Tỉnh Lào Cai hiện sở hữu nguồn tài nguyên nước vô cùng phong phú, dồi dào về mặt trữ lượng, tuy nhiên, hiệu quả sử dụng chưa như mong muốn. Những chính sách khai thác, sử dụng hợp lý nguồn nước là giải pháp cần thiết, giúp tránh được tình trạng thiếu nước.

Cần sử dụng tài nguyên nước hợp lý trong phát triển thủy điện. Ảnh: Viết Vinh
Tiềm năng dồi dào, hiệu quả sử dụng chưa cao
Với 17 sông, suối liên tỉnh và 62 sông, suối nội tỉnh, trữ lượng nước mặt của tỉnh vào khoảng 28.130 triệu m3/năm, trong đó, chiếm nhiều nhất là khu vực ven sông Hồng, khoảng 19.718 triệu m3/năm, ít nhất là suối Ngòi Ðum và vùng phụ cận, khoảng 522 triệu m3/năm. Ngoài ra, trữ lượng nước ngầm cũng tương đối lớn, trung bình mỗi năm khai thác khoảng 630 triệu m3. Cũng theo đánh giá của ngành chức năng, chất lượng nước mặt, nước ngầm trên địa bàn tương đối tốt, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi tác động của con người. Hiện tại, tổng lượng nước đang được khai thác cho các mục đích sử dụng trong sinh hoạt, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng trên 573 nghìn m3/ngày (không kể sử dụng nước cho thủy điện), tương ứng với 209 triệu m3/năm. Trong đó, nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chiếm lượng lớn nhất, khoảng 60% tổng lượng nước khai thác. Ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên Nước - Khí tượng thủy văn, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận xét: Trữ lượng nước của tỉnh khá dồi dào, chất lượng nước nằm trong quy chuẩn cho phép. Với điều kiện thực tế, lượng nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng.
Dù trữ lượng lớn, chất lượng tốt, nhưng việc tiếp cận khai thác nguồn tài nguyên nước còn nhiều khó khăn (thiếu các công trình lấy nước, các giải pháp kỹ thuật điều tiết nuớc), dẫn đến hiệu quả sử dụng chưa cao. Cụ thể, nông nghiệp là ngành có nhu cầu lớn về nước, với khoảng 252 triệu m3/năm, nhưng theo kết quả đánh giá, trung bình hằng năm, diện tích thực tưới vụ đông xuân toàn tỉnh đạt 77,3%; vụ mùa đạt 82,2%. Ngoài việc sử dụng nguồn nước tưới ổn định từ hồ chứa, đập dâng, phai thì diện tích còn lại vẫn chủ yếu dựa vào nguồn nước tưới tự nhiên. Ngành công nghiệp của tỉnh mỗi năm cần tới trên 74 triệu m3 nước cho hoạt động sản xuất, trong khi hiện tại mới đáp ứng khoảng 22 triệu m3/năm... Ðặc biệt, tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở các địa phương vùng cao, như Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát... ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống dân cư.

Quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở quan trọng giúp khai thác, sử dụng hiệu quả.
Hiện nay, tại 8 tiểu vùng quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh gồm: Suối Sin Quyền và phụ cận, suối Ngòi Ðum và phụ cận, Nậm Thi và phụ cận, Ngòi Bo và phụ cận, suối Nhù, tiểu vùng ven sông Hồng, thượng lưu sông Chảy, trung lưu sông Chảy đã và đang tồn tại nhiều vấn đề ảnh hưởng đến trữ lượng nguồn tài nguyên nước. Ðó là, thiếu nhân lực phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước; nguồn vốn triển khai công tác quy hoạch, điều tra, kiểm kê tài nguyên nước còn hạn chế; hiệu quả khai thác tài nguyên nước ngầm còn thấp; trữ lượng nước về mùa mưa dồi dào, mùa khô giảm mạnh, đặc biệt đối với các vùng chịu ảnh hưởng cát-tơ hóa... Ngoài ra, chất lượng nguồn nước cũng đứng trước những nguy cơ suy giảm do biến đổi khí hậu; sự phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, khai khoáng...
Quy hoạch để khai thác, sử dụng hợp lý
Cuối năm 2013, quy hoạch “Tài nguyên nước tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được thông qua, với mục tiêu phân bổ nguồn nước đảm bảo hài hòa giữa các lợi ích, ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp có giá trị cao, tiêu tốn ít nước và cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế xung đột giữa các tổ chức, cá nhân sử dụng nước. Ông Nguyễn Duy Hùng cho biết thêm: Quy hoạch tài nguyên nước là cơ sở quan trọng cho việc khai thác, sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả, lâu dài, dựa trên khả năng đáp ứng của nguồn nước. Theo đó, phương án quy hoạch phân bổ tài nguyên nước trên địa bàn được xác định: Khai thác hài hòa giữa nguồn nước mặt và nguồn nước ngầm đảm bảo tiết kiệm tối đa, đồng thời đáp ứng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; giảm dần tốc độ khai thác nguồn nước ngầm để dự trữ, cung cấp cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, y tế, du lịch - dịch vụ trong trường hợp xảy ra hạn hán và sự cố ô nhiễm nguồn nước; phát huy hết tiềm năng công trình khai thác, sử dụng nước mặt đa mục tiêu đảm bảo đủ nước cho các nhu cầu sử dụng và duy trì dòng chảy tối thiểu.
Cũng trong nội dung quy hoạch, các giải pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn “vàng trắng” được tỉnh đặc biệt chú trọng. Tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt đối với các nguồn nước chính đang được khai thác cho sinh hoạt và sản xuất. Thực hiện các biện pháp phòng, chống ô nhiễm tài nguyên nước tại vùng có nguy cơ ô nhiễm do sản xuất công nghiệp và khai thác khoáng sản. Ưu tiên thực hiện kế hoạch điều tra cơ bản đối với những vùng, khu vực có nguy cơ khan hiếm nguồn nước và đang có nhu cầu khai thác tăng cao. Ðẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong việc khai thác, sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước; trồng rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn...
Các giải pháp trên được triển khai sẽ góp phần bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.