Để đào tạo lao động có tay nghề cao, tỉnh Lào Cai sẽ tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng số cho người dân; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; chuyển đổi số trong tất cả các khâu, quá trình đào tạo góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số khu vực nông thôn.
Thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số. Hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, quảng bá tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh, sản phẩm đạt chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm được ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc tiêu thụ trên các hệ thống thông tin chuyên ngành và đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử. Phát triển các mô hình sinh kế bền vững, chú trọng đào tạo, đào tạo lại, chuyển đổi nghề và hỗ trợ công nghệ, tiếp cận các nguồn vốn cho người dân ở những vùng chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu theo Chương trình hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục chuyển đổi số trong quản lý lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm; tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu về lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cung cấp, phổ biến thông tin thị trường lao động đến người lao động qua nhiều hình thức thực hiện như qua các cơ quan thông tin tuyên truyền, qua hệ thống loa truyền thanh thôn bản; triển khai các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh để người lao động được tiếp nhận thông tin thị trường lao động đầy đủ, kịp thời, chính xác.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 9/2024, 197/205 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử (đạt 96%); số lượng người dân được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản là 90.155 người (đạt 11,5%).