Sân khấu nhỏ của Nhà hát chèo Việt Nam ra mắt đã được ba năm nhưng có vẻ khán giả không mấy mặn mà. Gần đây, sân khấu nhỏ như lột xác với những chương trình đặc trưng, giống hình thức chiếu chèo sân đình ngày xưa. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát chèo Việt Nam trò chuyện về sự thay đổi này.
- Ý tưởng thay đổi hình thức thể hiện xuất phát từ đâu, thưa chị?
- Ba năm trước, sân khấu nhỏ ra mắt. Khán giả ít, chương trình không được duy trì thường xuyên. Tôi cứ nghĩ mãi, vận dụng kinh nghiệm qua những lần đi biểu diễn ở nước ngoài, lại nhìn nhận thực tế là ở Hà Nội có rất nhiều điểm diễn nghệ thuật truyền thống ăn khách, như Múa rối Thăng Long, Múa rối Việt Nam… để tìm cách tháo gỡ khó khăn. Chèo cũng là một loại hình nghệ thuật truyền thống, chúng tôi có lực lượng nghệ sĩ đầy tiềm năng, không có cớ gì lại không thu hút được người xem thường xuyên. Vấn đề là phải xây dựng chương trình như thế nào để gây được sự chú ý. Và, cuối cùng, chúng tôi quyết định chỉnh sửa lại sân khấu nhỏ, trở về với không gian “nguyên thủy” là chiếu chèo.
- Rối nước là loại hình không ngại rào cản ngôn ngữ, còn đến với chèo, người xem phải hiểu câu chữ mới thấy hay, mới thấm thía. Để thu hút được khách, nhất là người nước ngoài thì cần điều chỉnh gì nữa?
- Đương nhiên, bất đồng ngôn ngữ là một rào cản. Nhưng sân khấu chèo còn rất nhiều điều có thể giới thiệu, như âm nhạc vốn là nét đặc sắc của chèo. Với người nước ngoài, chúng tôi không đem đến cho họ hẳn một vở diễn, hay tất cả các trích đoạn hay. Chúng tôi giới thiệu ngắn gọn về nghệ thuật chèo, trích ra những “miếng” đặc sắc và dịch những gì đáng là tinh hoa để khán giả hiểu. Ví dụ, khi nàng Xúy Vân quay tơ, dệt cửi trong 10 phút thì phải giới thiệu được cái hay, cái đẹp, múa, hát, diễn như thế nào. Chúng tôi giới thiệu bản nhạc chèo gồm những gì, tấu những bản nhạc đặc trưng để khoe cái hay của từng nhạc cụ…
- Chiếu chèo gắn với không gian các vùng nông thôn miền Bắc, giờ lên phố, lại ở không gian “đóng”, liệu có gì “chênh” không, thưa chị?
- Cũng có sự khác biệt, chúng tôi cố gắng điều chỉnh để không có sự “chênh”. Đến với sân khấu nhỏ bây giờ, chúng tôi cho trải chiếu hoa từ trên xuống dưới, để tạo không gian đẹp, sang trọng. Nhưng quan trọng là lối diễn theo hình thức của chiếu chèo truyền thống, từ trang phục, dàn nhạc... Về chương trình, chúng tôi đã xây dựng 5 chương trình khác nhau, diễn gì là tùy vào đối tượng khán giả. Một là sử dụng cụ trùm trò dẫn chèo, xâu chuỗi các tiết mục lại với nhau; hai là dùng một đôi hề chèo dẫn chuyện, ba là để một đôi nam nữ dẫn trò; bốn là cho hề áo ngắn và hề áo dài dẫn chương trình; năm là chương trình giới thiệu tinh hoa nghệ thuật chèo, có tính chất nghiên cứu.
- Đến giờ, chiếu chèo sân khấu nhỏ đã ổn định chưa, thưa chị?
- Từ đầu năm đến giờ, chúng tôi duy trì 5 chương trình trên vào tối thứ 6 hằng tuần. Tất nhiên, ban đầu còn khó khăn, nhưng chúng tôi đang có nhiều hoạt động quảng bá. Xây dựng chương trình nhằm duy trì nét tinh túy của nghệ thuật truyền thống nên chúng tôi yêu cầu chất lượng rất cao. Không phải diễn viên, nhạc công nào cũng có thể được diễn ở sân khấu này. Nhà hát lập ra hội đồng nghệ thuật để kiểm tra mức độ phù hợp của từng người. Mỗi nghệ sĩ phải tự rèn luyện và nâng mình lên, hết lòng vì nghề, tạo ra những chương trình chất lượng để nuôi sống bản thân và xây dựng nhà hát. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn xây dựng nhiều chương trình cho sân khấu lớn, ra mắt vào các dịp lễ, tết.
- Xin cảm ơn NSƯT Thanh Ngoan!