Tạo đột phá về chính sách
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp; gắn kết giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; nâng cao hiệu quả kinh tế đồi rừng... là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025. Đề án có mục tiêu tổng quát: Phát huy lợi thế so sánh của địa phương để phát triển sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến đáp ứng nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu; quan tâm phát triển sản phẩm OCOP, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phấn đấu đến năm 2025 diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% - 2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái để nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...
Để định hình phát triển dài hạn cho nông nghiệp và hiện thực hóa quyết tâm “đi sau, về trước”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; HĐND tỉnh ban hành 3 nghị quyết về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp; UBND tỉnh ban hành 6 chỉ thị, 21 kế hoạch và 10 đề án, kế hoạch, phương án, dự án trọng tâm thực hiện giai đoạn 2021 - 2025. Các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành các đề án trọng tâm, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm để triển khai thực hiện.
Hiện thực hóa mục tiêu đề án, nghị quyết
Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau thời gian thực hiện Đề án 01 và các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch của tỉnh, cơ cấu ngành nông nghiệp Lào Cai đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả khả quan.
Về trồng trọt, các cây trồng chủ lực của tỉnh đều có sự phát triển rõ nét, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như chè 7.346 ha, dược liệu 3.549, chuối 3.174 ha, gần 2.100 ha dứa. Việc liên kết sản xuất, tiêu thụ và chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đang được các ngành, địa phương chú trọng, người dân tích cực tham gia phát triển, nhân rộng.
Cây quế được xác định là một trong những cây trồng chủ lực của người dân Lào Cai. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 57.000 ha quế được trồng tại 100 xã, phường, thị trấn và với 42.000 hộ dân tham gia trồng quế. Hằng năm, người dân khai thác khoảng 6.000 tấn vỏ khô, 60.000 tấn cành, lá phục vụ chế biến tinh dầu quế, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, ngoài ra còn thu gỗ, hạt giống... tổng giá trị đạt khoảng 800 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh việc khuyến khích phát triển chăn nuôi theo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi an toàn có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, đồng thời, mở rộng thị trường ngoại tỉnh cho sản phẩm đặc sản bản địa. Toàn tỉnh hiện có 269 trang trại chăn nuôi đáp ứng điều kiện chăn nuôi trang trại (177 trang trại quy mô nhỏ, 92 trang trại quy mô vừa), 10 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, 3 chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo chuỗi. Việc trồng cỏ, chế biến và dự trữ thức ăn trong nuôi đại gia súc được các địa phương quan tâm, toàn tỉnh hiện có 2.854 ha, sản lượng đạt khoảng 700 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu thức ăn xanh cho đàn gia súc lớn.
Trong số 13 chỉ tiêu của Đề án 01 thực hiện đến hết quý I/2023 so với mục tiêu đến năm 2025 có 4 chỉ tiêu đạt và vượt (tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân, sản lượng lương thực có hạt, sản lượng thịt hơi các loại, sản lượng thủy sản); 4 chỉ tiêu đạt trên 70% (cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp, giá trị sản phẩm trên 1 ha canh tác, tỷ lệ che phủ rừng, bình quân tiêu chí nông thôn mới/xã); 3 chỉ tiêu đạt trên 50% (phát triển mới chuỗi nông sản an toàn; số xã nông thôn mới; số huyện nông thôn mới); 2 chỉ tiêu đạt dưới 50% (chuẩn hóa và công nhận mới sản phẩm OCOP, sắp xếp ổn định dân cư).
Bám sát thực tiễn, thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đỗ Văn Duy cho rằng: Đề án 01 và Nghị quyết 10 đã được các ngành, địa phương triển khai tích cực, đúng hướng. Các cây trồng chủ lực (chè, dược liệu, chuối, dứa, quế) được đầu tư theo chiều sâu, sản xuất theo các quy trình an toàn, hữu cơ, xây dựng thương hiệu, xây dựng mã số vùng trồng và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Từ những kết quả đó đã góp phần tăng thu nhập cho người dân và diện mạo nông thôn phát triển rõ rệt.
Nông dân thành phố Lào Cai chăm sóc hoa.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận những khó khăn, hạn chế, đó là: Giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp liên tục tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, tiêu thụ nông sản. Việc tích tụ đất quy mô đủ lớn cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do đất phần lớn được giao cho hộ gia đình, cá nhân. Cơ chế chính sách về đất đai để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp còn khó khăn về vốn và khoa học - kỹ thuật công nghệ cao; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ; công tác xúc tiến đầu tư còn hạn chế...
Bám sát thực tiễn, ngành nông nghiệp đặt ra các chỉ tiêu đến năm 2025: tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân đạt 5 - 5,5%/năm; cơ cấu nội ngành nông nghiệp 74%, lâm nghiệp 20%, thủy sản 6%; giá trị sản phẩm/1 ha đất canh tác bình quân đạt trên 100 triệu đồng; duy trì sản lượng lương thực có hạt trên 300.000 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%; phát triển mới 100 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận; chuẩn hóa và công nhận ít nhất 150 sản phẩm OCOP...
Ông Đỗ Văn Duy cho biết thêm: Để đạt các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp và các địa phương tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp; tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản; tăng cường giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông, lâm nghiệp…