Kiểm soát thị trường trong mùa mưa bão

Cùng với việc bình ổn thị trường trong những ngày mưa bão vừa qua, từ ngày 5 - 16/9/2024, lực lượng quản lý thị trường tỉnh cũng đã kiểm tra, rà soát, phát hiện xử lý 24 vụ vi phạm các loại, trong đó có 6 vụ vi phạm về giá, 6 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, 8 vụ vi phạm về hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và 4 vụ vi phạm khác. Lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính gần 113,5 triệu đồng.

tt2.jpg
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát giá cả các mặt hàng thực phẩm nhằm ngăn chặn tăng giá bất hợp lý.

Trước dự báo vẫn có những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình bão lũ để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, phóng viên Báo Lào Cai đã trao đổi với bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa bà! Lào Cai là tỉnh đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3, trong thời gian vừa qua, thị trường hàng hóa tại Lào Cai có xảy ra tình trạng găm hàng, nâng giá, trục lợi không?

Bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Lào Cai là một trong những tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3. Ngoài thiệt hại về người thì sản xuất - kinh doanh cũng bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là hoạt động cung - cầu hàng hóa trong thời gian trước - trong và sau bão. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phối hợp tốt với các lực lượng chức năng tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm mua sắm, hệ thống cửa hàng bán lẻ và địa điểm kinh doanh tại các chợ trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, gas và các vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh...; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình thiên tai để sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, thu gom hàng hóa, tăng giá bán bất hợp lý để trục lợi.

Phóng viên: Theo dự báo của Cục Quản lý thị trường thì sẽ có những tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá trong mùa mưa bão. Vậy lực lượng quản lý thị trường tỉnh triển khai giải pháp gì để phát hiện, xử lý nghiêm tình trạng này?

Bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm, vật tư, nguyên liệu thiết yếu cho người dân ổn định đời sống và sản xuất sau bão, đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý xảy ra, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng.

Theo đó, ngay từ khi có dự báo bão, các đội đã tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường. Cục ban hành Văn bản chỉ đạo số 304/QLTTLCA-NVTH ngày 8/9/2024 về việc kiểm soát, bình ổn cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh; Văn bản số 312/QLTTLCA-NVTH ngày 13/9/2024 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024 và tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tiếp tục kiểm tra, giám sát thị trường trước hậu quả của cơn bão số 3 năm 2024.

Đồng thời triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 15/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát kịp thời; phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có hành vi lợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu của cơn bão để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc có hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Lực lượng tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn; thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát, phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng; có báo cáo ngay về tình trạng, nguyên nhân để đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung - cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.

tt1.jpg
Lực lượng kiểm tra việc niêm yết và kê khai giá sản phẩm thực phẩm, hàng thiết yếu.

Thời điểm này, lực lượng cũng phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung - cầu, giá cả hàng hóa do bão số 3 gây ra để thu lời bất chính. Triển khai kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Trong thời điểm ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, các đội quản lý thị trường đã xử phạt vi phạm hành chính 6 vụ vi phạm về giá, xử phạt 4,5 triệu đồng.

Phóng viên: Những tháng cuối năm thường là thời điểm các đối tượng lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Xin cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ có giải pháp để ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Bà Trịnh Ngọc Ánh, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh: Để đảm bảo kiểm soát thị trường, góp phần ổn định giá cả; đấu tranh, ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, những tháng cuối năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng Cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng, dầu. Thực hiện rà soát, giám sát, nắm bắt tình hình thị trường, địa bàn nhằm kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp với các sở ngành, cơ quan như: Công an, Thông tin - Truyền thông, Công Thương, các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh, giao dịch thương mại điện tử thông qua các website bán hàng, trên trang mạng xã hội Facebook, Zalo...

Chú trọng nhóm hàng hóa, dịch vụ liên quan thực phẩm, các ngành - nghề kinh doanh có điều kiện trên thị trường, hàng hóa thiết yếu, xăng, dầu; kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm về sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Giám sát việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại các chợ phiên, chợ trung tâm trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức tuyên truyền lưu động; tổ chức ký cam kết với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về thực hiện đúng quy định pháp luật; tăng cường đôn đốc việc cập nhật các vụ việc kiểm tra, xử lý vi phạm, cập nhật sổ bộ lên hệ thống INS đảm bảo đúng thời gian, trình tự quy định.

tt3.jpg
Kiểm soát giá cả và ổn định thị trường các loại mặt hàng.

Phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình địa bàn nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch trên địa bàn. Chủ động tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thành viên và các địa phương triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và công tác kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm...

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Khôi phục sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh bị ngập nước, ngã đổ, dập nát... Ngành nông nghiệp và các địa phương đang hướng dẫn, hỗ trợ nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất.

“Cú hích” từ Chỉ thị 09

“Cú hích” từ Chỉ thị 09

Sau 3 năm triển khai Chỉ thị 09 ngày 26/4/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Khương về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế đặt ra mà huyện cần giải quyết.

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc

Ngày 2/10, tại tỉnh Hưng Yên, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía bắc lần thứ XV năm 2024, với chủ đề "Chung sức, đồng lòng - Hợp tác hướng tới kỷ nguyên mới", với sự tham dự của 37 hiệp hội, doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành khu vực phía bắc.

fbytzltw