác định được động cơ học làm gì.
Kết quả học tập tốt theo bà Hồng chính là hệ quả của sự rèn luyện cá nhân khi đã “khổ luyện” với phương pháp học đúng dựa trên nền tảng tự học và có sự dẫn dắt, giúp đỡ của thầy cô, người thân. Nhiều người tài không bộc lộ tài năng qua các cuộc thi hay có điểm số cao trong học tập mà qua thực tế hành động.
Để đồng hành, hỗ trợ các em học sinh học tập tốt, vượt qua các kì thi cuối cấp, chuyển cấp tốt, bà Thúy Hồng cho rằng cha mẹ cần phối hợp với giáo viên phát hiện, đánh giá đúng các năng lực của con em mình và từ đó có phương pháp hỗ trợ phù hợp để các em triển bản thân dựa trên chính quá trình học tập của mình.
Trước áp lực các kỳ thi, ngoài việc chú trọng về dinh dưỡng và chế độ sinh hoạt, tập luyện để con có sức khỏe tâm thần, thể chất tốt, cha mẹ cũng nên quan tâm tới nguyện vọng và hứng thú của con khi chọn lớp, chọn trường, chọn ngành học… phù hợp, và khích lệ, động viên kịp thời để con thoải mái và tự tin vượt “Vũ môn”.