Kỳ pic-nic của nhà nông

LCĐT - Với những nông dân quanh năm “chân lấm, tay bùn”, đi du lịch có lẽ là một khái niệm xa xỉ thật sự. Bởi làm nông đâu có được nghỉ lễ để “bứt” mình rời khỏi công việc ruộng nương, đồng áng. Ấy vậy mà những năm gần đây, nông dân trong tỉnh rộ lên trào lưu dã ngoại, tận hưởng những kỳ pic-nic theo cách riêng của họ.

Các giáo viên thường đi du lịch dịp nghỉ hè, công chức, viên chức, người lao động trong các doanh nghiệp thường đi du lịch vào những ngày nghỉ lễ dài hoặc kỳ nghỉ phép. Vậy còn nông dân, những người phải “trông trời, trông đất, trông mây/trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm” thì quả thực khó để bố trí lấy một kỳ nghỉ. Cây cối, vật nuôi luôn là sợi dây vô hình níu họ lại với công việc nhà nông, nên chẳng lúc nào ngơi tay.

“Nếu cứ như vậy không lẽ cả đời này chẳng đi được đâu” - nghĩ vậy nên chị Vàng Thị Hương, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình (Mường Khương) rủ “hội chị em bạn dì” của mình lên kế hoạch đi du lịch. Điểm du lịch mà nhóm chị Hương chọn ở ngay xã bên, cách nhà hơn 10 cây số. Người dân Mường Khương tổ chức chuyến dã ngoại ven sông Chảy.

Kỳ pic-nic của nhà nông ảnh 1
Người dân Mường Khương tổ chức chuyến dã ngoại ven sông.

“Đi đâu đó không phải nơi mình đang sống, không phải đi làm việc thì nghĩa là đi du lịch rồi còn gì nữa. Mà gọi là gì cũng được, cũng chỉ là cách nói khác của việc nghỉ ngơi thôi mà” - chị Hương cười tươi, dí dỏm lý giải.

Vì địa điểm không quá xa, chuyến đi cũng chỉ trong ngày, nên công cuộc chuẩn bị cũng không quá cầu kỳ. 5 cặp đôi của 5 gia đình trong nhóm quyết định đi pic-nic sau khi kết thúc vụ gặt, thóc phơi khô đổ đầy bao và xếp trong nhà rồi, nên yên tâm khi đi. Trước khi đi, cả nhóm đã phân công mỗi nhà chuẩn bị một loại đồ ăn, thức uống như gà, thịt lợn..; có nhà mua bia, nước ngọt để giải khát và có nhà được phân công mang cả ô lớn và bạt để cắm trại che nắng che mưa. Sáng hôm đi du lịch, chị Hương đi chợ mua thêm vài món đồ cần thiết rồi cả nhóm khởi hành.

Chẳng cần kế hoạch chi tiết, không cầu kỳ chuẩn bị dài ngày, vỏn vẹn có mấy hôm là “cuộc đi chơi” đã được định đoạt mà chẳng cần bàn tính quá lâu. Cứ thế 10 người trên 5 chiếc xe máy khởi hành đến địa điểm định trước. Địa điểm được chọn ở cạnh một thác nước thuộc địa phận thị trấn Mường Khương. Đến nơi, người thì kiếm những thân cây leo để căng bạt làm mái che, trải bạt làm chỗ nghỉ ngơi, người thì đi kiếm củi khô để nhóm lửa, người thì ướp gia vị cho đồ ăn đã chuẩn bị trước. Chị Hương được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ uống nên mang hơn 10 chai bia và nước ngọt đến chỗ thác nước để ngâm xuống làm mát.

Mỗi người một việc, đến gần trưa thì cả nhóm quây quần bên nhau ăn thịt gà, thịt nướng, nói cười vui vẻ cạnh thác nước mát mẻ, rừng núi tĩnh mịch, yên bình… Ăn no, uống say, cả nhóm nghỉ trưa rồi đến chiều vào rừng hái rau, bẻ măng, câu cá suối, tắm thác… chiều muộn mới kéo nhau về. Kỳ pic-nic kết thúc trong vỏn vẹn gần 10 giờ đồng hồ nhưng ai nấy đều vui vẻ, hồ hởi bàn về những chuyến đi tiếp theo, những chuyến đi có thể xa hơn, dài hơn khi có thời gian và điều kiện kinh tế…

Đời sống người dân vùng nông thôn giờ đã khấm khá, mỗi dịp kết thúc mùa vụ, dịp nông nhàn, hay những ngày lễ tết…, người dân thường tổ chức những chuyến đi chơi ngắn ngày, địa điểm thường được chọn ở địa danh như: bờ suối, bãi sông, thác nước, hang động, vườn hoa ngay trong huyện, trong tỉnh. Những chuyến dã ngoại như vậy thường không tốn quá nhiều kinh phí cũng như thời gian với những người thường xuyên bận bịu đồng áng. Kỳ pic-nic ngắn và giản đơn chỉ là một buổi cắm trại, nấu ăn ở một điểm có phong cảnh đẹp cũng đã đủ để nông dân coi đó là dịp nghỉ ngơi, thay cho những chuyến du lịch đắt đỏ, dài ngày.

