Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025):Những tấm gương sáng ngời cho lớp lớp nhà báo noi theo

Trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã có hàng ngàn nhà báo, nhà văn chiến sĩ có mặt trên các mặt trận của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Hơn 400 nhà báo, nhà văn đã anh dũng hy sinh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trong đó có những nhà văn, nhà báo của Hà Nội. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), Báo Hànôịmới xin lược đăng một số tấm gương nhà báo, nhà văn chiến sĩ, liệt sĩ của Thủ đô yêu dấu.
Hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc
Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, nguyên phóng viên Ban Kinh tế, Báo Thủ đô (nay là Báo Hànôịmới). Ông đã có nhiều bài viết phản ánh khí thế "3 sẵn sàng”, "5 xung phong” trên các lĩnh vực sản xuất và công tác, về phong trào đi xây dựng Khu công nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) ông có bài "Gái trai Hà Nội trên đất Việt Trì”... Trong đợt về vùng than Quảng Ninh, ông đã thể hiện tâm tư, tình cảm của giai cấp công nhân Thủ đô qua bài "Dáng đứng người thợ lò ở vùng vàng đen của Tổ quốc”.
Hòa vào phong trào tình nguyện nhập ngũ, sẵn sàng gác việc riêng lên đường cầm súng, Nguyễn Minh Tâm đã 3 lần làm đơn, 3 lần đi khám tuyển đều không đạt. Lý do là mắt kém, không nheo được; có lần bắn đạn thật, đạn cứ bay vèo qua bia. Được sự động viên, giúp sức của mẹ và vợ, Nguyễn Minh Tâm kiên trì luyện tập, chườm cơm nóng, bịt khăn tay vào mắt. Và lần thứ tư, ông đã trúng tuyển, nhập ngũ trở thành chiến sĩ của Trung đoàn bảo vệ Thủ đô (E88). Một nhà báo, một chàng trai Hà Nội mới xây dựng gia đình chưa được bao lâu, chưa có con, nhưng vẫn quyết tâm lên đường đánh giặc. Một vinh dự lớn, trước ngày lên đường, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Trong quân ngũ, Nguyễn Minh Tâm tích cực làm báo tường, sáng tác kịch, tham gia hội diễn trung đoàn. Vở kịch "Hướng về phương Nam” do ông sáng tác đã tạo khí thế quyết tâm trong lớp chiến sĩ trẻ E88. Rồi ông cùng đơn vị lên đường vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Nguyễn Minh Tâm, đại đội trưởng trinh sát, vào Đảng ngày 12-1-1966, chính thức ngày 12-1-1967. Ông đã hy sinh ngày 7-5-1968 tại mặt trận 18 thôn Vườn Trầu, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh. Nhà báo, chiến sĩ, người con của Thủ đô yêu dấu đã hiến dâng cả cuộc đời cho Tổ quốc.
Chuyện về tác giả "Một lần tới Thủ đô"
Nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Trần Đăng tên thật là Đặng Trần Thi, người làng Tây Tựu, Từ Liêm - một làng quê giàu và đẹp ở ngoại ô Hà Nội, là sinh viên Trường Luật. Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám (1945), Trần Đăng hăng hái tham gia cách mạng, gia nhập Vệ quốc đoàn, chọn nghề cầm bút và trở thành phóng viên mặt trận của Báo Vệ quốc quân.
Năm 1948, ông đã cùng bộ đội hành quân phá gọng kìm của địch để viết bài ký "Trong rừng Yên Thế”. Ông theo bộ đội vào vùng địch hậu Đông Bắc, ngược rừng Ba Chẽ, ra tận Móng Cái, Tiên Yên... vừa đi vừa viết bút ký "Trận phố Ràng". Ra Đông Bắc, ông bị thương vào chân, vết thương chưa kịp lành, gặp một đơn vị hành quân trên đường 4, vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, ông liền tham gia để viết ngay và sau cho in bài tường thuật chiến đấu: Đường số 4, 15 cây số giữa Thất Khê và Lũng Phầy đăng nhiều số trên Báo Vệ quốc quân.
Sáng 26-12-1949, trong một chuyến đi công tác cùng một tiểu đoàn chủ lực, Trần Đăng đã hy sinh. Mộ của ông trên vùng cao biên giới tỉnh Lạng Sơn, sau được đồng đội Báo Quân đội nhân dân, Đại đoàn 308... đưa tác giả "Một lần tới Thủ đô" về yên nghỉ tại Thủ đô.
Con và cô ấy đã thề sẽ chờ đợi nhau…
Nhà báo, liệt sĩ Nguyễn Trọng Định sinh năm 1942 tại xã Thổ Khối, Gia Lâm, Hà Nội (nay thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên). Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn (khóa 1961-1965), Nguyễn Trọng Định được về làm phóng viên Báo Nhân Dân. Hy sinh ngày 26-8-1968 tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng như lúc đã trở thành nhà báo, Nguyễn Trọng Định say sưa viết báo, làm thơ và được đăng đều trên Báo Nhân Dân. Như số báo ra ngày 16-12-1966 đã đăng bài ghi nhanh của Nguyễn Trọng Định về các trận chiến đấu của quân dân Thủ đô Hà Nội đánh trả máy bay Mỹ. Tới Thanh Hóa, ông viết về đơn vị pháo cao xạ lão dân quân Hoằng Hóa. Báo Nhân Dân ngày 26-10-1967 đã đăng bài: "Gặp trung đội lão dân quân Hoằng Hóa".
