LCĐT - Với những nhân vật tôi gặp trong bài viết này, dân ca đã trở thành nguồn sống, là mạch ngầm nuôi dưỡng tâm hồn họ.
Khúc dân ca có từ trong máu thịt
![]() |
Cụ Chơ - người dành cả đời mình để giữ gìn văn hóa dân tộc. |
Men theo suối nguồn dân ca, tôi ngược lên xã xa nhất của huyện Bát Xát - nơi có những ngôi nhà tường trình quanh năm nép mình trong sương. Ở xứ mưa Y Tý, ai cũng biết ông Ly Seo Chơ, dân tộc Hà Nhì, ở thôn Lao Chải 1, vì năm 2015 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Phần thưởng cao quý này đến với ông thật xứng đáng, bởi ông đã dành cả đời mình để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có những làn điệu dân ca truyền thống.
Dù không hẹn trước, nhưng khi tôi đến nhà và nêu nguyện vọng muốn tìm hiểu về dân ca Hà Nhì, đôi mắt ông Chơ ánh lên niềm hạnh phúc. Vui vẻ gác lại công việc, ông dành thời gian trò chuyện với tôi. Ông bảo, dân ca như máu thịt của mình. Giờ đã ở tuổi gần bát tuần, có lúc nhớ, lúc quên nhiều chuyện, nhưng những làn điệu dân ca thì một từ ông cũng không quên, ngày nào ông cũng hát, không hát sẽ da diết nhớ.
Khác với nhiều người là thường được mẹ truyền cho tình yêu dân ca qua từng lời ru bên nôi, ông Chơ lại “ngấm” dân ca từ bố. Ngay khi còn nhỏ, mỗi lần bố ông ngân nga những làn điệu dân ca Hà Nhì, ông Chơ lại ngồi một chỗ để thưởng thức. Rồi, ông hát theo từng lời, lâu dần, các làn điệu được ông thuộc nằm lòng. Ông chia sẻ: “Cũng như các dân tộc khác, đời sống tinh thần của đồng bào Hà Nhì rất phong phú, vì thế, trong mỗi lĩnh vực đều có những làn điệu dân ca tương ứng. Ví như, dân ca về tình yêu đôi lứa, hát trong ngày lễ, tết, hát đón con dâu, hát trả hiếu cha mẹ, tổ tiên… Tết Nguyên đán đến rồi, để ông hát tặng cháu nghe một đoạn dân ca khuyên người dân chăm chỉ lao động sản xuất để xóa đói, giảm nghèo nhé: Năm cũ đã qua/Đón xuân năm mới/Hạt lúa, hạt ngô, hạt đậu, hạt ớt đã nghỉ qua tết/Giờ thức dậy cùng chúng ta đi làm ăn sản xuất, phát triển kinh tế để cuộc sống ấm no...”.
Câu chuyện của tôi và ông Chơ đang rôm rả xoay quanh mạch nguồn văn hóa dân tộc của đồng bào Hà Nhì, bỗng giọng ông chùng xuống lộ tiếng thở dài. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, ông bảo: “Giờ rất ít thanh niên biết hát dân ca Hà Nhì, có chăng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngoài tôi, chắc chỉ còn ông Chu Thó Xe ở thôn Choản Thèn là còn nhớ nhiều làn điệu dân ca Hà Nhì. Tôi cũng đã bàn với ông Xe, sang năm mới sẽ dành thời gian truyền lại những làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ, mà trước mắt là cho các thành viên của đội văn nghệ trong xã”.
“Nguồn sữa mẹ” thứ hai
![]() |
Vợ chồng ông Vương Đức Thanh - những người tâm huyết với dân ca La Chí. |
“Cũng không nhớ rõ tôi biết hát dân ca từ khi nào, chỉ biết rằng lúc còn rất nhỏ, mỗi lần nghe mẹ hát dân ca, dù đang làm gì, tôi cũng bỏ hết và ngồi lặng nghe từng ca từ ngọt ngào như dòng sữa mẹ ấy. Với tôi, dân ca La Chí như cơm ăn, nước uống, áo mặc hằng ngày”. Đó là tâm sự của ông Vương Đức Thanh, dân tộc La Chí, ở thôn Nậm Khánh, xã Nậm Khánh (Bắc Hà).
Tuyến đường cấp phối lởm chởm đá dẫn lên thôn Nậm Khánh quả là trở ngại lớn đối với tay lái của tôi. Gửi lại xe máy ở trung tâm xã, tôi cuốc bộ 4 cây số đường đồi để đến gặp ông Thanh - một trong ba người của xã Nậm Khánh còn biết hát dân ca La Chí. Đến đầu ngõ, tôi đã nghe thấy tiếng ông Thanh đang say sưa hát bằng tiếng La Chí. Vì đã hẹn trước, nên ông Thanh nhận ra tôi ngay, ông bảo đang luyện hát dân ca để cuối tuần ra chợ đêm Bắc Hà biểu diễn phục vụ người dân và du khách. “Từ ngày huyện Bắc Hà triển khai mô hình chợ đêm, tôi có dịp được giới thiệu những làn điệu dân ca truyền thống của người La Chí đến bạn bè trong và ngoài nước. Đây cũng là cách để tôi truyền cảm hứng về dân ca cho giới trẻ La Chí, từ đó giúp các cháu thêm yêu và có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”- ông Thanh chia sẻ.
