
Thiệt hại nghiêm trọng
Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, hoàn lưu sau bão số 3 và mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương. Tính từ ngày 21/7 đến 8 giờ ngày 28/7, hoàn lưu bão, mưa lũ đã làm 7 người chết (Nghệ An 5 người, Sơn La 2 người); 10 người bị thương (Điện Biên 2, Thanh Hóa 1 người, Nghệ An 4 người, Lâm Đồng 3 người); 4 người mất tích ở Sơn La.
Tính từ đêm 25/7 đến 8 giờ ngày 28/7, mưa lũ đã làm 22 nhà bị sập (Sơn La); 32 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Sơn La 3, Quảng Trị 5, Điện Biên 22, Lào Cai 2); di dời khẩn cấp 66 hộ (Sơn La 40 hộ, Lào Cai 26 hộ). Đến nay, 26 hộ tại Lào Cai đã trở về nhà.
Mưa lũ đã làm 180,93 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, vùi lấp (Sơn La 130,54 ha, Điện Biên 4,49 ha, Lào Cai 23,9 ha, Quảng Trị 22 ha); 16,95 ha ao cá bị cuốn trôi (Điện Biên 0,25 ha, Sơn La 11,2 ha, Lào Cai 3,5 ha, Quảng Trị 1 ha); 2.658 con bị vùi lấp, cuốn trôi (trong đó gia súc 98 con, gia cầm 2.560 con tại Sơn La).
Quốc lộ 4G (Sơn La) có 6 vị trí sạt lở ách tắc giao thông, dự kiến thời gian thông xe tạm thời vào ngày 30/7; Đường tỉnh lộ (ĐT 108) có 9 vị trí sạt lở ách tắc giao thông (dự kiến thông xe tạm thời khoảng 10 giờ ngày 28/7); ĐT 113 còn 3 vị trí sạt lở ách tắc giao thông (dự kiến thời gian thông xe khoảng 9 giờ 30 ngày 28/7); 5 cầu treo bị lũ cuốn trôi; một số tuyến đường liên xã, liên bản, nội bản có nhiều điểm sạt lở gây ách tắc giao thông. Quốc lộ 12 (Điện Biên) còn 2 vị trí sạt lở ách tắc giao thông, dự kiến thông xe tạm thời khoảng 14 giờ ngày 28/7.
Đến 7 giờ ngày 28/7 còn 39 trạm biến áp/3.677 hộ dân mất điện (trong ngày 27/7 đã khắc phục sự cố mất điện cho 1.885 hộ dân), tại Sơn La; còn 21 trạm đang mất tín hiệu di động.
Riêng đối với tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã khiến 3 cầu treo bị cuốn trôi, đặc biệt, tuyến Quốc lộ 7A - trục huyết mạch nối các xã phía Tây tỉnh Nghệ An đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn ngập sâu trong nước, khiến giao thông tê liệt hoàn toàn, lực lượng cứu trợ không thể tiếp cận bằng đường bộ. Trước thực trạng, Bộ Quốc phòng đã huy động các chuyến bay thực hiện nhiệm vụ cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị cô lập tại các điểm như xã Mường Xén, Mường Típ, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Bắc Lý....
Đến trưa 27/7, tỉnh Nghệ An hiện còn 10 xã bị cô lập với 78 thôn, bản và hơn 6.570 hộ, hơn 31.520 nhân khẩu. Trong đó xã Nhôn Mai vẫn bị cô lập hoàn toàn với 21 thôn, bản, hơn 1.430 hộ, hơn 6.860 nhân khẩu. Có 9 xã cô lập một phần với 57 thôn, bản, hơn 5.140 hộ, hơn 24.660 nhân khẩu, gồm xã Hữu Kiệm, Mường Xén, Chiêu Lưu, Na Loi, Mường Típ, Tương Dương, Lượng Minh, Yên Hòa, Hữu Khuông. Nguyên nhân bị cô lập là do đường bị sạt lở và bùn dất lấp hết toàn bộ mặt đường (8 xã), nước đang chảy xiết qua các cầu tràn (2 xã).
