Xe vượt qua nhiều con dốc, chúng tôi đến tuyến đường Cốc Chứ - Sang Vai, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương. Tuyến đường mới mở, được thảm bê tông rộng 3,5 m, dài 3 km kết nối thôn Ngam Lâm với Tỉnh lộ 154, giúp việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân khá thuận lợi. Đóng góp không nhỏ để có tuyến đường rộng là gia đình anh Lù Văn Đèn, thôn Ngam Lâm, hộ hiến 1.600 m2 đất ruộng để mở đường.
Gia đình anh Đèn là hộ thuần nông, tổng thu nhập mỗi năm đạt từ 70 - 80 triệu đồng từ trồng ngô, lúa, chè. Diện tích đất gia đình anh Đèn hiến để thi công tuyến đường Cốc Chứ - Sang Vai chiếm 1/5 khu ruộng, có giá trị khoảng 60 triệu đồng, gần bằng một năm thu nhập của cả gia đình.
Bà Nùng Thị Thu, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư cho biết: Mặc dù tuyến đường đi qua giữa khu ruộng màu mỡ nhưng khi xã triển khai làm đường, gia đình anh Đèn vẫn sẵn sàng hiến đất. Gia đình anh Đèn là hộ đầu tiên hiến đất, cũng là hộ hiến nhiều đất nhất để làm tuyến đường này.
Đi trên tuyến đường mới mở, anh Lù Văn Đèn chia sẻ: Là một trong những hộ có đất sản xuất thuộc tuyến đường Cốc Chứ - Sang Vai nên hơn ai hết, tôi thấu hiểu những khó khăn khi không có đường giao thông. Bởi trước đây, khi thu hoạch được bao lúa, bao ngô, gia đình tôi phải vác bộ hàng tiếng đồng hồ từ ruộng về nhà. Vì vậy, khi xã vận động, tôi bàn với gia đình, tất cả đều đồng ý hiến đất làm đường. Khi tuyến đường thành hình, việc đi lại, thu hoạch lúa, ngô, chè của gia đình tôi và các hộ dân trong khu vực đều thuận lợi.
Không dừng lại ở việc hiến đất, anh Đèn còn tích cực cùng các đoàn thể của thôn tham gia vận động người dân hiến đất làm đường. Với sự gương mẫu, đi đầu, sẵn sàng hy sinh lợi ích của bản thân, anh Đèn đã thuyết phục được 20 hộ khác trong thôn tham gia hiến 7.000 m2 đất để làm tuyến đường Cốc Chứ - Sang Vai.
Nói về quá trình vận động, anh Đèn cho biết: Gia đình tôi tiên phong hiến đất nên việc vận động các hộ khác cũng thuận lợi. Bên cạnh đó, tôi cũng phân tích cho họ hiểu về lợi ích khi có tuyến đường đối với việc lưu thông, phát triển kinh tế. Một lý do khác giúp quá trình vận động diễn ra thuận lợi là do các hộ trong thôn đều có quan hệ họ hàng, láng giềng nên có tinh thần đoàn kết, đồng thuận.
Ngoài là tấm gương sáng trong việc hiến đất làm đường, vận động các hộ dân trong thôn hiến đất, gia đình anh Lù Văn Đèn còn là điển hình trong trong phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2018, gia đình anh Đèn là một trong những hộ ở thôn Ngam Lâm tiên phong thực hiện chuyển đổi cây trồng (từ vườn, rừng gỗ tạp sang trồng chè). Hiện gia đình anh Đèn có 1,9 ha chè, trong đó khoảng 1 ha đang cho thu hoạch. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Đèn thu hoạch 3 lứa chè, mỗi lứa đạt sản lượng khoảng 3 tạ búp, với giá bán trung bình 8 nghìn đồng/kg, thu về 6 triệu đồng.
“Tôi đã thử nhiều loại cây trồng (mỡ, quế, cây ăn quả, sa nhân…) để phát triển kinh tế, nhưng đến nay chỉ có cây chè phù hợp và hiệu quả. Do vậy, tôi tiếp tục mở rộng diện tích chè để nâng cao thu nhập cho gia đình.” - anh Đèn tâm sự.
Nói thêm về gia đình anh Lù Văn Đèn, bà Nùng Thị Thu, Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư cho rằng: Gia đình anh Đèn rất tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do xã, thôn, tổ chức. Nhiều năm liền, gia đình anh Đèn đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Đây là tấm gương sáng trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, rất xứng đáng được tuyên dương, lan tỏa để người dân trong xã học tập và làm theo.