
Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; đại diện các xã thụ hưởng Chương trình 1719.

Theo báo cáo của Sở Dân tộc và Tôn giáo, Chương trình 1719 được Chính phủ phê duyệt 10 dự án, 14 tiểu dự án, 37 nội dung thiết kế làm 2 giai đoạn (2021 - 2025 và 2026 - 2030), bao trùm tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Tại Lào Cai, tổng nguồn lực thực hiện Chương trình 1719 giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 5.656,5 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ 100% kế hoạch vốn giao năm 2025. Việc huy động vốn và quản lý tài chính cho các chương trình được thực hiện công khai và minh bạch. Từ nguồn vốn này đã phân bổ hỗ trợ đầu tư cho vùng đồng bào DTTS khó khăn và đạt kết quả tích cực.
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình 1719, tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng DTTS đã giảm 5,83%, đạt 97,2% mục tiêu Trung ương giao. Đặc biệt, 7/33 xã đã ra khỏi danh sách địa bàn đặc biệt khó khăn, cho thấy nỗ lực mạnh mẽ của tỉnh trong cải thiện đời sống người dân.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... tiếp tục được đầu tư, nâng cấp đồng bộ hơn, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa. Các mô hình phát triển sinh kế, sản xuất nông nghiệp bền vững, liên kết chuỗi giá trị được triển khai rộng rãi (tổng thực hiện 378 dự án phát triển sản xuất); một số mô hình đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo được đẩy mạnh, tạo sự đồng thuận xã hội cao...
Bên cạnh đó, triển khai Chương trình 1719 còn những khó khăn nhất định như tiêu chí đánh giá tỷ lệ hộ nghèo, thôn thoát diện đặc biệt khó khăn hiện không còn phù hợp; khó khăn trong xác định chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người; cơ chế triển khai một số nội dung còn chung chung...

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung tham luận, đánh giá và chia sẻ những thành tựu, cách làm sáng tạo trong triển khai Chương trình 1719, đồng thời phân tích những khó khăn, tồn tại, bài học kinh nghiệm, từ đó xác định giải pháp triển khai hiệu quả chương trình đến năm 2030.


Đối với giai đoạn 2026 - 2030, Lào Cai đề xuất một số cơ chế, chính sách liên quan đến mô hình, cơ chế thực hiện như thành lập ban chỉ đạo các cấp do người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền làm trưởng ban; gộp các chương trình mục tiêu quốc gia thành 1 chương trình đảm bảo sự thống nhất trong thực hiện. Kiến nghị Trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn; quy định thống nhất đối tượng được thụ hưởng chính sách các chương trình mục tiêu quốc gia; có quy định cụ thể về nội dung, mức hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương; cho phép địa phương vận dụng, tận dụng nguồn nguyên - vật liệu tại địa phương để thực hiện các công trình hạ tầng, giao thông thuộc chương trình để tiết kiệm chi phí; điều chỉnh giảm 1/3 số thôn đặc biệt khó khăn, số xã khu vực III thoát diện đặc biệt khó khăn so với số Trung ương giao cho tỉnh...