Đập thủy lợi Phước Hòa được khởi công xây dựng vào tháng 8/2008 và khánh thành vào tháng 11/2011. Với diện tích lòng hồ rộng 2.077 ha, đập thủy lợi Phước Hòa có nhiệm vụ cải thiện môi trường và chất lượng nguồn nước vùng hạ du của sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông.
Đến với đập thủy lợi Phước Hòa, chúng ta còn đến với màu xanh của hoa trái quanh vùng xã An Thái, huyện Phú Giáo. Cảnh đẹp ở đập thủy lợi này khiến nhiều người biết và tìm về chiêm ngưỡng như một điểm du lịch nổi tiếng.
Không chỉ có khu đập chính đẹp huyền ảo, công trình này còn có kênh dẫn nước kéo dài hơn 40 km xuống đến hồ Dầu Tiếng cũng đẹp không kém. Kênh này uốn lượn, nhiều đoạn cua, gấp khúc bởi địa hình trước khi đổ nước vào hồ Dầu Tiếng với lưu lượng khoảng 50 m3/giây, tạo nên công trình thủy lợi liên hoàn Dầu Tiếng - Phước Hòa.
Trên con kênh này, có 2 cây cầu máng hiện giữ kỷ lục cầu máng cao nhất Việt Nam, đó là cầu máng suối Căm Xe (địa bàn xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng). Cầu này dài 700 m, từ mặt kênh đến mặt cầu cao trên 19 m, giữ kỷ lục quốc gia về chiều cao cầu máng, tốc độ chuyển nước 55 m3/giây. Chiếc cầu máng thứ 2 bắc qua Suối Thôn thuộc địa bàn xã Tân Long, huyện Phú Giáo, chiều cao từ mặt suối đến cầu là 16 m.
Đập thủy lợi Phước Hòa ngoài việc trữ nước, tưới tiêu thì sắp tới còn bổ sung thêm công năng phát triển du lịch. Bạn hãy cùng chúng tôi tham quan, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của con đập này qua chương trình “Tôi yêu Bình Dương” do Báo Bình Dương thực hiện. Chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên trước cảnh đẹp của con đập, của thiên nhiên trong lành nơi đây…