LCĐT - Trong những năm qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Văn Bàn được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quân - dân ngày càng bền chặt, tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Vừa qua, tôi theo đoàn công tác của Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Văn Bàn, UBND xã Nậm Chày đến thăm, tặng quà một số gia đình quân nhân đang học tập, công tác tại Trung đoàn 254 (Bộ CHQS tỉnh). Đoàn đến thăm gia đình Binh nhì Giàng A Đa, chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 254 - hộ có hoàn cảnh khó khăn ở xã Nậm Chày. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã gần 3 km, nhưng chúng tôi đi mất gần 2 giờ đồng hồ mới đến được gia đình chiến sĩ này.
Ngay sau khi có mặt tại nhà Binh nhì Giàng A Đa, đoàn công tác thăm, tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, sửa chữa đường điện, vệ sinh nhà cửa, khơi thông cống rãnh, thu hoạch hoa màu... Bà Sùng Thị Di, mẹ quân nhân Giàng A Đa ấm lòng trước sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền và LLVT địa phương. Bà mong muốn con trai tiếp tục học tập, rèn luyện để sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về giúp đỡ địa phương và gia đình.
Ban Chỉ huy Quân sự huyện tặng quà gia đình quân nhân Vàng A Câu. |
Chia tay gia đình Binh nhì Giàng A Đa, đoàn công tác tiếp tục tới thăm và tặng quà gia đình Binh nhất Vàng A Câu, đang học tập, công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 254. Gia đình Câu thuộc diện đặc biệt khó khăn, bố bị khuyết tật bẩm sinh, không có khả năng lao động, mẹ thường xuyên đau ốm, trước khi nhập ngũ, Vàng A Câu là lao động chính trong gia đình. Cuộc sống của 7 miệng ăn chủ yếu trông chờ vào thửa ruộng lúa nước trên núi, nên gia đình thường xuyên thiếu thốn, phải nhờ sự hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và LLVT. Mặc dù gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng Vàng A Câu vẫn luôn có ý thức, xác định rõ trách nhiệm của công dân và là 1 trong 4 công dân của xã viết đơn tình nguyện làm nghĩa vụ quân sự. Thấu hiểu vất vả, khó khăn của gia đình quân nhân Vàng A Câu, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Văn Bàn đã phối hợp với UBND, các ban, ngành, đoàn thể xã Nậm Chày thường xuyên đến giúp đỡ, thăm, động viên gia đình. Sự hỗ trợ vật chất không lớn nhưng ở đó đậm nghĩa tình quân dân. Đây là điểm tựa vững chắc cho các chiến sĩ như Vàng A Câu chắc tay súng bảo vệ vững chắc Tổ quốc, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Cùng với quan tâm giúp đỡ gia đình Binh nhất Vàng A Câu, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Văn Bàn còn phối hợp với cấp ủy đảng, chỉ huy đơn vị nơi chiến sĩ Câu đang công tác thường xuyên nắm và quản lý chắc tư tưởng, tạo điều kiện giúp đỡ, động viên anh nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân ngũ, coi “Đơn vị là nhà, đồng đội là anh em”, từ đó ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu trở thành cán bộ cốt cán cho cơ sở sau này.
Trong những năm qua, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Văn Bàn đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của cấp trên về công tác dân vận. Đơn vị làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đồng thời lựa chọn xã Nậm Chày xây dựng mô hình dân vận khéo với chủ đề “Hậu phương người chiến sĩ”, từ đó nhân rộng trong toàn huyện.
Nậm Chày là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Bàn, cách trung tâm huyện khoảng 30 km về phía Tây. Xã có 8 thôn, 535 hộ, với khoảng 3.200 nhân khẩu, phần lớn là dân tộc Mông (chiếm 99,6% tổng dân số của xã). Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội rất phức tạp, là xã trọng điểm về ma túy; có số người nghiện cao. Trước những khó khăn trên, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện Văn Bàn lựa chọn xã Nậm Chày để giúp đỡ địa phương phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân. Thượng tá Đàm Văn Dương, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Văn Bàn cho biết: Để thực hiện hiệu quả mô hình “Hậu phương người chiến sĩ” tại xã Nậm Chày, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã tham mưu, đề xuất với Huyện ủy, UBND huyện giúp đỡ, động viên những quân nhân có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, Đảng ủy, Ban CHQS huyện đã phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy, cấp ủy đảng, chính quyền xã chỉ đạo, hướng dẫn giao nhiệm vụ, khảo sát thực địa, xây dựng kế hoạch thăm, giúp đỡ, động viên các quân nhân, gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Quán triệt, triển khai nghiêm các chủ trương của Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy Quân sự tỉnh về quan tâm, chăm lo đối với quân nhân, gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự; quan tâm, giáo dục, rèn luyện số quân nhân đang tại ngũ để tạo nguồn phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ cho cơ sở sau này, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Văn Bàn đã tham mưu cho Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện triển khai thực hiện tốt các khâu, các bước trong công tác tuyển quân, nhất là việc rà soát chất lượng chính trị, lựa chọn nguồn đối tượng phát triển đảng viên gắn với tạo nguồn cán bộ cơ sở. Đơn vị chủ động phối hợp với gia đình quân nhân, đơn vị đang quản lý quân nhân để có biện pháp giúp đỡ quân nhân yên tâm công tác, tích cực học tập, rèn luyện, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự...
Mô hình dân vận “Hậu phương người chiến sĩ” của Ban CHQS huyện Văn Bàn đã thể hiện đúng chủ trương của Đảng đối với chính sách hậu phương quân đội, góp phần nâng cao nhận thức của địa phương và Nhân dân trong việc thực hiện chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, tham gia giúp địa phương xây dựng nông thôn mới…