Các đồng chí: Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai đồng chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có lãnh đạo, chuyên viên thuộc Vụ Tổ chức, biên chế; lãnh đạo, chuyên viên các vụ, đơn vị thuộc Bộ Nội vụ; đại biểu, chuyên gia đại diện một số bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía tỉnh Lào Cai có lãnh đạo Sở Nội vụ; các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở Nội vụ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: Sau khi Luật Tổ chức Chính phủ được ban hành đã khẳng định chức năng hành pháp của Chính phủ; đề cao vị trí, vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đảm bảo bộ máy hành chính tinh gọn, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần hoàn thiện, đảm bảo phù hợp với các quy định của Đảng, của pháp luật chuyên ngành và yêu cầu thực tiễn.
Đồng chí Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ từ thực tế thực hiện nhiệm vụ về những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân của những hạn chế trong khi triển khai Luật; xem xét, nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trên tinh thần đảm bảo tính dân chủ, pháp quyền cho lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện chức năng của cơ quan hành chính cao nhất của nhà nước và cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội...
Ngay sau khi Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) được Quốc hội thông qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và 5 năm. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật theo thẩm quyền, đồng thời tích cực chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến, quán triệt thực hiện Luật với nhiều hình thức đa dạng như thông qua hội nghị, lớp tập huấn; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị… qua đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; góp phần củng cố lòng tin của Nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tại tỉnh Lào Cai, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2019) đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp và chỉ đạo, yêu cầu của Đảng, Quốc hội; đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, xuyên suốt, đầy đủ các nội dung và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cũng như mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định.
Về triển khai phân cấp quản lý giữa Chính phủ và UBND tỉnh theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 21/3/2016 của Chính phủ về phân cấp quản lý giữa Chính phủ và UBND tỉnh, Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 24/6/2020 về đẩy mạnh phân cấp theo ngành, lĩnh vực, tỉnh Lào Cai đã tập trung đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trên 5 lĩnh vực trọng tâm, gồm: Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, Nội vụ, Nông - lâm nghiệp, Giao thông, vận tải - Xây dựng. Các nội dung phân cấp bước đầu đã tạo được tính đồng bộ trong quản lý theo ngành, lĩnh vực và quản lý theo lãnh thổ.
Về sắp xếp bộ máy: Số lượng tổ chức hành chính cấp tỉnh đã giảm từ năm 2015 đến nay là 48 đơn vị (trong đó có 4 chi cục, 22 phòng chuyên môn thuộc sở, 22 phòng thuộc chi cục); đối với tổ chức hành chính cấp huyện, đã giải thể Phòng Y tế tại 9 huyện, thị xã, thành phố, chuyển chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế sang Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện, không thành lập Phòng Dân tộc thuộc UBND thành phố Lào Cai. Số lượng đơn vị sự nghiệp đã giảm, giai đoạn từ 2015 đến nay là 125 đơn vị (năm 2015 toàn tỉnh Lào Cai có 854 đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 còn 729 đơn vị).
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích làm rõ một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị và giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa đánh giá cao các ý kiến thảo luận gửi đến cũng như trình bày trực tiếp tại hội thảo. Các ý kiến đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được trong thi hành Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), những kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng thi hành Luật. Đồng chí ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của đại biểu và sẽ tiếp thu, tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.