Gia đình chị Phàn Lở Mẩy là một trong những hộ đầu tiên ở xã Trịnh Tường làm chủ phương pháp nhân giống chuối bằng nuôi cấy mô.
Chị Mẩy cho biết: Trước đây, hai vợ chồng sang bên kia biên giới làm thuê, sau đó học được kỹ thuật trồng chuối của nước bạn nên mua giống về trồng ở dải thôn biên giới Tân Tiến, xã Trịnh Tường.
Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, việc xuất khẩu khó khăn, nguồn chuối mô giống cũng khó mua nên vợ chồng chị đã tự học cách tạo giống.
Chị Mẩy chia sẻ: Do tham khảo kỹ thuật qua gọi điện thoại, trong khi đó có nhiều khâu rất khó nên gia đình phải làm đi làm lại nhiều lần mới thành công.
Hiện mỗi năm gia đình xuất bán hơn 10 vạn cây giống, thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng.
Nhân giống chuối bằng phương pháp nuôi cấy mô là phương pháp tổng hợp các kỹ thuật được sử dụng để nuôi cấy và duy trì mô tế bào trong điều kiện vô trùng.
Việc trồng chuối cấy mô có nhiều ưu điểm so với trồng chuối bằng chồi con, như giá rẻ, dễ vận chuyển, độ đồng đều cao, sạch bệnh, có sức sống mạnh, năng suất cao hơn 30% so với phương pháp làm giống truyền thống.
Cùng với gia đình chị Mẩy, một số hộ ở thôn Tân Tiến cũng học hỏi và thành công với mô hình này.
Ông Phạm Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: Có những nông dân chưa học hết phổ thông nhưng đã làm chủ được kỹ thuật rất khó này. Điều này cho thấy sự ham học hỏi và nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế của bà con.
Nhờ chủ động được nguồn chuối giống, diện tích trồng chuối trên địa bàn xã Trịnh Tường được duy trì ổn định.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 ha chuối, trồng chủ yếu tại huyện Mường Khương và huyện Bát Xát; mỗi năm nông dân thu hàng trăm tỷ đồng từ thu hoạch chuối.
Theo Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai, chuối vẫn là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và được định hướng phát triển gắn với chế biến để xuất khẩu.