Gần 1.270 hộ di dời khẩn cấp đến nơi an toàn; hơn 6.940 nhà bị hư hỏng, trong đó bị sập, vùi lấp, cuốn trôi hoàn toàn 375 nhà; hơn 5.390 nhà bị ngập sâu thiệt hại, tài sản bị trôi, hư hỏng sau nước rút; gần 1.180 nhà bị hư hỏng, tốc mái; gần 30 điểm trường bị thiệt hại; 6 trung tâm y tế bị ngập nước, hư hại; 239 lồng bè bị hư hỏng; gần 140 ha diện tích cây trồng lâu năm, hơn 2.540 ha cây trồng hằng năm, 67 ha cây ăn quả tập trung bị thiệt hại....
Mưa lớn cục bộ từ đêm ngày 26 đến sáng ngày 27/7 tại khu vực phường Cam Đường, tỉnh Lào Cai đã khiến nước lũ khu vực suối Ngòi Đường lên nhanh, gây thiệt hại nhiều tài sản và nhà cửa của người dân trong khu vực. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phường Cam Đường đã khẩn trương huy động khoảng 1.000 người tham gia giúp dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra tại địa bàn. Theo thống kê, mưa lũ đã khiến 180 nhà dân bị thiệt hại, trong đó có 2 nhà bị sập và 178 nhà bị ngập úng; 9,8 ha diện tích hoa màu, 3,5 ha ao nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại và hơn 2.000 con gia cầm bị cuốn trôi. Để bảo đảm an toàn cho người dân, Ủy ban nhân dân phường Cam Đường đã chỉ đạo sơ tán 15 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nhà văn hoá tổ dân phố, nhà người thân và các nhà dân trong tổ.
Ngoài ra, sau mưa lớn, giao thông trên địa bàn bị ảnh hưởng, một số tuyến đường bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, bùn đất tràn đường... Tổng kinh phí thiệt hại ước khoảng 7 tỷ đồng.
Theo Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị), các lực lượng chức năng và người dân đã kịp thời ứng cứu 4 người trên 1 chiếc xe ô tô, khi người điều khiển phương tiện cố tình bỏ qua cảnh báo để vượt ngầm tràn khiến xe bị cuốn trôi.

Hỗ trợ kịp thời
Công tác khắc phục thiệt hại thiên tai lũ lụt vừa qua đã được các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang huy động tối đa nhân lực tham gia; trong đó Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động hơn 3.800 lượt cán bộ chiến sĩ, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng hơn 2.500 lượt cán bộ chiến sĩ, Lữ đoàn 324 và Lữ đoàn 206 hơn 2.550 lượt người… cùng tổng cộng 41 xuồng, 94 lượt ô tô các loại, 10 chuyến trực thăng tham gia ứng phó, hỗ trợ nhân dân phòng, chống khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ nhu yếu phẩm. Bộ Quốc phòng điều động 2 kíp trực thăng của Trung đoàn 916/QCPKKQ và Công ty Bay miền Bắc phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân khu 4, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tế 28 tấn hàng hóa các loại như mỳ tôm, sữa, lương khô, nước lọc, bánh chưng và các nhu yếu phẩm khác hỗ trợ nhân dân thiệt hại trên địa bàn 7 xã miền Tây tỉnh Nghệ An. Công an tỉnh tăng cường hơn 500 cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều nhu yếu phẩm trang thiết bị, phương tiện tăng cường hỗ trợ nhân dân tại các vùng chịu ảnh hưởng mưa lũ.
Đến trưa ngày 27/7, tổng số tiền, hàng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các xã bị thiệt hại do mưa lũ hơn 43,4 tỷ đồng thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Hội chữ thập đỏ Việt Nam tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, Quốc lộ 7A đoạn từ xã Con Cuông đến các địa bàn tâm lũ đã tạm thông tuyến.
