Các tỉnh trong khu vực Tây Bắc hiện có hàng chục nghìn ha ruộng bậc thang. Trong đó huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) có gần 2.200 ha, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) có gần 765 ha và Sa Pa (Lào Cai) gần 1.000 ha được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia. Đây là tiềm năng lớn để các tỉnh liên kết, phát triển du lịch.
Tại Hội thảo “Phát huy giá trị di sản văn hóa danh lam, thắng cảnh ruộng bậc thang các tỉnh vùng Tây Bắc trong liên kết phát triển du lịch” gắn với công bố sản phẩm du lịch Tây Bắc mở rộng năm 2023 được tổ chức tại Hà Giang vào tháng 9/2023, ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: “Trong xu thế phát triển du lịch sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của du khách đã có nhiều dịch chuyển, hướng đến các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, các sản phẩm đa trải nghiệm và chữa lành, hòa mình với thiên nhiên. Đây là cơ hội để các tỉnh vùng Tây Bắc đổi mới sản phẩm, thu hút du khách. Các địa phương cần tạo ra cơ chế thống nhất trong phối hợp, xây dựng, hình thành những sản phẩm liên vùng có chất lượng, trọng tâm là ruộng bậc thang”.
Nhóm hợp tác đã thảo luận, thống nhất và công bố, giới thiệu sản phẩm du lịch “Hành trình kết nối vùng di sản ruộng bậc thang quốc gia Tây Bắc”, kết nối Hà Nội - Phú Thọ - Nghĩa Lộ, Mù Cang Chải (Yên Bái) - Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ (Lai Châu) - Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai) - Xín Mần, Hoàng Su Phì (Hà Giang). Sản phẩm du lịch liên kết giữa các tỉnh đã được nhiều doanh nghiệp lữ hành tại khu vực và cả nước quan tâm xây dựng tour, giới thiệu đến du khách và trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá Tây Bắc.
Các tỉnh trong nhóm hợp tác còn được biết đến là địa phương có nhiều đỉnh núi cao, phù hợp để phát triển du lịch trải nghiệm, leo núi như: Fansipan, Ky Quan San, Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn (Lào Cai); Tà Chì Nhù, Pú Luông, Lùng Cúng, Tà Xùa (Yên Bái); Pu Ta Leng, Tả Liên Sơn, Bạch Mộc Lương Tử (Lai Châu)... Đầu năm 2023, lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Lai Châu đã khảo sát và trao đổi về tuyến du lịch kết nối 2 tỉnh trên đỉnh Ky Quan San. Đây là đỉnh núi nằm giữa ranh giới tự nhiên của 2 xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) và Sàng Ma Sáo (Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Vì thế, hành trình chinh phục Ky Quan San có thể bắt đầu từ Lào Cai hoặc Lai Châu tùy sở thích của du khách. Hoạt động mở ra cơ hội hợp tác du lịch giữa 2 tỉnh và hình thành tuyến du lịch mới.
Nếu tỉnh Lào Cai và Lai Châu tăng cường kết nối tuyến du lịch này với các tour, tuyến du lịch khác trên địa bàn hai tỉnh sẽ tạo thêm nhiều lựa chọn cho du khách khi đến hai địa phương, từ đó khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch của mỗi tỉnh, tăng thu nhập cho người dân.
Thời gian qua, vẻ đẹp, sức hấp dẫn của hành trình leo núi chinh phục đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (Ky Quan San) đã được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến, tạo hiệu ứng lan tỏa thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp khai thác và trải nghiệm.
Bên cạnh việc liên kết hình thành các sản phẩm du lịch trên, nhóm hợp tác đã khai thác và phát huy hiệu quả các chương trình du lịch mới, các sản phẩm du lịch mang tính khả thi gắn kết các địa phương trong nhóm hợp tác, như tuyến du lịch đường thủy trên sông Đà: Hòa Bình - Sơn La - Lai Châu - Điện Biên; gắn kết sản phẩm trải nghiệm đường đá cổ Pavie trên tuyến du lịch nối Sàng Ma Sáo (Bát Xát, tỉnh Lào Cai) với Sin Suối Hồ (Phong Thổ, tỉnh Lai Châu); khai thác hiệu quả Khu du lịch đèo Ô Quý Hồ, Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Ngoài ra, nhóm hợp tác còn đưa vào khai thác và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thêm một số sản phẩm du lịch mới trên tuyến “Vòng cung Tây Bắc” như: “Câu chuyện người dệt thổ cẩm giữa đất trời Tây Bắc”, “Hùng vĩ Tây Bắc”, “Ngược dòng sông Đà về miền ký ức”… tạo sức hấp dẫn và sự lựa chọn cho nhiều du khách và doanh nghiệp lữ hành. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác đã chủ động xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng không chỉ đối với các địa phương trong nhóm hợp tác.
Đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù và tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên thế mạnh, sự khác biệt, khả năng cạnh tranh trên thị trường. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác sản phẩm tour du lịch liên kết các tỉnh, đến nay, các tỉnh/thành phố trong nhóm hợp tác đã truyền thông, giới thiệu, quảng bá đến du khách và các doanh nghiệp lữ hành 3 miền: Bắc - Trung - Nam về tour du lịch liên kết giữa các địa phương và từng bước đưa vào khai thác hiệu quả các tour du lịch kết nối.
Với những nỗ lực của các địa phương trong việc liên kết hợp tác phát triển du lịch, năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến các tỉnh trong nhóm hợp tác đạt gần 70 triệu lượt khách, tăng 27,5% so với năm 2022. Tổng thu từ du lịch trong nhóm hợp tác đạt trên 205 nghìn tỷ đồng, đạt gần 103% so với kế hoạch năm.
Có thể nói, thời gian qua, việc hợp tác, liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh thành viên đã vận dụng sáng tạo theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương để tạo ra những sản phẩm du lịch liên kết, có sức hấp dẫn, góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của du khách, thúc đẩy sự hồi phục của du lịch các địa phương.
* Bài viết có sử dụng ảnh minh họa đăng trên các Báo Đảng địa phương trong nhóm hợp tác.