Ở tư cách nhà thơ, Nguyễn Trọng Định viết về quê hương, đất nước và tuổi trẻ như trong bài thơ "Nước vối quê hương”: "Bắc ấm nước mưa, con ngồi nhóm lửa/Nụ tích mấy mùa, mẹ lại sẻ ra pha/Chén nước ấm nồng ngai ngái vị thuốc ta/Mà nhấp khỏi cứ ngọt hoài đầu lưỡi/Con ủ tay dưới nắp bông nóng hổi/Nghe rì rầm câu chuyện cũ năm nao”.
Đầu năm 1968, Nguyễn Trọng Định vui mừng cầm quyết định của Báo Nhân Dân cử anh tới Ban Tổ chức Trung ương Đảng nhận công tác. Thế là ông cùng một số nhà báo vượt Trường Sơn vào với Quảng Nam - Đà Nẵng - chiến trường ác liệt nhất. Trước khi vào chiến trường, Nguyễn Trọng Định viết thư gửi mẹ: Hôm nay, con tập trung đi học. Học xong là đi luôn. Con vẫn khỏe và sẵn sàng lên đường, chuyện riêng của con cũng đã ổn. Con và cô ấy đã thề sẽ chờ đợi nhau...
Một hôm, Nguyễn Trọng Định nhận nhiệm vụ phản ánh cuộc đấu tranh nổi dậy của đồng bào chống sự kìm kẹp của Mỹ, chuẩn bị gấp tài liệu tuyên truyền cho Chiến dịch xuân hè 1968. Tổ công tác vừa dừng chân ở thôn Hạ Nông, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn (Quảng Nam - Đà Nẵng) thì pháo địch ập đến. Nguyễn Trọng Định trúng nhiều mảnh đạn và đã hy sinh trên quê hương Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi vào sáng sớm 26-8-1968, khi anh tròn 26 tuổi.
Muốn viết tốt phải trực tiếp sống và chiến đấu cùng chiến sĩ
Nhà báo, nhà văn, liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý, bút danh Dương Thị Minh Hương. Ngôi nhà 195 phố Hàng Bông, Hà Nội, là nơi Xuân Quý chào đời và sống những năm thơ ấu. Năm 20 tuổi, Xuân Quý chính thức bước vào "nghiệp" báo chí, công tác ở Tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam. Tháng 4-1968, Xuân Quý cùng chồng, nhà báo Bùi Minh Quốc vào chiến trường, gửi đứa con duy nhất ở lại Hà Nội. Đây là năm cam go, ác liệt nhất sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968. Xuân Quý vào công tác tại Tạp chí Văn nghệ Giải phóng.
Vào đến chiến trường, bà bắt tay vào sáng tác truyện ngắn "Hoa rừng", "Niềm vui thầm lặng" và bút ký "Tiếng hát trong hang đá", "Gương mặt thách thức".
Với bà, muốn viết tốt phải đi cơ sở, trực tiếp sống, chiến đấu cùng chiến sĩ và nhân dân. Vì vậy, ngày 19-12-1968 bà đã quyết định xuống đồng bằng Quảng Đà. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 kẻ thù tăng cường khủng bố, càn quét, dồn dân, nhiều vùng ở Quảng Đà trở thành đất trắng.
Khi đó, bà chia sẻ: "Mình vào chiến trường giữa lúc chiến trường gặp nhiều khó khăn quá, nhưng mình rất mau "nhập chiến trường"”. Trong "Bài thơ về hạnh phúc” bà đã viết: "Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/Bao dốc cao em cần cù vượt hết/Và mỗi lần ngồi nghỉ em nhìn anh/Em nói tới tương lai, tươi thắm ngọt lành/ Em nói tới những điều em định viết/Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/Con sông Giành gầm réo miên man/Nước lũ về trang giấy nhỏ mưa chan/Em vẫn viết, lòng dạt dào cảm xúc/Và em gọi đó là hạnh phúc”. Bài thơ đã nói lên quan điểm sống vì đất nước, nhân dân của người cầm bút Dương Thị Xuân Quý.
Trước hôm bà hy sinh 6 ngày, Xuân Quý đã trải qua những giờ phút căng thẳng trong đợt chống càn cùng quân và dân Xuyên Hòa. Bà viết, "May mắn, tôi được có mặt", "Xuyên Hòa kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động", "Tôi đang suy nghĩ một cốt truyện viết về Xuyên Hòa. Chuyến này tôi gặp nhiều nguy hiểm nhưng vui kỳ lạ".
Trong chục năm làm báo, viết văn, Xuân Quý để lại gần hai mươi truyện và ký cùng nhiều bài báo. Khi vốn liếng, hành trang được tích lũy đến độ chín, thì kẻ thù đã cướp mất bà. Người con của Thủ đô đã hy sinh ngày 8-3-1969 tại thôn 2, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam - Đà Nẵng…
Trong binh chủng tư tưởng, báo chí là lực lượng đi đầu có mặt tại các điểm nóng của các cuộc chiến đấu, theo sát các chiến sĩ bộ đội, thanh niên xung phong, phản ánh kịp thời các trận đánh ác liệt, tinh thần chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, động viên cổ vũ hậu phương, tiền tuyến và kịp thời truyền tin chiến thắng... Nhân kỷ niệm trọng thể 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, được làm báo giữa đất nước thanh bình, xin kính cẩn nghiêng mình trước những tấm gương nhà báo, nhà văn anh hùng xả thân vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Các anh, chị mãi mãi là những tấm gương sáng ngời cho lớp lớp nhà báo noi theo.
(Theo Hà Nội Mới)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

