LCĐT - Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng trong tỉnh, Hiệp hội Du lịch Sa Pa đã đề xuất các giải pháp cụ thể để giúp hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty lữ hành và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid – 19.
Văn bản gửi cơ quan chức năng của Hiệp hội Du lịch Sa Pa. |
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Cao Vỹ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Sa Pa cho biết: Ngày 24/2, đơn vị này vừa có văn bản số 03/CVHHDL gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của tỉnh đề xuất xin giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế đối với các doanh nghiệp, công ty lữ hành và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Theo đó, trước tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp, công ty lữ hành và cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn thị xã; đặc biệt, nhiều nhà hàng, khách sạn tại Sa Pa phải đóng cửa, nhân viên phải nghỉ việc không lương. Để kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, Hiệp hội Du lịch Sa Pa đề nghị:
Đối với Chính phủ, UBND tỉnh: Gia tăng tính cạnh tranh về giá thông qua chính sách thuế. Theo đó, áp dụng mức thuế VAT 0% từ tháng 3 đến 31/12/2020; áp dụng mức thuế VAT 5% trong 6 tháng kế tiếp. Việc này giúp các công ty du lịch, các cơ sở kinh doanh có cơ hội giảm giá bán, cạnh tranh tốt hơn với các nước trong khối ASEAN.
Đề suất miễn, giảm giá vé tham quan các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa để kích cầu thu hút khách trước thời điểm công bố hết dịch để các doanh nghiệp chuẩn bị làm chương trình.
Yêu cầu chủ đầu tư các công trình hạ tầng, cảnh quan đô thị, các dự án đẩy nhanh tiến độ trong thời gian này, trả lại môi trường “xanh, sạch, đẹp” cho Sa Pa trước thời điểm Chính phủ công bố hết dịch bệnh Covid - 19 để kịp thời xúc tiến quảng bá thu hút khách.
Từ khi dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp trên thế giới, lượng khách du lịch đến với Sa Pa giảm. |
Đối với các ngân hàng, bảo hiểm xã hội: Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tài sản hình thành chủ yếu do nguồn tín dụng ngân hàng, việc trả gốc và lãi dựa vào kết quả kinh doanh trong tháng, nguồn vốn tích lũy hầu như không có hoặc rất thấp, doanh nghiệp không thể duy trì chi trả nợ, lương nhân viên, tiền thuê cơ sở kinh doanh… Vì thế, các ngân hàng thương mại nghiên cứu áp dụng hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp; cơ quan bảo hiểm miễn hoặc giảm, khoanh nợ bảo hiểm cho doanh nghiệp với lãi xuất 0%, hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục khi có nhân viên tạm nghỉ việc không lương làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp.