Chương trình nghệ thuật “Về Kinh Bắc”.
Nắm bắt thị hiếu
Trong sự phát triển của đời sống xã hội, vị thế của âm nhạc cổ truyền đang dần bị lung lay bởi sự “nhập khẩu” của các loại hình giải trí hiện đại. Hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc truyền thống như hát Xoan, hát Xẩm, Quan họ... đang trở nên xa lạ ngay chính trên mảnh đất sản sinh ra nó. Không ít bạn trẻ cảm thấy lạ lẫm khi nghe một điệu hát Xẩm, hay không đủ kiên nhẫn để thưởng thức trọn vẹn một bài quan họ…
Thậm chí, không ít nghệ sĩ quá đề cao giá trị âm nhạc của thế giới, mải mê với các trào lưu đang thịnh hành ở các nước mà chưa coi trọng đúng mức các giá trị văn hóa cũng như âm nhạc truyền thống của dân tộc.
Chia sẻ về vấn đề này, ca sĩ Hà Myo cho biết, âm nhạc dân gian, nhất là âm nhạc di sản thường có chiều sâu và đòi hỏi người hát phải có sự yêu thích, đam mê mới có thể ngẫm được, hiểu được. Hiện nay các bạn trẻ không còn dành nhiều thời gian để nghe âm nhạc dân gian bởi một phần thực tế âm nhạc phản ánh thời đại. Đơn cử như hát Xẩm được mọi người yêu thích bởi những năm tháng khó khăn, người nghệ sĩ dùng lời hát để kiếm sống, để nói thay nỗi lòng. Hiện đất nước đã phát triển, nhiều người cho rằng hát xẩm không còn phù hợp.
“Do đó, tôi nghĩ cần có thêm các cách thức khác để mang âm nhạc cổ truyền đến với khán giả cho phù hợp. Việc kết hợp âm nhạc hiện đại với âm nhạc cổ truyền sẽ mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, làm thế nào để đổi mới nhưng không mất đi bản sắc văn hóa” - ca sĩ Hà Myo bày tỏ.
Thời gian qua nhiều nghệ nhân đã có những hành động thiết thực nhằm lưu giữ, lan tỏa cũng như gìn giữ di sản văn hóa của cha ông. Nhiều nhà nghiên cứu cũng không quản ngại đầu tư thời gian, công sức, thậm chí bỏ tiền túi đi sưu tầm, ghi chép những làn điệu, bài bản cổ đang có nguy cơ mai một; nhiều nghệ nhân trẻ tài năng được đào tạo và tham gia biểu diễn thổi một luồng gió mới vào âm nhạc truyền thống, giúp cho các sản phẩm âm nhạc này đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Đơn cử như, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long với dự án Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan gồm 1 clip trò chuyện “Về đất Tổ nghe Xoan và 16 bài Xoan”. Trước đó, nhạc sĩ này cũng ra mắt dự án “Ngâm Kiều toàn truyện” giới thiệu toàn bộ 3.254 câu trong Truyện Kiều hoàn toàn theo đúng lối ngâm Kiều truyền thống. Hay nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền sau 9 năm miệt mài tìm hiểu về nghệ thuật Ca trù vừa giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Ả đào - Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”.
Tiếp sức cho âm nhạc cổ truyền
Bên cạnh những nghiên cứu, để công chúng được “mắt thấy, tai nghe”, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ đã mạnh dạn sử dụng những làn điệu dân ca làm nền tảng cho sáng tác, kết hợp với hòa âm phối khí hiện đại để tạo nên những bản phối mới mẻ, cuốn hút. Hay như việc kết hợp âm nhạc dân gian với các thể loại nhạc hiện đại như Pop, Rock, R&B... để tạo nên những sản phẩm độc đáo, bắt tai…
Có thể kể đến “Thị Mầu” của Hòa Minzy và Masew; “Để Mỵ nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh; Hà Myo với “Xẩm Hà Nội”...; NSƯT Tân Nhàn với MV Xẩm “Công cha nghĩa mẹ sinh thành”…
Mới đây, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cũng tổ chức chương trình nghệ thuật “Về Kinh Bắc” mang đậm màu sắc âm nhạc dân gian đồng bằng Bắc Bộ theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam ra nước ngoài đã được tổ chức. Điển hình là những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật Việt Nam tại các liên hoan âm nhạc hoặc sự kiện văn hóa lớn. Âm nhạc cổ truyền Việt Nam cũng được giới thiệu thông qua các kênh truyền thông thế giới như đài phát thanh, truyền hình, các trang web âm nhạc trực tuyến…
Theo ông Nguyễn Quang Long, việc đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đương đại là rất đáng quý, cần khuyến khích. Vẫn là không gian, văn hóa, âm nhạc, câu hát quen thuộc, nhưng đã mang âm hưởng trẻ trung, tươi mới. Việc làm mới này đã mang đến giá trị của thời đại, từ đó góp phần quảng bá giá trị di sản, văn hóa các vùng miền, kích cầu du lịch phát triển.
Có thể nói, dù chịu nhiều ảnh hưởng, chi phối nhưng nếu có sự đồng lòng, chung sức, âm nhạc cổ truyền sẽ mãi trường tồn trước mọi biến đổi của cuộc sống. Bởi chính nhờ những sản phẩm âm nhạc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ các nghệ sĩ trẻ đã truyền cảm hứng rất lớn đến công chúng.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền, nếu như Chèo, Quan họ là cấu trúc ca khúc dân gian; Tài tử, Cải lương, Tuồng, nhạc Cung đình Huế là cấu trúc lòng bản; hát Văn là cấu trúc làn điệu thì Ả đào tôi gọi là cấu trúc lắp ghép. Thực sự đây là một cuộc chơi âm thanh đỉnh cao của cổ nhân… Chúng ta đang cố gắng xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa. Vậy hãy cùng ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào.