Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét năm 2024 có chủ đề “Hướng đến chấm dứt bệnh sốt rét tại Việt Nam” nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét.
Từ năm 1991 - 2000, tỉnh Lào Cai ở giai đoạn phòng, chống sốt rét tích cực. Nhiều xã, huyện nằm trong vùng sốt rét lưu hành. Đến năm 2000, Lào Cai đã cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống sốt rét. Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa xây dựng được yếu tố bền vững, còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn về dịch tễ. Vì vậy, từ năm 2001 - 2010, số bệnh nhân sốt rét vẫn tăng.
Đến năm 2011, tỉnh Lào Cai thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống và loại trừ sốt rét. Sau 10 năm triển khai thực hiện (2011 - 2020), công tác phòng, chống sốt rét của tỉnh đạt được thành tựu quan trọng. Bệnh sốt rét được đẩy lùi qua từng năm, nhiều năm không có ký sinh trùng sốt rét nội địa, không còn xã nằm trong vùng sốt rét lưu hành. Năm 2020, Lào Cai đã thực hiện xong loại trừ bệnh sốt rét trên phạm vi toàn tỉnh đúng theo lộ trình của Bộ Y tế quy định và được Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cấp giấy chứng nhận loại trừ bệnh sốt rét. Đến năm 2023, tỷ lệ mắc ký sinh trùng sốt rét trên địa bàn tỉnh còn dưới 0,016/1.000 dân, không có dịch sốt rét xảy ra.
Để đạt kết quả trên, trong những năm qua, ngành y tế tỉnh đã không ngừng nỗ lực với mục tiêu tiếp tục củng cố các yếu tố bền vững, duy trì kết quả loại trừ sốt rét. Theo đó, công tác phòng, chống véc-tơ cho người di biến động như người ngủ rừng, qua lại biên giới, người di cư luôn đảm bảo. Trong các giai đoạn đã duy trì hoạt động điều tra, giám sát phát hiện ca bệnh; các trường hợp nghi ngờ sốt rét được xét nghiệm chẩn đoán bằng test nhanh hoặc kính hiển vi; phối hợp tốt công tác giữa hệ điều trị và dự phòng...
Bác sỹ Lê Hà Bắc, Trưởng Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Mặc dù tỉnh đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét nhưng ngành y tế tỉnh vẫn luôn chú trọng và không chủ quan trước dịch bệnh. Việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh là mục tiêu chính của tỉnh Lào Cai trong giai đoạn tới.
Sự chủ động ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi Lào Cai có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khiến bệnh sốt rét có thể trở lại bất cứ lúc nào và lan truyền trong cộng đồng. Theo phân tích, Lào Cai là tỉnh miền núi có thời tiết, khí hậu và môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của các loài muỗi, đặc biệt là muỗi truyền bệnh sốt rét. Cùng với đó, Lào Cai giáp ranh với các tỉnh vẫn còn bệnh sốt rét lưu hành như Lai Châu, Hà Giang (Việt Nam), Vân Nam (Trung Quốc) nên sự di biến động dân cư, giao lưu qua biên giới, giữa các vùng miền, đặc biệt là những người đi làm theo thời vụ đến vùng sốt rét lưu hành còn khó kiểm soát. Ngoài ra, một số người dân, đặc biệt là đồng bào vùng cao không nằm màn khi ngủ lại tại nương, rẫy; công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà ở còn chưa tốt, người dân còn chủ quan trong phòng, chống bệnh...
Từ những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ làm cho bệnh sốt rét quay trở lại, ngành y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, tỉnh phấn đấu đảm bảo không có ký sinh trùng sốt rét nội địa; 100% người nghi ngờ mắc sốt rét được lấy máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét; 100% trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai được phát hiện, báo cáo, điều tra, quản lý và điều trị kịp thời, đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm sốt rét, điều trị kịp thời, hiệu quả, an toàn; nâng cao diện bao phủ các biện pháp phòng, chống sốt rét phù hợp cho người dân có nguy cơ mắc sốt rét; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát dịch tễ bệnh sốt rét và đảm bảo năng lực xử lý dịch sốt rét; nâng cao kiến thức và hành vi của người dân trong các hoạt động ngăn ngừa sốt rét xâm nhập...
Lào Cai đang trong giai đoạn đề phòng nguy cơ sốt rét quay trở lại. Do vậy, ngành y tế đã và đang tiếp tục duy trì các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân; chủ động các phương án phòng dịch như phun thuốc muỗi, tẩm màn, phát quang cống rãnh…