Nếu xưa kia, trên mảnh đất này cha ông ta từng vùi thây quân thù qua truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đằng ngà đánh giặc Ân thì nay, câu chuyện "Rồng lửa Thăng Long" của thời đại Hồ Chí Minh hạ gục "pháo đài bay" B-52 Mỹ được các cụ già say sưa kể tiếp cho con trẻ. Truyền thống dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc như mạch nguồn chảy mãi...
Tượng đài Chiến thắng B-52 được xây dựng tại vị trí chiếc B-52 đầu tiên bị bắn hạ ở Phù Lỗ, Đông Anh, Hà Nội.
Trong cuốn "Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm" có ghi: "Tại thôn Đường Hai, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lúc 20h13 đêm 18-12-1972, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân ở trận địa Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B-52G của Mỹ, lập chiến công đầu tiên ngay trong ngày đầu của chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Theo lời kể của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn tên lửa 59, Trung đoàn 261, Sư đoàn phòng không Hà Nội - những người đã tham gia chiến đấu đêm 18-12-1972 thì hôm đó trời giá buốt, vì đã được báo trước nên cả đơn vị tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu. Đúng 20h13, những cặp "mắt thần" của tiểu đoàn phát hiện B-52 bay vào vùng trời Thủ đô đã báo cáo lên trên và được lệnh cho phép phóng đạn. Cả trận địa nín lặng, hồi hộp theo dõi trên màn hình hiện sóng tín hiệu đạn gặp mục tiêu, rồi mục tiêu bị xóa. Chiến sĩ quan trắc thông báo trên xe điều khiển: "Cháy rồi! B-52 bị cháy rồi!". Tiếng reo hò vang lên át cả tiếng bom đạn và tiếng gầm rú của máy bay Mỹ đang tìm đường tháo chạy khỏi lưới lửa phòng không dày đặc. Niềm vui chiến thắng vỡ òa, cả kíp chiến đấu ôm chầm lấy nhau, tràn ngập niềm vui. Để xác định thông tin chính xác, ngay sau đó, Trung đoàn phó Vũ Công Luận cùng hai trợ lý lập tức tới nơi máy bay rơi tại cánh đồng Chuôm, thôn Đường Hai, xã Phù Lỗ, cách trận địa không xa và đã tìm được một mảnh xác máy bay còn nguyên hàng chữ B-52G. Và tiểu đoàn 59 được ghi nhận là đơn vị đầu tiên đã hạ gục "pháo đài bay" ngay khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội.
Chiều 19-12-1972, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài về thăm và biểu dương cán bộ, nhân dân xã Phù Lỗ đã làm tốt công tác bảo vệ chiến lợi phẩm. Sau đó, xác chiếc máy bay B-52G được giao cho Bộ Quốc phòng. Hiện tại những mảnh còn lại của pháo đài bay này vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Bắt giặc lái trên cánh đồng
Cũng đêm 18-12, cách trận địa tên lửa không xa, dân quân thôn Đường Hai, xã Phù Lỗ do Xã đội trưởng Đoàn Tấn chỉ huy cũng trực chiến chờ đánh "giặc trời". Cả tiểu đội dân quân đang trên đường tuần tra bỗng ông Phan Đình Dục, một cựu binh vừa trở về từ chiến trường Tây Nguyên đứng khựng lại, giọng chắc nịch: "Tiếng máy bay nghe nặng và ì như vậy chắc chắn đêm nay chúng cho B-52 bắn phá Hà Nội của ta rồi". Quả nhiên chỉ một lúc sau mọi người cùng thấy một khối lửa lóe sáng phía nội thành, mấy anh du kích đứng trực chiến bên pháo cao xạ ngoài đồng trông thấy trước đã reo mừng rất to. Niềm vui hạ gục B-52 lan nhanh khắp làng Phù Lỗ Đông, già trẻ gái trai đều kéo nhau ra xem pháo đài bay phơi xác trên cánh đồng Chuôm.