UNESCO ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn-Kiếp Bạc vào danh mục Di sản thế giới

Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa, chiều 12/7 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria), Chủ tịch Kỳ họp đã chính thức gõ búa ghi danh Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hóa thế giới.

Cung đàn tròn người Pa Dí

Cung đàn tròn người Pa Dí

“Mường Khương xanh rất xanh…/Biên giới ơi yêu lắm một cung đàn/Một cung đàn tròn dân tôi người pa dí/Một cung đàn tròn như ánh trăng rằm/Một cung đàn tròn như mặt trời nắng mai rực rỡ”… đó là những câu thơ trong bài thơ “Đất nước tôi xanh một cung đàn tròn” của nhà thơ Pờ Sảo Mìn.

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Tuồng, Chèo, Cải lương về một nhà: Tạo ra bộ máy tinh - gọn - mạnh

Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8. Lãnh đạo các nhà hát khẳng định điều này giúp bộ máy quản lý trở nên tinh, gọn, mạnh, mở ra cơ hội mới cho sân khấu truyền thống. 

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàn Quốc, Việt Nam bắt tay làm nhạc kịch về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhà hát Kịch Việt Nam đồng thời khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Cafe bánh mì”, hướng tới kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2/9. Đặc biệt vở nhạc kịch "Cafe bánh mì" đánh dấu sự hợp tác của Nhà hát Kịch Việt Nam và ê-kíp sáng tạo đến từ Hàn Quốc. 

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

fb yt zl tw