Chính phủ vừa ban hành 4 Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; đào tạo, bồi dưỡng công chức; xử lý kỷ luật cán bộ, công chức; hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025.

Bố trí và xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm
Nghị định số 170/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trong đó nêu rõ việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
1. Người cam kết tình nguyện làm việc từ đủ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
3. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc đối tượng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.
Đáng chú ý, Nghị định số 170/2025/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về bố trí và xếp ngạch công chức theo vị trí việc làm.
Theo đó, người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức chịu trách nhiệm bố trí, phân công công tác, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của công chức, bảo đảm các điều kiện cần thiết để công chức thi hành nhiệm vụ và thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức.
Việc bố trí, phân công công tác cho công chức phải bảo đảm phù hợp giữa quyền hạn và nhiệm vụ được giao với chức danh, chức vụ và vị trí việc làm.
Công chức chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình; công chức giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của công chức thuộc quyền quản lý theo quy định của pháp luật.
Công chức được bố trí công tác ở những vị trí phải thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định, người trúng tuyển vào công chức phải được bố trí vào đúng vị trí việc làm trúng tuyển mà cơ quan tuyển dụng đã thông báo tuyển dụng. Người đứng đầu cơ quan sử dụng có trách nhiệm phân công công việc theo đúng yêu cầu vị trí việc làm tuyển dụng; bồi dưỡng, theo dõi, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của công chức.
Người trúng tuyển công chức thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo yêu cầu của vị trí việc làm; chấp hành các quy định của pháp luật và nội quy, quy chế của cơ quan; tuân thủ các quy định về kỷ luật lao động, đạo đức công vụ và các quy định khác của cơ quan.
Thay đổi vị trí việc làm đối với công chức do được bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc do không được xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc do miễn nhiệm, từ chức, cho thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; công chức chuyên môn, nghiệp vụ được bố trí vào vị trí việc làm xếp ngạch khác với ngạch công chức hiện giữ.
Xem Nghị định số 170/2025/NĐ-CP tại đây
Ưu tiên đào tạo các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số
Tại Nghị định 171/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức, Chính phủ yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng phải căn cứ vào vị trí việc làm gắn với công tác sử dụng, quản lý công chức phù hợp với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị. Thực hiện phân công, phân cấp trong tổ chức bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức. Nâng cao ý thức trách nhiệm của công chức về tự nghiên cứu, tự học tập và lựa chọn chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ.Bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả.
Nghị định cũng quy định rõ yêu cầu về đào tạo sau đại học, theo đó đào tạo sau đại học đối với công chức nhằm nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của cơ quan, đơn vị. Ưu tiên đào tạo các lĩnh vực: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số.
Việc đào tạo sau đại học đối với công chức thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Về điều kiện cử đi đào tạo sau đại học, Nghị định nêu rõ: Công chức có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.
Công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.
Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Công chức được cử đi đào tạo sau đại học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết bởi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định nêu trên còn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
Xem Nghị định số 171/2025/NĐ-CP tại đây

3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật
Nghị định số 172/2025/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức nêu rõ 3 trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 của Chính phủ quy định 4 trường hợp) gồm:
1. Cán bộ, công chức đang trong thời gian điều trị bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức; bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
2. Cán bộ, công chức là nữ giới đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công chức là nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vợ không thể nuôi con vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về tình trạng khẩn cấp) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.
3. Cán bộ, công chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Về các hành vi bị xử lý kỷ luật, Nghị định nêu rõ:
Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định của Đảng liên quan đến hoạt động công vụ; các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; vi phạm đạo đức công vụ, văn hóa giao tiếp ở công sở, giao tiếp với Nhân dân; vi phạm nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Mức độ của hành vi vi phạm được xác định như sau:
Vi phạm gây hậu quả ít nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ tác hại không lớn, tác động trong phạm vi nội bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ngoài phạm vi nội bộ, gây dư luận xấu trong cán bộ, công chức và Nhân dân, làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi tác động đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc trong cán bộ, công chức và Nhân dân, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.
Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với cán bộ gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh; Bãi nhiệm.
Các hình thức kỷ luật áp dụng đối với công chức gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý; Buộc thôi việc.
Xem Nghị định số 172/2025/NĐ-CP tại đây
Bảo đảm mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, chất xám
Về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức, Nghị định số 173/2025/NĐ-CP ngày 30/6/2025 của Chính phủ quy định rõ nguyên tắc thực hiện:
Bảo đảm mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều kinh nghiệm, chất xám nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; hiệu quả, tiết kiệm; phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí.
Việc ký hợp đồng thực hiện linh hoạt theo từng dự án, nhiệm vụ hoặc theo chương trình công tác hằng năm trên cơ sở nguồn nhân lực hiện có và khả năng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không trái với các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ và hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tuân thủ các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Việc ký hợp đồng thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, không phải thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh lãnh đạo quản lý; người ký kết hợp đồng không phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí lãnh đạo, quản lý tương ứng.
Kinh phí thực hiện ký hợp đồng do ngân sách nhà nước bảo đảm, nằm ngoài quỹ lương và ngoài kinh phí khoán chi hành chính của các tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Các công việc được thực hiện thông qua ký hợp đồng gồm:
Công việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý mang tính chất chiến lược, đột xuất, cấp bách, không thường xuyên như: Tổ chức xây dựng chính sách, hoạch định chính sách, chiến lược, chương trình, để án khoa học, kinh tế, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ số, phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số quốc gia, cải cách thể chế; Tổ chức triển khai hoặc giám sát thực hiện các chương trình, đề án thí điểm về công nghệ, chính sách đột phá; mô hình thử nghiệm công nghệ mới, hợp tác công tư trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thể chế; Tổ chức triển khai các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp địa phương về thực thi pháp luật, phát triển hệ thống dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ bán dẫn, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới và các ngành công nghiệp chiến lược khác;…
Công việc thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất đặc thù, chuyên sâu, yêu cầu trình độ cao hoặc mang tính thời vụ, không thường xuyên như: Ứng dụng thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng dữ liệu lớn, hệ thống phân tích dữ liệu, mô hình dự báo, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực quản trị công, kinh tế - xã hội, cải cách hành chính, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phục vụ hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát triển, vận hành, giám sát các nền tảng số quốc gia, hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong các lĩnh vực hành chính, giáo dục, y tế, tài nguyên - môi trường, đô thị thông minh; triển khai nhiệm vụ thuộc đề án, chương trình cải cách thể chế, nâng cao năng lực hoạch định chính sách công, chính sách đổi mới sáng tạo, thử nghiệm chính sách, kiểm thử hệ thống, bảo mật hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước;…
Công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc hỗ trợ phục vụ mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được, nhằm phục vụ nội bộ cho hoạt động cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức quyết định theo yêu cầu thực hiện kế hoạch công tác.
Xem Nghị định số 173/2025/NĐ-CP tại đây