Bên ánh lửa bập bùng, ông Thanh vui vẻ giới thiệu cho tôi nghe về dân ca La Chí. “Cuộc sống ngày càng phát triển, để phù hợp với thực tiễn, ca từ của các làn điệu dân ca La Chí cũng có nhiều thay đổi. Ví như xưa, người La Chí chúng tôi hát là: Bà con La Chí vào rừng tìm củ sắn, củ mài về nuôi con/Từ khi có Bác Hồ đến dạy bà con cách gieo mạ để cấy/Có lúa để ăn, bà con cảm ơn Bác Hồ… Nay chúng tôi hát: Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm đồng bào La Chí/Các cháu được đi học, hộ nghèo được Chính phủ cho tiền nuôi các con đi học/Chính phủ rất quan tâm đến bà con/Giúp bà con làm đường đến thôn/Bà con cảm ơn Đảng và Nhà nước…”.
Điều khiến tôi ấn tượng về người đàn ông này là ông có rất nhiều giấy khen, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động trình diễn dân ca La Chí được treo trang trọng ngay chính gian giữa của ngôi nhà. Đưa tay sửa lại những thanh củi đang cháy đỏ rực, ông bảo: “Tình yêu tôi dành cho dân ca của dân tộc mình như ngọn lửa đỏ này, vậy mà giờ phải đứng nhìn “nguồn sữa mẹ thứ hai” sắp thất truyền. Cả xã có hơn 40 hộ đồng bào La Chí, chỉ còn tôi và 2 người khác biết hát dân ca, nhưng họ đã già nên quên lời nhiều lắm. Thanh niên bây giờ thích hát nhạc hiện đại, một phần do cách sống thay đổi, phần khác do dân ca La Chí rất khó học, khó hát. Sắp tới, tôi sẽ gác lại hết mọi việc để dành thời gian dạy hát dân ca cho thanh niên trong xã, dự định này của tôi được lãnh đạo xã Nậm Khánh rất ủng hộ. Tôi lớn lên cùng suối nguồn dân ca, vì thế phải có trách nhiệm giữ gìn văn hóa truyền thống cho con cháu La Chí sau này”- ông Thanh quả quyết.
Dịu dàng hơn trong mỗi điệu Then
![]() |
Chị Hởi (trái ảnh) hướng dẫn thành viên Câu lạc bộ văn nghệ bản sắc xã Tả Phời sử dụng đàn Tính. |
Những ngày cuối năm, dù công việc của xã rất bận, nhưng chị Vi Thị Hởi, Chủ tịch UBND xã Tả Phời, Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ bản sắc xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) vẫn dành thời gian cùng các thành viên tập hát, múa Then để chuẩn bị biểu diễn vào dịp lễ hội Xuống đồng.
Trong bộ trang phục truyền thống dân tộc Tày, chị Hởi say sưa cùng các thành viên luyện tập bài then “Lên quê em Tả Phời”. Theo nhịp rộn ràng của những nốt nhạc phát ra từ chiếc đàn tính, từng ca từ như họa nên bức tranh nông thôn Tả Phời đổi mới. Tạm giải lao, chị Hởi dành thời gian tâm sự với tôi về nghệ thuật hát Then truyền thống của dân tộc mình. Qua tâm sự của chị, tôi phần nào hiểu về cung quãng, lối hát, ngữ văn và các giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội được gửi gắm trong mỗi làn điệu Then. Các giai điệu Then tuy không nhiều, nhưng sự hấp dẫn nằm ở chính những ca từ. Xưa các nghệ nhân hát Then có 35 chương đoạn khác nhau, nhưng hiện nay, lời Then đã được cải biên nhiều cho dễ hát, dễ nhớ, ngắn hơn để phù hợp với thực tiễn. Nghe chị Hởi giới thiệu về “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống của đồng bào Tày, tôi hiểu tình yêu bao la chị dành cho văn hóa truyền thống dân tộc mình.
Không trả lời trực tiếp câu hỏi của tôi về cơ duyên đưa đến quyết định thành lập Câu lạc bộ văn nghệ bản sắc của xã, chị Hởi nói: “Để chị hát cho em nghe mấy câu này nhé!”. Nói rồi, chị cất giọng hát cho tôi nghe những ca từ ngọt ngào trong bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”: “…Trước lúc đi xa lời di chúc đơn sơ/Bác muốn non sông đinh ninh lời dặn dò/Rằng đã yêu Tổ quốc mình/Càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca…”. Trước lúc chia tay, chị Hởi không quên mời tôi ghé lại Tả Phời vào ngày Thìn tháng Giêng để tham gia Lễ hội Xuống đồng với bà con trong xã.
Trên đường về, trong tôi vẫn vang mãi những ca từ của bài Then “Lên quê em Tả Phời” và “Làng em vào mùa” cùng lời tâm sự của nữ Chủ tịch UBND xã Vi Thị Hởi: Ngày bé, mẹ tôi vẫn dạy: Dân ca là sự đúc kết tinh hoa của cả dân tộc, học dân ca tức là học cách làm người. Giờ đây, ở cương vị Chủ tịch UBND xã, tôi thấy điều mẹ dạy ngày nào thật đúng. Mỗi làn điệu dân ca là một kinh nghiệm sống, giúp tôi biết cách ứng xử hài hòa với người dân. Nhờ dân ca, tôi thấy mình dịu dàng, sâu sắc hơn.