Trước kia, cũng bởi lý do kinh tế, nếu không có việc trọng đại, người làm nông chẳng mấy khi đi xa, bởi tốn kém, bởi những công việc không tên của nhà nông luôn níu lấy họ. Quay bên trái là đàn gà đang ấp dở chuẩn bị đến ngày nở phải đợi bàn tay gia chủ bê xuống từ phía nóc chuồng; quay bên phải lại là thùng cám ngô để xay cho lợn đã vơi tới đáy… rồi việc phải lên đồi cây tỉa cành, dọn cỏ lấy củi về đun. Thế là nông dân như bị “trói” lại, chẳng mấy khi có một chuyến đi, tưởng như 2 từ “du lịch” sinh ra chẳng thể dành cho họ.

Nhưng hôm nay đã khác, nông dân giờ đã tìm ra cách nghỉ ngơi theo hoàn cảnh của riêng mình. Nói như cách của anh Nguyễn Văn Hiếu thì “Có thời gian, có điều kiện thì dịp nghỉ hè cho mấy đứa nhỏ đi tắm biển cho đã đời. Thế nhưng mình vừa không có thời gian vừa không có điều kiện kinh tế thì mình tắm suối. Đi đâu cũng được, miễn là bản thân và gia đình được nghỉ ngơi và thư giãn, cảm thấy vui vẻ là được”.

Kỳ pic-nic của nhà nông ảnh 2
Người dân Văn Bàn thường chọn pic-nic bên những con suối lớn.

Gia đình anh Hoàng Hiếu, xã Khánh Yên Hạ (Văn Bàn) là gia đình thuần nông. Mà làm nông thì có bao giờ hết việc, đó cũng là một phần lý do mà chuyến đi xa nhất của anh là chuyến đưa đứa con gái lớn vào đại học xuống Hà Nội nhập học năm ngoái. Có lần, thấy vợ lướt facebook rồi xuýt xoa với cảnh đẹp mà bạn bè đăng tải trên mạng xã hội, anh Hiếu cũng muốn đưa vợ con đi chơi. “Thế nhưng một chuyến đi du lịch xa, đi biển tắm cho đã những ngày hè nắng bỏng có khi tốn hàng chục triệu đồng - bằng cả một năm học phí của đứa con đang học đại học, bằng một chiếc tivi lớn hay nửa chiếc xe máy…” - anh Hiếu băn khoăn.

Thế là cứ sau mỗi mùa vụ, khi công việc đã rảnh rang hơn, anh thường bàn với vợ, rủ thêm mấy người bạn đi pic-nic ở ngay trong tỉnh. Có khi chỉ là chuyến đi cắm trại, nướng gà, tắm thác… ở xã bên. Lần nào “sang” hơn thì đi Bắc Hà, Sa Pa hay thành phố Lào Cai; dịp lễ tết thì đi đền chùa trong tỉnh cầu mong bình an, may mắn cho cả gia đình…

Những chuyến pic-nic kéo nông dân đi xa hơn một chút khỏi đồng ruộng nhưng cũng chẳng thể “bứt” họ rời đi. Bởi ngay cả những câu chuyện trong mỗi chuyến đi chơi, đâu đó vẫn hiện hữu những mối lo toan cho đàn lợn, đàn gà ở nhà, lo cây cối mới xong mùa cấy hái… Thế nhưng, sau mỗi chuyến đi nghỉ dù ngắn ngủi, nụ cười ai nấy đều tươi vui và rạng rỡ trên những khuôn mặt rám sương nắng, sức lao động tưởng như vì thế mà thêm một lần nữa được “hồi sinh”.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Du lịch từ di tích lịch sử cách mạng

Du lịch từ di tích lịch sử cách mạng

Cùng các di sản được UNESCO vinh danh, trong những năm qua các địa danh lịch sử cách mạng đang trở thành những “địa chỉ đỏ” thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa bởi các địa phương chưa khai thác hết tiềm năng, chưa tạo cho du khách những trải nghiệm chân thực và ấn tượng tại các điểm đến...

[Ảnh] Đón Tết Độc lập trên đỉnh Ngải Thầu

[Ảnh] Đón Tết Độc lập trên đỉnh Ngải Thầu

Thời tiết thuận lợi trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, bên cạnh Khu du lịch quốc gia Sa Pa thu hút đông du khách, nhiều điểm du lịch cộng đồng, các địa điểm trải nghiệm nguyên sơ cũng được người dân và du khách lựa chọn nghỉ lễ. Trong đó, xã Y Tý (huyện Bát Xát) là một trong những điểm đến hấp dẫn. 

Hành trình ngắn ngày "lên ngôi" dịp nghỉ lễ 2/9

Hành trình ngắn ngày "lên ngôi" dịp nghỉ lễ 2/9

Dịp lễ Quốc khánh năm nay kéo dài 4 ngày (từ 31/8 đến hết 3/9), là kỳ nghỉ dài cuối cùng trong năm, cũng được xem là thời gian thích hợp cho những chuyến du lịch trong và ngoài nước, nhất là với những gia đình có con em sắp bước vào năm học mới.

Thể thao góp phần phát triển du lịch bền vững

Thể thao góp phần phát triển du lịch bền vững

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng, cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, Lào Cai đủ điều kiện tổ chức các giải thể thao quy mô lớn, hấp dẫn, qua đó quảng bá hình ảnh đất và người dải đất biên cương đến với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần phát triển bền vững du lịch.

fbytzltw