<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="/images/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
Biểu tượng TikTok.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ dự luật cấm TikTok

Tại Washington dẫn lời Điều phối viên về truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby ngày 16-3 xác nhận chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục ủng hộ dự luật giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia đối với TikTok - ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

Trả lời họp báo trực tuyến, ông Kirby tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với dự luật, được gọi là Đạo luật Hạn chế, theo đó sẽ trao cho Tổng thống Biden quyền hạn mới để giải quyết các mối đe dọa từ công nghệ nước ngoài và có thể cho phép chính quyền cấm ứng dụng chia sẻ video TikTok.

Nhiều nước châu Âu thông báo cấm cài đặt ứng dụng TikTok

Cũng trong ngày 16-3, Anh thông báo cấm cài đặt ứng dụng chia sẻ video TikTok - vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Trung tâm An ninh mạng của Anh (NCSC) tiến hành đánh giá. Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Văn phòng Nội các, ông Oliver Dowden cho biết các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ sẽ chỉ được cài đặt ứng dụng của bên thứ ba trong một danh sách đã được cấp phép trước. Ông nói thêm: “Chúng tôi cũng sẽ cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị của cơ quan nhà nước và chính phủ, và quyết định có hiệu lực ngay lập tức”.

Theo quan chức trên, quyết định cấm không áp dụng với các thiết bị cá nhân và sẽ có một số ngoại lệ đối với các trường hợp TikTok cần được dùng trên các thiết bị của chính phủ.

Tại châu Đại Dương, New Zealand tuyên bố sẽ cấm cài TikTok trên các thiết bị có quyền truy cập vào mạng của Quốc hội nước này từ ngày 31-3 tới do những lo ngại về an ninh mạng. Như vậy, New Zealand trở thành quốc gia mới nhất "cấm cửa" ứng dụng chia sẻ video này trên các thiết bị liên quan đến chính quyền. 

Giám đốc điều hành Dịch vụ Nghị viện New Zealand, ông Rafael Gonzalez-Montero, cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi tham vấn các chuyên gia an ninh mạng cũng như sau các cuộc thảo luận trong nội bộ chính phủ và với các quốc gia khác. 

Ông Gonzalez-Montero nêu rõ qua quá trình thảo luận và tham vấn, Dịch vụ Nghị viện xác định rằng những rủi ro (tiềm ẩn từ việc sử dụng TikTok) là "không thể chấp nhận được" trong môi trường Quốc hội New Zealand hiện nay. Theo ông, sẽ có các biện pháp hỗ trợ đặc biệt đối với những người sử dụng ứng dụng này để thực hiện công việc của họ.

Sau quyết định tương tự của nhiều nước châu Âu khác, Chính phủ Hà Lan ngày 21-3 thông báo những người làm việc trong các cơ quan chính phủ sẽ không được phép cài ứng dụng TikTok trên điện thoại làm việc của họ. 

Bộ Nội vụ Hà Lan cũng cho biết bộ này khuyến cáo nhân viên chính phủ không cài vào điện thoại làm việc tất cả các ứng dụng đến từ "những nước có chương trình mạng nhắm vào Hà Lan hoặc lợi ích của nước này". Tháng 2 vừa qua, cơ quan tình báo Hà Lan đã liệt kê một số nước có chương trình mạng gây ra nguy cơ gián điệp. 

Mới đây nhất, Bỉ quyết định cấm nhân viên chính phủ liên bang cài đặt ứng dụng TikTok trên các máy tính và điện thoại công vụ của họ.

Tại Rome, cũng trong ngày 21-3, Cơ quan chống độc quyền của Italy thông báo đã mở một cuộc điều tra ứng dụng TikTok vì nền tảng này được cho là vi phạm các quy tắc khi cho phép đăng tải “nội dung nguy hiểm” như kích động tự tử, tự làm hại bản thân và theo chế độ ăn kém dinh dưỡng.

Nhà chức trách Italy cho rằng trên nền tảng này có rất nhiều video quay cảnh những người trẻ tuổi thực hiện hành vi tự làm hại bản thân. Theo cơ quan giám sát, TikTok "thiếu các hệ thống phù hợp để giám sát nội dung do bên thứ ba xuất bản" và vi phạm các nguyên tắc của chính TikTok về việc xóa nội dung nguy hiểm.

Cơ quan chống độc quyền cũng điều tra việc khai thác các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo có khả năng "gây ra tình trạng quá mức" đối với người dùng của TikTok. Theo cơ quan này, cuộc điều tra liên quan đến chi nhánh Ireland của TikTok, chịu trách nhiệm về quan hệ khách hàng châu Âu, cũng như các chi nhánh tại Anh và Italy.

Tờ Sky News ngày 17-3 cho biết ứng dụng TikTok sẽ bị xóa khỏi điện thoại và các thiết bị của cơ quan lập pháp Scotland (Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland) trong bối cảnh lo ngại về bảo mật thông tin.

Sky News trích dẫn một thư điện tử cho biết các Nghị sĩ và nhân viên trong cơ quan lập pháp Scotland đã được khuyến cáo “mạnh mẽ” về việc xóa TikTok, kể cả trong các thiết bị cá nhân được sử dụng để truy cập các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan lập pháp Scotland.

Những quyết định đối với TikTok của Scotland và New Zealand được đưa ra sau khi Anh ngày 16-3 thông báo cấm cài đặt TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và Chính phủ. Quyết định này có hiệu lực ngay lập tức. Phản ứng trước động thái của Anh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh ra tuyên bố phê phán quyết định của London là “can thiệp vào hoạt động bình thường của các công ty có liên quan ở Anh và cuối cùng sẽ chỉ làm tổn hại đến lợi ích của chính Vương quốc Anh”.

Hiện TikTok hiện thu hút hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới, trong đó có 150 triệu người dùng trên khắp châu Âu và khoảng 100 triệu người dùng tại Mỹ. Tuy nhiên, giới chức nhiều quốc gia lo ngại nguy cơ rò rỉ dữ liệu khi sử dụng ứng dụng này.