Trước tình hình thiên tai, ngày 27/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã triển khai các Đoàn công tác do Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ban, ngành xuống xã trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục thiệt hại do mưa lũ; đồng thời, thăm hỏi động viên các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các xã với phương châm 4 tại chỗ phân công các thành viên trong Ban Chỉ huy xã trực tiếp đến hiện trường những địa bàn xảy ra thiên tai để chỉ đạo tìm kiếm người mất tích, sơ tán dân, di dời bảo vệ các công trình, bố trí tạm thời nơi ở an toàn cho nhân dân; chỉ đạo triển khai khắc phục thiệt hại, nhất là việc thăm hỏi thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các gia đình có người bị nạn; sửa chữa nhà bị hư hỏng; xử lý thông tuyến các điểm giao thông bị ách tắc; dọn dẹp vệ sinh môi trường; rà soát, thống kê thiệt hại; ổn định đời sống, sản xuất của người dân...
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các địa phương đã đến thăm hỏi động viên những gia đình có người bị chết, bị thương, huy động và chỉ đạo lực lượng chức năng tìm kiếm người mất tích, giúp đỡ, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.
Ngày 27/7/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 123/CĐ-TTg gửi UBND tỉnh Sơn La, các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Cùng ngày, Bộ Tổng tham mưu có Công điện số 4307/CĐ-TM gửi các đơn vị quân đội tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo thiên tai, đưa tin, bài về công tác chỉ đạo, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngày 24/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành văn bản số 4751/BNNMT-ĐĐ gửi các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An chủ động ứng phó với mưa lớn, nguy cơ lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 120/CĐ-TTg ngày 23/7/2025 về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Tập trung khắc phục hậu quả
Để tập trung khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão, mưa lũ, tại Công điện số 123/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng tập trung tìm kiếm những người còn mất tích (trong đó đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn); cứu chữa người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị tử vong, mất tích theo quy định; hỗ trợ gia đình lo hậu sự chu đáo cho những người bị tử vong theo phong tục của địa phương; huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khắc phục nhanh các tuyến đường bị sạt lở, bảo đảm an toàn giao thông; bằng mọi biện pháp phải tiếp cận cho được các khu vực bị lũ quét, sạt lở, kịp thời hỗ trợ người dân, kiên quyết không để người dân thiếu đói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, nhất là các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An,… chỉ đạo chính quyền cấp xã, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở và cơ quan chức năng chủ động rà soát, kiểm tra, phát hiện sớm những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là khi xảy ra mưa lớn.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các lực lượng tại chỗ của tỉnh Sơn La tiếp tục tập trung tìm kiếm những người còn mất tích, hỗ trợ nhân dân khắc phục nhanh hậu quả lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời chỉ đạo huy động các phương tiện, thiết bị cần thiết (kể cả thiết bị bay không người lái) hỗ trợ địa phương rà soát, phát hiện sớm các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để kịp thời cảnh báo, sơ tán người dân.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức theo dõi, dự báo, thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai, nhất là mưa lớn, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và người dân biết chủ động phòng, tránh. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát, cập nhật phương án và chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân.
Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác phòng, chống thiên tai thuộc lĩnh vực quản lý, kịp thời khôi phục công trình hạ tầng bị hư hỏng do thiên tai, nhất là các công trình bảo đảm giao thông, điện, nước, sóng viễn thông, y tế, giáo dục.
Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia theo dõi sát tình hình, chủ động phối hợp, điều phối, hỗ trợ Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tổng Giám đốc: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, chỉ đạo tăng cường truyền thông, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về tình hình thiên tai, công tác chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng để nhân dân biết, chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại; đồng thời phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn cho người dân kỹ năng nhận biết nguy cơ xảy ra thiên tai và ứng phó với thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.