Vui chiến thắng không quên nhiệm vụ, trong lúc bà con còn hả hê với chiến thắng đầu tiên, nhận định phi công lái chiếc máy bay bị cháy có khả năng đã bung dù Xã đội trưởng Đoàn Tấn ra lệnh cho 3 trung đội dân quân nhanh chóng tỏa ra, nắm chắc địa bàn không để giặc lái trốn thoát. Tiểu đội dân quân gồm Đoàn Tấn, Phan Đình Dục, Ngô Thị Thuần, Trịnh Soi... đi tuần ngoài cánh đồng Chuôm gần xác máy bay rơi đến tờ mờ sáng bỗng phát hiện có những dấu hiệu lạ như vệt cỏ ven đồng như bị giẫm nát, đống tro giữa đồng có dấu hiệu bị xáo trộn… đã tiến hành bủa vây, phong tỏa toàn bộ khu vực. Chợt mọi người nhìn thấy có bóng người sau những thửa ruộng nhấp nhô, ông Đoàn Tấn miệng hô "giơ tay lên", đồng thời tay bóp cò bắn phát súng trường thị uy. Chỉ sau tiếng súng đó, viên phi công còn mặc nguyên bộ đồ lái đứng vọt dậy, hốt hoảng giơ tay xin hàng. Sau khi kiểm tra trên người viên phi công không thấy có súng và giấy tờ tùy thân, Xã đội trưởng Đoàn Tấn đã cho thẩm vấn tại chỗ. Dù bất đồng ngôn ngữ, không có phiên dịch nhưng viên phi công vẫn hiểu và dẫn cả tổ ra thửa ruộng gần đó thu vũ khí là một khẩu súng ngắn cùng giấy tờ được giấu kín dưới những vệ cỏ sát mép nước…
Năm nay đã 75 tuổi nhưng ông Đoàn Tấn vẫn nhớ rõ và kể cho chúng tôi nghe: "Đêm hôm đó, trong làng có đám ma của một cụ ông thọ ngoài trăm tuổi. Khi chiếc B-52 bị bắn hạ, không biết xui khiến thế nào mà chiếc dù thứ hai mang theo người phi công da đen đã chết rơi trúng ngọn cây nhãn trong vườn nhà ông cụ vừa mất. Chúng tôi đưa xác người phi công xấu số nằm vắt vẻo trên cây xuống, kéo trên xe cải tiến và an táng ngay sau đó ngoài cánh đồng, cách nơi máy bay rơi không xa". Một thời gian sau người dân làng Phù Lỗ Đông đón thêm nhiều người khách nước ngoài, trong đó có các tùy viên quân sự nước ngoài, gia đình người phi công xấu số sang đón xác người thân mang về cố quốc. Ông Phan Đình Dục cũng nhớ lại: "Khi nghe bà con kể lại toàn bộ câu chuyện về cái chết cũng như sự đối xử "nghĩa tử là nghĩa tận" theo đúng đạo lý Việt đối với viên phi công da đen, nhiều người trong đoàn khách nước ngoài đã bật khóc và bày tỏ tấm lòng cảm kích đối với tấm lòng bao dung của người Việt Nam". Còn viên thiếu tá phi công bị bắt sống hôm đó, sau này dân làng được nghe cấp trên thông báo là nằm trong những tù binh được trao trả đợt đầu tiên tại sân bay Gia Lâm khi hiệp định Paris được ký kết.
Tiếp theo chiến công đầu nức lòng quân dân cả nước đó, tại cánh đồng Trầm, thôn Yên Sào, xã Xuân Quang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào hồi 5h19 ngày 21-12-1972, tiểu đoàn 57, Trung đoàn tên lửa 261 (Đoàn Thành Loa), Sư đoàn 361 ở trận địa Đại Đồng, Đông Anh, Hà Nội đã bắn rơi tại chỗ một máy bay chiến lược B-52 của Mỹ, góp phần cùng quân và dân Thủ đô Hà Nội lập nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972. Nơi xác "pháo đài bay" nằm phơi bụng sát quốc lộ 3 trước đây nhà cửa thưa thớt, giờ đã thành thị tứ sầm uất. Hiện xã Phù Lỗ có 5 trường học các cấp, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia, số học sinh khá, giỏi và thi đỗ đại học hằng năm chiếm tỉ lệ rất cao. Chủ tịch UBND xã Lê Như Ý khoe với chúng tôi, mặc dù năm 2012 có nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền xã Phù Lỗ phấn đấu giảm hộ nghèo xuống còn 51 hộ (năm 2011 có 71 hộ). Còn ông Ngô Điểm, Phó Bí thư Đảng ủy xã thì cho hay Tượng đài Chiến thắng B-52 ghi nhớ chiến công đầu tiên của quân và dân Thủ đô trong trận “Điện Biên Phủ trên không” đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước, giáo dục truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của quân dân Thủ đô cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.